Bánh trôi - bánh chay là hai loại bánh cổ truyền tại miền Bắc Việt Nam. Hai loại bánh này thường đi liền với nhau, phổ biến nhất trong dịp Tết Hàn Thực hàng năm. Tuy nhiên, vì bánh trôi rất dễ ăn và ngon miệng nên nó đã trở thành bữa sáng quen thuộc của nhiều gia đình.
Bánh trôi thông thường bên trong là viên đường phèn với vị ngọt thanh hoặc nhân đậu xanh và có vừng bên ngoài. Bánh được ăn với nước sốt đường cùng với mùi thơm độc đáo của gừng. Các mẹ chắc hẳn đã quen thuộc với chiếc bánh màu trắng, tuy nhiên hiện nay có rất nhiều cách tạo hình mới lạ, biến những viên bánh trôi bình thường trở nên đáng yêu, đẹp mắt với loạt sắc màu rực rỡ.
Mới đây, chị Huyền Thu (sống tại Hà Nội) đã chia sẻ cho các mẹ công thức làm bánh trôi tạo hình mà chị hay làm cho con trai. Những chiếc bánh với hình thù ngộ nghĩnh xinh yêu chắc chắn sẽ làm các bé hào hứng, thích thú chẳng nỡ ăn. Dưới đây là công thức làm bánh của chị Thu, các mẹ có thể tham khảo làm cho bé nhà mình nhé.
- 100g bột gạo nếp (nên dùng bột thái để tránh vị chua).
- 10g bơ lạt (có thể thay bằng dầu dừa).
- 23g bột gạo tẻ (loại nào cũng được, bột gạo tẻ giúp bánh mềm ngon hơn).
- Nước trộn bánh phải là nước sôi, không dùng nước nguội sẽ làm chảy bột.
Bánh trôi có thể tạo nhiều hình thù khác nhau mà không cần phải canh, ủ. Thông thường việc tạo hình sẽ khá mất thời gian vì từng chi tiết như mắt, mũi hoặc miệng đều cực kỳ bé, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, và thật sự "relax" ở người làm bánh.
Tối ưu là màu bột, có thể mix thêm màu nước, chỉ dùng màu nước không lên màu chuẩn và làm bột bị nhão. Cách tạo hình lần lượt từ chính tới phụ, mọi người có thể sáng tạo tuỳ theo ý thích, chỉ cần chú ý che bột không để bột bị khô, khó tạo hình, mặt bột không được láng đẹp, bột khô làm rơi các chi tiết khi luộc, có thể xịt một lớp nước mỏng lên bề mặt bánh nếu bị khô.
Các mẹ có thể sử dụng màu bột rau củ bán sẵn, hoặc có thể sử dụng màu từ rau củ quả có sẵn trong gian bếp nhà mình như tạo màu từ nước ép cà rốt, màu từ hoa đậu biếc hay các loại rau xanh mẹ xay nhỏ lấy nước trộn cùng bánh. Đây cũng là một cách để bổ sung thêm rau củ cho con, cùng với những chiếc bánh màu sắc ngộ nghĩnh đáng yêu chắc chắn các bé sẽ rất thích thú. Hạn chế sử dụng màu thực phẩm vì chúng không tốt cho sức khoẻ các bé cũng như làm nhão bột gây khó khăn cho công đoạn tạo hình.
- Nước sôi các mẹ mới cho bánh vào luộc, luộc ở lửa vừa, bánh nổi 3 phút vớt bánh ra ngâm nước mát. Ở bước nấu bánh trôi tạo hình, chỉ cần đảm bảo bột bánh trước khi cho vào không bị khô thì 99% các chi tiết mắt mũi miệng nhỏ xíu mà bạn cất công làm sẽ không bị rớt mất trong quá trình luộc dù nước có sôi sùng sục đi nữa.
Nhiều mẹ thắc mắc nhân bánh hay bị trào ra ngoài lúc luộc khiến nước luộc đục ngầu và bánh trôi thì xẹp lép. Có 2 khả năng chính: gói bánh chưa quen tay dẫn đến việc nhân bánh bị lem ra ngoài vỏ bánh và vỏ bị khô nứt lộ ra phần nhân bánh bên trong.
Vì vậy, trước khi luộc bánh trôi thì các mẹ nên nhìn qua một vòng xem có chiếc bánh nào bị nứt hay tràn nhân ra thì để qua một bên, những chiếc bánh đó có thể xử lý bằng cách đắp thêm ít bột vỏ vào che đi phần bị nứt nhé.
- Nước chan bánh: sử dụng đường đen Hàn Quốc tạo màu đẹp, dùng 2 thìa phở đường đen cho 500ml nước thêm đường trắng đến khi vừa miệng, thêm gừng tuỳ thích. Sử dụng đường trắng giúp vị nước đường sẽ trở nên thanh tao ngọt dịu chứ không gắt cổ
- Bánh sau khi luộc chan nước đường là có thể thưởng thức được luôn.
Bánh trôi có đặc tính là mềm, dẻo, có vị ngon ngọt kết hợp giữa lớp bột, nhân và nước đường. Tuy nhiên, khi cho bé ăn các mẹ nên cẩn thận, dặn con cắn viên bánh trôi hoặc cắt sẵn để đảm bảo bé không bị hóc, nghẹn khi ăn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn