Báo cáo của Tổ chức Tị nạn Na Uy (NRC) ngày 8/6 cho biết đứng đầu danh sách này là Cộng hòa Dân chủ Congo - quốc gia có hơn 5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn sau hơn một thập kỷ giao tranh và bạo lực triền miên.
Những nước châu Phi khác trong danh sách bao gồm Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, Burundi, Ethiopia và Nigeria.
Theo báo cáo trên, các cuộc khủng hoảng nhân đạo tại châu Phi ít khi được truyền thông thế giới đăng tải, do vậy các tổ chức nhân đạo quốc tế thường triển khai các chương trình trợ giúp quá muộn khi sự việc đã trở nên tồi tệ.
Báo cáo nhấn mạnh các cuộc giao tranh và chiến sự triền miên tại châu lục này trong nhiều năm qua đã đẩy hàng chục triệu người phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn tại các trại tị nạn phân bổ ở khắp các khu vực biên giới.
Ngoài ra, các vụ nổ súng và bạo lực có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây cũng khiến cho những người tha hương tới các trại tị nạn với số lượng đông hơn, cũng như làm trầm trọng thêm vấn đề thiếu thốn lương thực.
NRC nhận định một phần nguyên nhân dẫn đến sự khốn cùng của dòng người tha hương bắt nguồn từ việc vị trí địa-chính trị của những quốc gia này bị cộng đồng quốc tế đánh giá là kém quan trọng, cũng như bản thân chính phủ của những nước này bị cuốn vào các cuộc nội chiến triền miên và không có đủ thời gian để chăm sóc cho những nạn nhân của xung đột.
Theo Tổng thư ký của NRC Jan Egeland, cộng đồng quốc tế bao gồm các chính trị gia, giới truyền thông và tổ chức nhân đạo cần dành sự quan tâm cho những quốc gia này vì trên thực tế trong thời gian vừa qua họ không có điều kiện để chứng kiến và cảm nhận sự khốn cùng của những nạn nhân chiến tranh tại đây.
Báo cáo của NRC dẫn số liệu thống kê của Liên hợp quốc cho biết các cuộc chiến tranh và xung đột trên thế giới đã đẩy 65 triệu người vào cảnh tha hương.