Đây là chia sẻ của Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ, tại Hội thảo "Phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", khu vực miền Trung - Tây Nguyên do Hội LHPN Việt Nam vừa phối hợp với Tỉnh uỷ Lâm Đồng tổ chức.
Đây là 1 trong chuỗi 3 Hội thảo khu vực miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy 3 tỉnh: Hòa Bình, Lâm Đồng và Trà Vinh tổ chức. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I, từ năm 2021-2025.
Tiến sĩ Lê Thị Liên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo - Ban Tôn giáo Chính phủ, cho biết, Việt Nam là đất nước có nhiều loại hình tín ngưỡng, tôn giáo. Đến năm 2023, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo cho 41 tổ chức thuộc 16 tôn giáo với số lượng tín đồ trên 26 triệu người (chiếm khoảng 27% dân số cả nước), gần 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc, hàng chục ngàn nhà tu hành với nhiều tên gọi, phẩm trật khác nhau ứng với mỗi tôn giáo.
Chức sắc, chức việc, nhà tu hành không chỉ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của đông đảo quần chúng nhân dân, mà còn có ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong việc hướng dẫn, động viên tín đồ thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần ổn định xã hội; tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Tiến sĩ Lê Thị Liên cho rằng, công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành là công tác rất đặc thù, nếu không am hiểu cụ thể, rõ ràng thì rất khó vận động một cách hiệu quả. Không có bất cứ "khung" nào để có thể áp dụng trong vận động các chức sắc, chức việc, nhà tu hành. Do vậy, theo tiến sĩ Liên, công tác của các cấp Hội LHPN Việt Nam trong vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành phải thật sự linh hoạt.
Một trong những cách thức giúp công tác vận động chức sắc, chức việc, tín đồ phát huy hiệu quả là kịp thời giải quyết nhu cầu sinh hoạt tôn giáo chính đáng của đồng bào tôn giáo. Giải quyết nhanh các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho cá nhân và tổ chức tôn giáo.
Nhiều nơi có thêm mô hình vận động khéo thông qua giao lưu văn hóa thể thao, tham gia các hội diễn văn hóa, văn nghệ. Thông qua các hoạt động đó tạo nên sự gắn kết, hòa hợp, tạo thuận lợi cho chức sắc, chức việc, nhà tu hành vận động, động viên tín đồ tham gia, chấp hành chính sách, pháp luật.
Về các giải pháp để phát huy vai trò của chức sắc, chức việc, nhà tu hành trong công tác vận động tín đồ thực hiện tốt chính sách, pháp luật và đóng góp nguồn lực cho phát triển đất nước, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách tôn giáo nhấn mạnh, trước tiên cần nắm vững quan điểm của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo. Kế đến là cần năng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của hệ thống chính trị và xã hội về tôn giáo. Đồng thời, cần làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị cơ sở.
Tiến sĩ Lê Thị Liên khẳng định, việc xây dựng lực lượng chính trị cơ sở là cực kỳ quan trọng. Đồng thời mong muốn sau Hội thảo, sẽ có thêm những gợi mở để tham mưu trong vấn đề xây dựng lực lượng cơ sở, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo ở địa phương. Làm thế nào đó để có cơ chế, có chính sách, có tâm có tầm thì lúc đấy công tác vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành sẽ tốt hơn nhiều.
Bên cạnh đó, theo tiến sĩ Liên, khi chúng ta thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tôn giáo một cách hiệu quả và đảm bảo được nhu cầu chính đáng của họ thì chắc chắn vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành sẽ có được nhiều thuận lợi.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn