Công trình gia cố đập Cây Chanh (Nghệ An): Ngày thi công đầu tiên đã có vết nứt

10:16 | 25/10/2018;
“Hôm đầu tiên nhà thầu tiến hành đổ bê tông đã xuất hiện nứt nẻ. Chúng tôi gọi ngay nhà thầu để xử lý, nhưng phía nhà thầu trả lời do thời tiết nắng quá dẫn đến nứt nẻ”, đại diện chủ đầu tư công trình gia cố đập Cây Chanh (Nghệ An) thừa nhận.
Đó là ý kiến của ông Trần Khánh Tùng, Chủ tịch UBND xã Minh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trả lời về công trình cải tạo, gia cố đập Cây Chanh nhằm phục vụ dân sinh trên địa bàn vừa mới bàn giao sử dụng đã nứt nẻ, hư hỏng.
Nứt nẻ chỉ là dấu chân chim?
Ngày 26/10/2016, UBND huyện Yên Thành có quyết định số 8554/QĐ-UBND về việc quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình cải tạo, gia cố đập Cây Chanh tại xóm 6 xã Minh Thành. Công trình gồm các hạng mục: đập đất và cống tiêu nước qua đường với quy mô công trình đạt cấp IV, chiều dài nạo vét lòng hồ theo tuyến chính L = 216m, chiều dài nâng cấp tuyến kè bảo vệ dân cư phía bờ tây L = 216,0m, chiều rộng mặt đập phía bờ tây B = 5,0m. Công trình do UBND xã Minh Thành làm chủ đầu tư, đơn vị trực tiếp thi công là Công ty TNHH Danh Nhung có địa chỉ đóng tại xã Minh Thành.
 
44727288_490988324755133_1374577559798284288_n.jpg
ch-tch-x-cho-bit-ng-nt-n-ch-l-du-chn-chim.jpg
Chủ tịch UBND xã Minh Thành cho biết đường nứt nẻ này chỉ là... vết chân chim.
Công trình triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư gần 5,5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách xã và huy động nguồn vốn hợp pháp khác. Công trình cải tạo, gia cố đập Cây Chanh sửa chữa nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cho đập nước mùa mưa bão, đồng thời cấp nước tưới ổn định cho 40ha đất sản suất nông nghiệp và đất trồng hoa màu, cấp nước phục vụ dân sinh. 
Công trình được thi công từ cuối năm 2016 và bàn giao đưa vào sử dụng vào đầu năm 2018. Trước đây, nguồn nước khan hiếm, việc sử dụng nước tưới tiêu cây trồng nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khi công trình triển khai, bà con trong xã ai cũng mừng, bởi công trình do xã làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là một doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã, cũng là con em trong địa phương nên bà con nhân dân ai cũng đặt niềm tin vào một công trình chất lượng, bền lâu.
Thế nhưng, trước khi triển khai công trình vui mừng bao nhiêu thì khi công trình đưa vào sử dụng bà con nhân dân lại thất vọng bấy nhiêu. Bà con không thể ngờ bởi chỉ mới một thời gian ngắn ngủi sử dụng, công trình đã bộc lộc nhiều điểm xuống cấp nghiêm trọng?
Một người dân địa phương cho biết: “Công trình này phục vụ tưới tiêu đất nông nghiệp cho bà con nhân dân chúng tôi. Nghe nói được đầu tư tới gần 5,5 tỷ, nhưng vừa mới sử dụng chưa được bao lâu, mặt đập đã nứt nẻ nhiều đoạn.”
Có mặt tại công trình, chúng tôi ghi nhận, hạng mục đá ghép phần mái đập có một số điểm đã có hiện tượng sụt lún, phần bê tông mặt đập đã bị bong tróc, nứt nẻ nhiều chỗ, có những đoạn nứt nẻ ngay giữa tim đường.
Trao đổi với chủ đầu tư, ông Trần Khánh Tùng, Chủ tịch UBND xã Minh Thành, trả lời: “Hôm đầu tiên nhà thầu tiến hành đổ bê tông đã xuất hiện nứt nẻ. Chúng tôi gọi ngay nhà thầu để xử lý, nhưng phía nhà thầu trả lời do thời tiết nắng quá dẫn đến nứt nẻ”.
hng-mc-ghp-phn-mi-p-c-hin-tng-st-ln.jpg
Hạng mục đá ghép phần mái đập đã có hiện tượng sụt lún.
Ông Tùng thừa nhận, việc công trình vừa mới sử dụng đã xuất hiện các vết nứt nẻ trên mặt đập là có và thậm chí phía chính quyền địa phương cũng xác nhận ngay những ngày đầu thực hiện công trình, phía đơn vị thi công là công ty TNHH Danh Nhung đã mua bê tông của công ty TNHH Trường An (địa chỉ đóng tại huyện Đô Lương) để thực hiện, trong quá trình đổ bê tông đã có xuất hiện các vết nứt nẻ này.
“Mức độ xuống cấp ở đây đang dừng ở mức độ cho phép, những chỗ nứt nẻ chỉ là dấu chân chim”, ông Trần Khánh Tùng cho biết khi chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao chủ đầu tư phát hiện công trình nứt nẻ từ những ngày đầu triển khai thực hiện đến khi hoàn thành mà vẫn có thể nghiệm thu đưa vào bàn giao sử dụng khi chưa được khắc phục.
Chủ tịch xã xây dựng công trình trái phép trên lòng hồ
Không chỉ dừng lại ở việc công trình vừa bàn giao sử dụng đã xuống cấp, nứt nẻ, mà dư luận và người dân cũng rất băn khoăn việc gia đình vị Chủ tịch xã tự ý xây dựng một ngôi nhà chòi nổi nằm ngay trên mặt hồ đập mà không gặp phải một trở ngại nào?.
“Khi làm đập này tôi tưởng nhà nước cho xây cái chòi đẹp như thế, sau này nghe bà con bảo nhà chòi đó là của gia đình ông chủ tịch xã tự ý xây dựng lên trên mặt hồ đó chứ. Tôi cứ ngỡ muốn xây dựng công trình gì đó thì thủ tục giấy tờ cấp phép rắc rối lắm, ai ngờ muốn làm gì thì làm, xây gì thì xây, chẳng có ai ý kiến gì cả”, một người dân địa phương trò chuyện.
nh-chi-ni-ca-ch-tch-x-xy-dng-ngay-trn-mt-h-p-m-khng-gp-phi-mt-tr-ngi-no.JPG
Nhà chòi nổi của chủ tịch xã xây dựng ngay trên mặt hồ đập mà không gặp phải một trở ngại nào.
Làm việc với địa phương, vị chủ tịch xã Minh Thành, ông Trần Khánh Tùng cho biết nhà chòi này không có trong thiết kế của công trình phê duyệt mà là do con trai của ông xây dựng nên: “Nhà chòi này là do con trai tôi xây dựng. Trước khi thực hiện, chúng tôi cũng đã xin ý kiến và được sự nhất trí bà con nhân dân trong xóm.”
“Về phía chính quyền địa phương, tôi cũng đã nhận được văn bản của “dân” xin phép được xây dựng chòi trên lòng hồ đập Cây Chanh. Xét thấy việc xây dựng chòi này cũng tạo nên cảnh quan đẹp cho lòng hồ đập nên tôi cũng nhất trí cho phép xây dựng”, ông Tùng cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi chúng tôi xin tiếp cận văn bản của dân trình lên chính quyền xin phép xây dựng thì ông Tùng cho biết, họ xin bằng “miệng”. Vị chủ tịch xã Minh Thành cũng thừa nhận, nhà chòi mà gia đình Ông Tùng xây dựng trên lòng hồ, ngay trước nhà ông Tùng không hề có bất kỳ một giấy phép nào của cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trao đổi nội dung này với lãnh đạo cấp huyện, ông Nguyễn Vương Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: “Việc xây dựng một cái nhà chòi trên đó có thể làm đẹp nhưng sẽ làm ảnh hưởng ô nhiễm môi trường nguồn nước của lòng hồ, mà đã như vậy thì chắc chắn người dân sẽ phản đối. Việc đầu tư công trình cải tạo gia cố hồ đập này là việc làm để người dân được hưởng lợi, mà giờ chưa được hưởng lợi, cá nhân đã tư lợi là không được”.
“Quan điểm của huyện là nếu xã làm sai thì phải xử lý. Tôi sẽ chỉ đạo anh Tùng báo cáo nội dung này. Nếu xây dựng sai, sẽ yêu cầu phải tháo dỡ”, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Thành, Nguyễn Vương Ngọc khẳng định.
Trong khi công trình do chính quyền làm chủ đầu tư, đơn vị thầu đóng trên địa bàn xã mà chỉ mới được bàn giao sử dụng đã xuống cấp, nứt nẻ khiến nhân dân bất bình, các cơ quan liên quan quản lý vẫn chưa được giải quyết thì nay lại phát sinh sự việc gia đình chủ tịch xã tự ý xây nhà chòi trên công trình, điều đó cho thấy, công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng, quản lý lòng hồ của chính quyền huyện Yên Thành còn thiếu sát sao, chưa dứt điểm.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn