Kể từ khi nâng cảnh báo quốc gia lên mức "đỏ" - cao nhất trong 4 cấp từ ngày 23/2, giới chức Hàn Quốc đang tập trung vào việc ngăn chặn dịch bệnh lây lan ở thành phố Daegu và tỉnh Gyeongsang Bắc, 2 nơi tập trung phần lớn số ca nhiễm trên cả nước. Với 6.284 ca nhiễm virus, Hàn Quốc hiện là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc. Hiện đã có 96 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng hạn chế nhập cảnh đối với người đến từ Hàn Quốc, do lo ngại trước tình hình lây nhiễm đang diễn biến phức tạp tại quốc gia này.
Trung Quốc đại lục vẫn là tâm dịch Covid-19 số 1 thế giới khi chiếm tới 3.014 ca tử vong và 80.430 trường hợp mắc bệnh. Số ca nhiễm tại Iran đã lên tới 3.513 người và 108 người tử vong.
Số ca nhiễm tại Italy tiếp tục tăng nhanh. Với 41 ca thiệt mạng trong ngày 5/3 cùng 769 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, Italy tiếp tục chứng kiến ngày chết chóc nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại nước này. Theo Cơ quan phòng vệ dân sự Italy, đã có tổng cộng 148 nạn nhân thiệt mạng và 3.858 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Italia, biến nước này thành nơi hứng chịu thiệt hại nặng nhất vì dịch, sau Trung Quốc. Số ca tử vong và ca nhiễm mới tại nước này vẫn chưa có dấu hiệu đi xuống. Các ca nhiễm giờ đây đã được ghi nhận ở toàn bộ 20 vùng của đất nước.
Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã phải lên truyền hình kêu gọi người dân bình tĩnh và khẳng định nước này sẽ chiến thắng được dịch bệnh. "Không nên sợ hãi quá mức, chúng ta phải có niềm tin vào năng lực và tài nguyên của chúng ta, chúng ta có thể và chúng ta phải tin tưởng Italy", ông nói.
Bộ trưởng Kinh tế Roberto Gualtieri tuyên bố chính phủ Italy sẽ chi thêm 7,5 tỷ euro (8,4 tỷ USD) khẩn cấp nhằm trợ giúp các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nhất. Chỉ 4 ngày trước, ông Gualtieri cam kết một gói ngân sách 3,6 tỷ euro, con số mà phe đối lập cũng như hầu hết truyền thông Italy cho là không đủ. Chính phủ Italy cũng thông báo cho Uỷ ban châu Âu về việc nước này sẽ thâm hụt ngân sách ở mức 2,5% GDP trong năm nay, so với mục tiêu ban đầu là 2,2%.
Tính đến hết ngày 5/3, hầu như toàn bộ các nước EU đều đã có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2. Dịch thậm chí đã lan đến tận các cơ quan đầu não của EU. Trong ngày 5/3, Uỷ ban châu Âu ra thông báo cho biết đã có ít nhất 2 nhân viên làm việc tại các cơ quan châu Âu ở Brussels (Bỉ) nhiễm SARS- CoV-2.
Hôm 5/3 cũng chứng kiến số ca nhiễm mới virus corona tăng vọt ở nhiều nước châu Âu. Đức ghi nhận thêm 109 ca nhiễm trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số bệnh nhân nhiễm SARS- CoV-2ở nước này lên 349 người, tuy nhiên chưa có trường hợp nào tử vong. 15/16 bang của Đức đã ghi nhận người nhiễm SARS- CoV-2.
Sau 1 ngày, nước Pháp ghi nhận thêm 138 ca nhiễm virus SASR-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm lên 423, với 7 ca tử vong. Chính phủ nước này đang gấp rút lên các phương án đối phó khi dịch bệnh chuyển sang giai đoạn 3, tức giai đoạn phải công bố dịch. Dịch Covid-19 đã xuất hiện ở toàn bộ các vùng hành chính trên nước Pháp, thậm chí xuất hiện cả ở Guyane, vùng lãnh thổ hải ngoại của nước này ở Nam Mỹ. Do ảnh hưởng của Covid-19, khoảng 100 trường học tại Pháp đã bị đóng cửa, đặc biệt tại các địa phương được coi là ổ dịch. Chính phủ Pháp đã phải ban hành một sắc lệnh, quy định giá trần đối với mặt hàng nước rửa tay khô (giá 3 euro/lọ 100ml). Đối với khẩu trang y tế, chính phủ Pháp cũng đã ra một sắc lệnh, trưng dụng toàn bộ mặt hàng khẩu trang tại các nhà thuốc cho đến ngày 31/5. Chính phủ Pháp cũng tuyên truyền cho người dân, việc mang khẩu trang chỉ dành cho những người bị ốm, không có tác dụng đối với những người trong tình trạng sức khỏe bình thường, đề nghị người dân không sử dụng khẩu trang ồ ạt, để dành cho những người thực sự có nhu cầu.
Tại Hà Lan, số bệnh nhân nhiễm virus đã tăng hơn gấp đôi lên 82 trường hợp, từ con số 32 người nhiễm một ngày trước đó. Pháp có thêm 138 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 423. Nước này cũng ghi nhận 7 ca tử vong với 3 bệnh nhân qua đời hôm 5/3.
Anh cũng ghi nhận ca tử vong đầu tiên và số ca nhiễm tăng lên đến 115 trong ngày 5/3. Trong khi đó, Tây Ban Nha ghi nhận 234 ca trên toàn quốc với 3 người đã tử vong.
Thượng viện Mỹ đã thông qua ngân sách 8,3 tỷ USD cho công tác đối phó với dịch Covid-19. Khoản ngân sách này nhằm thúc đẩy các hoạt động đối phó với Covid-19 của chính phủ cũng như trấn an dư luận trong bối cảnh Covid-19 đang lan nhanh và đe dọa cuộc sống của người dân ở Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Dự luật được trình lên Tổng thống Donald Trump ký duyệt. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, hiện đã có 12 trường hợp tử vong và 205 trường hợp nhiễm SARS CoV-2 tại 17 bang ở Mỹ. Số lượng người lây nhiễm ở Mỹ tăng khá nhanh trong vài ngày qua và người dân Mỹ đã được khuyến cáo cần chuẩn bị cho khả năng bùng phát dịch Covid-19.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn