Covid-19 đến như một cơn ác mộng: Thị trường quất, đào "sale sập sàn" vẫn ít người mua

13:12 | 04/02/2021;
Do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, những tiểu thương bán đào, quất đang trải qua những ngày nặng trĩu lo âu. Số lượng quất nhiều, nhưng không bán được, khiến người dân lo sợ không thể thu hồi vốn.

Năm 2020, do tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội nên nhu cầu mua đào quất chơi Tết của người dân phần nào bị ảnh hưởng. Dạo quanh các tuyến phố bán đào quất, PV ghi nhận tình cảnh thưa vắng người mua.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, vào thời gian này năm trước chính là thời điểm chợ quất cảnh gần sân vận động Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội) tấp nập người ra vào để xem, chọn quất. Còn hiện tại khu vực này vô cùng ảm đạm.

"Bán quất ở đây gần 10 năm, đây là lần đầu chứng kiến hình ảnh ảm đạm đến thế. Mọi năm cứ vào ngày ông Công ông Táo là người đi mua phải xếp hàng dài. Còn năm nay thì đứng từ sáng đến chiều không ai ngó ngàng đến quất đào gì", anh Nguyễn Văn Sơn (ở Tứ Liên, Tây Hồ, Hà Nội) bán quất gần khu vực sân vận động Mỹ Đình chia sẻ với PV ngày 4/2.

Clip tiểu thương chia sẻ về tình hình thị trường đào, quất năm nay

Năm nay, do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, người nông dân tại làng quất Tứ Liên đang trải qua những ngày nặng trĩu lo âu. Số lượng quất nhiều, nhưng không bán được, khiến người dân lo sợ không thể thu hồi vốn.

"Năm ngoái tôi nhập 50 cây quất cảnh về bán, mỗi cây có giá từ 800 nghìn - 1 triệu đồng. Còn năm nay dù đã "sale sập sàn" 350 nghìn/cây, nhưng vẫn không ai mua. Cứ tình trạng này thì lỗ vốn nặng, năm nay mất Tết rồi", anh Sơn nói và cho biết, không phải tự nhiên mà ra ngồi bán ở đây được.

Anh Nguyễn Văn Trường (quê ở Hưng Yên), thương lái có nhiều năm kinh doanh cây cảnh, cho biết, anh đã lường trước người tiêu dùng sẽ không còn mạnh tay chi tiền mua cây cảnh chơi Tết như những năm trước, bởi dịch Covid-19 năm vừa qua khiến nguồn thu nhập của nhiều người bị thâm hụt, cắt giảm.

"Covid-19 đến vào thời điểm này như là cơn ác mộng với chúng tôi. Quất nhập buôn năm nay cũng chỉ chọn loại vừa tiền, phổ biến từ 1-2 triệu/cây, hy vọng một vài ngày nữa hàng sẽ "trôi" nhanh hơn", anh Trường nói.

Covid-19 đến như một cơn ác mộng: Thị trường quất, đào "sale sập sàn" cũng không ai mua - Ảnh 2.

Thị trường đào, quất ảm đạm, chủ yếu là người đến xem

Còn chị Lê Thị Quỳnh (quê Hưng Yên) bán quất trên vỉa hè đường Lê Quang Đạo (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, năm nay giá quất, đào giảm 1 nửa so với năm ngoái, thế nhưng vẫn không bán được.

"Khách đến xem cũng chỉ lác đác vài người. Nhưng vừa báo giá thì khách "lắc đầu, lè lưỡi" rồi lên xe đi thẳng. Cứ tình trạng này thì năm nay mất Tết rồi", chị Quỳnh nói.

Covid-19 đến như một cơn ác mộng: Thị trường quất, đào "sale sập sàn" cũng không ai mua - Ảnh 3.

Đào, quất năm nay được người dân đánh giá là xấu hơn so với mọi năm

Chị Đỗ Thanh Hằng (ở Cầu Giấy, Hà Nội), người đi mua quất cho biết, năm nay công ty chị được nghỉ Tết sớm nên tranh thủ đi ra chọn cây quất, cành đào về chơi Tết.

"So với mọi năm, đúng là giá quất, đào năm nay có rẻ hơn, nhưng bù lại mẫu mã lại xấu hơn. Đi từ sáng mà chưa ưng được cây nào. Năm nay thu nhập của cả gia đình bị ảnh hưởng nên trước khi chọn mua cũng thật sự là đắn đo rất nhiều", chị Hạnh nói.

Covid-19 đến như một cơn ác mộng: Thị trường quất, đào "sale sập sàn" cũng không ai mua - Ảnh 4.

Nhiều tiểu thương cho biết, thà chịu lỗ chứ không bán rẻ

Chia sẻ với PV, một số tiểu thương bán quất, đào trên đường Lê Quang Đạo bức xúc nói, cả năm mới có 1 lần Tết, cây quất to vật vã, giá có 350 nghìn mà kỳ kèo mãi, cuối cùng vẫn không mua.

"Người dân thường có thói quen cứ chiều 30 Tết mới đi mua cho rẻ. Chúng tôi đã thống nhất với nhau, cùng lắm là bán hòa vốn, chứ nhất định không chịu lỗ để đẩy hàng đi. Cùng lắm là chúng tôi phá bỏ, chứ bán rẻ sang năm họ lại cứ thế", một người bán quất chia sẻ.



Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn