Tại Australia, theo nguồn tin của chính phủ, trong vòng 5 năm qua, số lượng tìm kiếm thông tin liên quan đến vấn đề bạo hành phụ nữ trên Google tăng tới 75%. Hiện tại, chính phủ Australia đã chi 150 triệu đô la Úc (khoảng 92 triệu USD) để hỗ trợ phụ nữ là nạn nhân của các vấn đề bạo lực gia đình, quấy rối tình dục… khi mà Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp ở quốc gia này.
Refuge, một tổ chức từ thiện hàng đầu của Anh chuyên chống lại nạn bạo lực gia đình, cho biết, một trong những vấn đề nan giải nhất là phụ nữ khi bị bạo hành lại không dám nói ra sự thật bởi họ rụt rè và e ngại bị trả thù. Chính vì vậy, rất khó cho Refuge có thể tiếp cận được các nạn nhân để giúp đỡ. Bà Sandra Horley, Giám đốc điều hành của Refuge tiết lộ, Refuge đang khuyên phụ nữ Anh sử dụng cuộc gọi khẩn cấp mang tên "Giải pháp im lặng", cho phép phụ nữ có thể tiếp cận cảnh sát bằng điện thoại cảm ứng mà không cần phải trình bày hoàn cảnh của mình.
Ở Italy, đường dây trợ giúp bạo lực gia đình Telefono Rosa cho biết, trong 2 tuần đầu của tháng 3, số lượng các cuộc gọi nhờ giúp đỡ đã giảm 55%. Đa phần nạn nhân khi gọi điện đến Telefono Rosa đều phải thì thầm trình bày sự cố của mình vì sợ "đối tác" nghe được. Việc các thành viên trong gia đình đều ở nhà để cách ly tránh Covid-19 đã khiến các nạn nhân bị bạo hành "ngại" gọi điện cầu cứu khi nạn bạo hành xảy ra. Thậm chí, có những nạn nhân phải gọi điện cầu cứu trong nhà tắm hoặc tận dụng quãng thời gian ít ỏi khi ra ngoài siêu thị mua nhu yếu phẩm để liên hệ với Telefono Rosa.
Ở Pháp, kể từ khi chính phủ nước này ban hành lệnh phong tỏa vì Covid-19, số lần cảnh sát phải can thiệp liên quan đến các vấn đề bạo hành phụ nữ tăng 32%, tỷ lệ này là 36 % tại khu vực thủ đô Paris. Bộ Nội Vụ Pháp đề xuất một số biện pháp hữu hiệu để nạn nhân có thể cầu cứu. Một trong những giải pháp đó là nạn nhân hãy trốn ra hiệu thuốc nhờ trợ giúp. Thậm chí nếu hung thủ đi kèm, nạn nhân có thể dùng mật mã để nhờ nhân viên nhà thuốc báo động với cảnh sát.
Ở các nước châu Âu khác như Đức hay Tây Ban Nha, nhiều hiệp hội bảo vệ phụ nữ cũng đã lên tiếng báo động về tình trạng gia đình không phải là nơi an toàn đối với phụ nữ và trẻ em vì nạn bạo hành.
Ngay cả tại Trung Quốc, hiệp hội bảo vệ nữ quyền Weiping tại Bắc Kinh cho biết "số trường hợp phụ nữ bị chồng, hay cha đánh đập đã tăng gấp 3 lần so với bình thường" trong thời gian mọi người bị giam lỏng trong nhà vì Covid-19.
Ở Việt Nam, chưa có con số chính thức được thống kê liên quan đến nạn bạo hành phụ nữ trong thời gian dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Tuy nhiên, một số trường hợp con cái đánh đập mẹ già, vợ chồng bạo hành trẻ em hay nhân viên phục vụ quán cà phê bị ép phải kích dục khách hàng đã khiến dư luận phẫn nộ, yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn