Truyền đạt tại Hội nghị sáng 27/3, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ 4 nội dung cốt lõi của chuyên đề "Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", bao gồm: Quá trình chuẩn bị Báo cáo chính trị; tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh; phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ Đại hội XIII và những năm tiếp theo; tổ chức thực hiện.
Tinh thần xuyên suốt của Báo cáo chính trị khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam; dân là gốc, nhân dân là trung tâm, là chủ thể, là cội nguồn sức mạnh trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII và nhìn lại 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã phân tích và làm rõ những kết quả đã đạt được trên 4 mặt: Phát triển kinh tế-xã hội; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; quốc phòng, an ninh đối ngoại; khống chế kiểm soát, ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Phân tích rõ các bài học kinh nghiệm, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên; quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc". Bên cạnh đó, trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, năng động, sáng tạo, tích cực, có bước đi phù hợp; tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển; chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đã phân tích 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030; 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ Đại hội XIII và 3 đột phá chiến lược. Từ đó, việc tổ chức thực hiện cần thể chế hóa, cụ thể hóa bằng các chương trình hành động cụ thể, từ trên xuống dưới, biến những quyết định của Đại hội thành những kết quả sinh động trong thực tế.
Chiều 27/3, truyền đạt về chuyên đề "Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đã nêu những vấn đề mới về xây dựng Đảng trong Văn kiện Đại hội XII; 6 kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ; 5 bài học kinh nghiệm quý.
Đồng chí Phạm Minh Chính cũng nêu rõ những nội dung trọng tâm xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhiệm kỳ XIII và nhấn mạnh: Trên cơ sở tổng kết, đánh giá toàn diện, sâu sắc công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII và căn cứ tình hình thực tiễn, nhất là về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng và chỉ rõ: "Trong những năm tới, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ".
Đồng thời, xác định nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất về xây dựng Đảng gồm 6 nội dung quan trọng là: Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh; Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; Xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm", những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; Xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; Củng cố lòng tin, sự gắn bó của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất nêu trên, Đại hội XIII đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó xác định 3 nhiệm vụ trọng tâm, 3 giải pháp đột phá về công tác xây dựng Đảng để thực hiện.
3 nhiệm vụ trọng tâm là:
(1) Đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ gắn với đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên.
(2) Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
(3) Tiếp tục đổi mới, kiện toàn và từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
3 giải pháp đột phá là:
(1) Tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ.
(2) Phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.
(3) Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn