Tờ SCMP đưa tin, trong thời gian qua, giáo sư Lu Lu của Đại học Phục Đán (Thượng Hải) và bác sỹ Jang Shibo của Trung tâm Huyết học New York, đã nghiên cứu virus Covid-19 trên các dòng tế bào lympho T được nuôi trong phòng thí nghiệm.
Tế bào lympho T, còn được gọi là tế bào T, đóng vai trò trung tâm trong việc xác định và loại bỏ những kẻ xâm nhập bên ngoài vào trong cơ thể. Các nhà khoa học bắt một tế bào bị nhiễm virus, khoan một lỗ trên màng của nó và tiêm hóa chất độc hại vào tế bào. Những hóa chất này sau đó tiêu diệt cả virus cùng tế bào bị nhiễm bệnh và chia chúng thành nhiều mảnh.
Các nhà nghiên cứu rất ngạc nhiên khi chứng kiến tế bào T đã trở thành con mồi của Covid-19 trong thí nghiệm của họ. Họ đã tìm thấy một cấu trúc độc đáo trong protein Spike (protein S) có vẻ như đã kích hoạt sự hợp nhất của lớp vỏ virus và màng tế bào khi chúng tiếp xúc. Không lâu sau, các gene virus xâm nhập tế bào T và bắt nó làm con tin, vô hiệu hóa chức năng bảo vệ con người.
Các nhà nghiên cứu đã thực hiện thí nghiệm tương tự với virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS và họ phát hiện ra rằng, virus SARS không có khả năng lây nhiễm các tế bào T. Theo họ, do thiếu chức năng tổng hợp màng, SARS chỉ có thể lây nhiễm các tế bào mang protein ACE2 và protein này có sự hiện diện cực kỳ thấp trong các tế bào T.
Trong một bài báo được công bố trên tạp chí uy tín Cellular & Element Immunology phát hành tuần này, các nhà khoa học cho biết, các nghiên cứu tiếp theo về quá trình nhiễm Covid-19 trên các tế bào T nguyên phát sẽ mang đến những ý tưởng mới về cơ chế gây bệnh và các biện pháp can thiệp điều trị.
Một bác sĩ của một bệnh viện công ở Bắc Kinh (Trung Quốc) cho biết, phát hiện này đã bổ sung thêm một bằng chứng cho mối lo ngại ngày càng gia tăng trong giới y học rằng, Covid-19 có thể có cơ chế hoạt động giống như một số loại virus khét tiếng nhất, tấn công trực tiếp vào hệ miễn dịch của con người. Vị bác sĩ xin được giấu tên này khẳng định: "Càng ngày càng có nhiều người so sánh Covid-19 với HIV".
Vào tháng 2, bác sỹ Chen Yongwen và các đồng nghiệp của ông tại Viện Miễn dịch học Quân đội Trung Quốc (PLA), đã đưa ra một báo cáo lâm sàng cảnh báo rằng, số lượng tế bào T có thể giảm đáng kể ở bệnh nhân Covid-19, nhất là những bệnh nhân cao tuổi hoặc cần điều trị tại các phòng chăm sóc đặc biệt. Số lượng tế bào T càng thấp, nguy cơ tử vong càng cao.
Quan sát này sau đó đã được xác nhận bằng quá trình khám nghiệm tử thi trên hơn 20 bệnh nhân Covid-19, những người có hệ thống miễn dịch gần như bị phá hủy hoàn toàn, theo báo cáo của truyền thông đại lục. Các bác sĩ cho biết tổn thương của các cơ quan nội tạng tương tự như sự kết hợp của SARS và AIDS.
Tuy nhiên, cũng theo nghiên cứu của giáo sư Lu Lu và bác sỹ Jang Shibo, có một sự khác biệt lớn giữa HIV và Covid-19. HIV có thể sao chép trong các tế bào T và biến chúng thành các nhà máy nhằm tạo ra nhiều bản sao hơn để lây nhiễm các tế bào khác. Nhưng giáo sư Lu Lu và bác sỹ Jang Shibo không thấy bất kỳ sự phát triển nào của Covid-19 sau khi nó xâm nhập vào các tế bào T, cho thấy Covid-19 và tế bào T có thể sẽ chết cùng nhau.
Vẫn còn những câu hỏi được đặt ra trong nghiên cứu của các nhà khoa học ở Thượng Hải (Trung Quốc) và New York (Mỹ). Ví dụ, Covid-19 có thể tồn tại trong nhiều tuần trên một số bệnh nhân mà không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Covid-19 tương tác với các tế bào T ở những bệnh nhân này như thế nào, đó vẫn là một bí mật.
Rồi trường hợp một số bệnh nhân nguy kịch trải qua các "cơn bão cytokine" - hội chứng giải phóng cytokine, trong đó hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá và tấn công các tế bào khỏe mạnh. Nhưng tại sao các virus Corona kích hoạt hội chứng này và kích hoạt như thế nào, đó vẫn là điều mà các nhà nghiên cứu vẫn đang phải tìm hiểu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn