Các bằng chứng khoa học đã chứng minh, việc sử dụng thuốc lá và phơi nhiễm với khói thuốc là nguyên nhân dẫn đến tử vong, bệnh tật và tàn phế, điển hình là ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Trong khi đó, sự gia tăng trong tiêu thụ và sản xuất thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá khác trên toàn cầu, đặc biệt tại các nước đang phát triển tạo ra gánh nặng đối với các gia đình, người nghèo và các hệ thống y tế quốc gia.
Theo WHO, mỗi năm, thuốc lá cướp đi sinh mạng của gần 6 triệu người, trong đó có hơn 5 triệu người đang và đã từng hút thuốc, hơn 600 nghìn người không hút thuốc nhưng bị tiếp xúc thụ động với khói thuốc của người khác. Số người chết vì thuốc lá nhiều hơn tổng số người chết vì HIV⁄AIDS, lao phổi và sốt rét cộng lại.
Ở Việt Nam, số liệu được công bố năm 2022 cho thấy, các bệnh liên quan đến thuốc lá là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, khoảng 40.000 ca tử vong mỗi năm - tức là hơn 100 người chết vì thuốc lá mỗi ngày. Nếu không có can thiệp khẩn cấp, ước tính số tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá mỗi năm sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030.
Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới với 47,4% nam giới trưởng thành hút thuốc, tỷ lệ nữ giới hút thuốc thấp hơn chưa đến 2% nhưng thuốc lá là nguyên nhân gây ra gần 10% ca tử vong ở phụ nữ trưởng thành.
Tình trạng hút thuốc lá thụ động rất đáng ngại với 53,5% người không hút thuốc (tương đương 28,5 triệu người) bị phơi nhiễm với khói thuốc lá tại gia đình. Tình trạng hít khói thuốc thụ động còn xảy đến với 5,9 triệu người tại nơi làm việc; 2,8 triệu người tại trường học; 1,4 triệu người trên phương tiện giao thông công cộng.
Hút thuốc thụ động là hít phải khói thuốc từ đầu điếu thuốc đang cháy hoặc khói thuốc do người hút thuốc phả ra. Khói thuốc thụ động chứa hàng nghìn hóa chất, trong đó ít nhất có 250 chất gây ung thư hay chất độc hại. Theo nghiên cứu của WHO, khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy chứa chất độc nhiều gấp 21 lần so với khói thuốc thở ra.
Vào đầu những năm 2000, các nước thành viên của WHO quyết tâm ứng phó với đại dịch thuốc lá toàn cầu và những tác hại chết người của nó, đã xây dựng Công ước khung về kiểm soát thuốc lá. Có hiệu lực từ năm 2005, Công ước nhằm mục đích bảo vệ các thế hệ hiện tại và tương lai trước những tác động tàn phá về sức khỏe vì khói thuốc.
Công ước khung của WHO về FCTC thể hiện một cách tiếp cận toàn diện để kiểm soát thuốc lá toàn cầu. Với hơn 180 quốc gia đã tham gia làm thành viên công ước, Công ước là hiệp ước được thông qua rộng rãi nhất trong lịch sử Liên hợp quốc.
Không giống như các hiệp ước kiểm soát ma túy khác, Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá áp dụng quan điểm vì sức khỏe cộng đồng. Quyết tâm dành ưu tiên cho quyền bảo vệ sức khoẻ công cộng.
Các quốc gia phê chuẩn Công ước khung của WHO về kiểm soát thuốc lá cam kết áp dụng các biện pháp được thiết kế trong Công ước nhằm giảm nhu cầu và bảo vệ dân số khỏi phơi nhiễm khói thuốc ở nơi làm việc trong nhà, phương tiện giao thông công cộng, nơi công cộng trong nhà và những nơi công cộng khác.
Kể từ khi có hiệu lực vào năm 2005, Công ước đã là một công cụ mạnh mẽ hỗ trợ các nỗ lực kiểm soát thuốc lá toàn cầu, dẫn đến các chiến lược và luật pháp quốc gia nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm việc thương mại các sản phẩm thuốc lá.
Công ước cũng nhằm bảo vệ trẻ vị thành niên và cộng đồng thông qua việc ban hành luật cấm hút thuốc ở những nơi công cộng và những nơi làm việc có không gian kín, các lệnh cấm toàn diện đối với việc quảng bá, tiếp thị và tài trợ thuốc lá cũng như thực hiện các cảnh báo bằng hình ảnh lớn và bao bì trơn.
Điều 5.3 của Công ước quy định rất rõ: "Các quốc gia thành viên có trách nhiệm xây dựng các quy định cụ thể cho nước mình, nhằm bảo vệ các chính sách kiểm soát thuốc lá khỏi sự can thiệp của ngành công nghiệp thuốc lá,… thúc đẩy xã hội không nhận tài trợ hay hỗ trợ của các doanh nghiệp thuốc lá, không được hỗ trợ tài chính, giảm thuế hoặc trợ cấp cho ngành công nghiệp thuốc lá…".
Sau hơn 10 năm thực hiện Công ước khung, Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong việc giảm tác hại của thuốc lá. Cụ thể, tỷ lệ người nghiện thuốc lá ở nam giới trưởng thành đã giảm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên cũng giảm đáng kể, nhận thức của người dân về tác hại thuốc lá cũng tăng lên rất nhiều.
Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt các công sở, trường học và cơ sở y tế đã đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ; hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; chỉ đạo thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành; lồng ghép việc kiểm tra tình hình thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trên địa bàn quản lý.
Người dân cũng có sự chuyển biến trong nhận thức về tác hại của thuốc lá cũng như việc thực thi nghiêm quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá tại nơi công cộng, tại nơi cấm hút thuốc lá.
Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề mà chúng ta cần phải đẩy mạnh thực hiện để nỗ lực giảm tác hại thuốc lá đạt hiệu quả cao hơn, đó là các chính sách kiểm soát thuốc lá. Ngoài ra khung pháp lý dành cho thuốc lá thế hệ mới vẫn chưa có trong khi sản phẩm này ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường.
Theo các chuyên gia, trong khi chờ ban hành, sửa đổi các quy định mới để quản lý hiệu quả các loại thuốc lá mới này, cơ quan chức năng cần có biện pháp, quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy chuẩn sản xuất, nhập khẩu.
Tiến hành rà soát lại, xác định rõ trong luật, các sản phẩm thuốc lá bao gồm loại gì, có mô tả hết sức cụ thể, rõ ràng, đánh giá kỹ tác động. Trên cơ sở đó, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan mới có thể tiếp tục ban hành nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn để xử lý, quản lý các sản phẩm này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn