Những ngày này, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hãng hàng không cắt giảm nhiều chuyến bay. Chị Trần Lan Chi (tiếp viên trưởng, Liên đội 2, hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines) có nhiều thời gian hơn dành cho tổ ấm nhỏ của mình. Chị cũng có đủ thời gian để nhìn lại chặng đường vừa qua của mình và các đồng nghiệp. Kỷ niệm về những lần đeo khẩu trang chống dịch lại ùa về trong chị.
Không phải là các y, bác sĩ tuyến đầu trong phòng chống dịch bệnh, nhưng với đặc thù công việc, tiếp xúc trực tiếp với hành khách từ khắp nơi trên thế giới, tiếp viên hàng không là những người có thể phát hiện những hành khách mang bệnh đến và đi từ Việt Nam. Họ cũng là những người có nguy cơ lây nhiễm cao nhất.
Điều những người tiếp viên hàng không sợ nhất không phải là dịch bệnh, là cách ly, mà chính là sự kỳ thị của những người xung quanh.
Chị Trần Lan Chi, Tiếp viên trưởng Vietnam Airlines
Sự kỳ thị từ chính các đồng nghiệp
Năm 2003, dịch SARS lan rộng ra toàn thế giới. Chị Lan Chi nhớ như in những ánh mắt lo âu, sự thấp thỏm của các đồng nghiệp khi kéo vali lên máy bay làm nhiệm vụ. Có bạn sợ quá, đứng trước cửa máy bay khóc rưng rức. Nhưng lên máy bay rồi, họ vẫn phải mỉm cười thật tươi để đón chào hành khách. Mà lúc bấy giờ, mọi người rất dị ứng với việc đeo khẩu trang của tiếp viên hàng không. Hành khách, trong đó có cả các anh nam giới người Việt Nam đã tỏ thái độ rất gay gắt khi bọn mình đeo khẩu trang. Họ nói tiếp viên coi thường, xem khách là dịch bệnh… Vì vậy, dù rất lo sợ, dù được trang bị khẩu trang, nhưng chị em tiếp viên cũng không dám đeo, chị Chi nhớ lại.
Đến nay, gần 20 năm trôi qua, mình đã bản lĩnh, vững vàng hơn, nhưng nếu lâm vào hoàn cảnh tương tự, có lẽ mình cũng sẽ ngồi ôm mặt khóc như vậy thôi. Khóc không phải sợ mình bệnh, mà khóc vì bị xa lánh ngay giữa những người đồng nghiệp của mình.
Chị Trần Lan Chi
"Trong một lần làm nhiệm vụ, bay từ Việt Nam sang Đài Loan, bệnh xoang của mình bị tái phát và bị sổ mũi. Mình biết mình không bệnh và cố gắng giải thích, nhưng thái độ e ngại của các đồng nghiệp làm mình buồn và tủi thân lắm. Mình nhớ như in thái độ của bạn tiếp viên trưởng lúc đó, bạn xua đuổi mình xuống cuối máy bay, vì bạn có con nhỏ, bạn sợ mình bị bệnh lây nhiễm"- chị Lan chi nghẹn ngào nhớ lại- "Bị ngồi riêng một góc, không được làm việc gì, mình đã khóc rất nhiều, khóc suốt chặng đường về. Vậy nên, mình thấm thía cảm giác bị coi là mầm bệnh vô cùng."
Sự kỳ thị của cộng đồng
Dịch Covid-19 lần này, những người làm việc trên chuyến bay đã được trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ, phòng dịch. Trên máy bay, các tiếp viên phải "căng mắt" tập trung, nhận biết, phân loại những hành khách có dấu hiệu mệt mỏi, nhiễm bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Kết thúc hành trình, về đến nhà rồi, mỗi khi có điện thoại, chị em tiếp viên còn thấp thỏm lo lắng không yên. Bọn mình thường nói đùa với nhau: Không biết đang ăn cơm có bị gọi đi cách ly hay không? Chúng mình luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho trường hợp nếu chuyến bay có khách khách nghi nhiễm sẽ đi cách ly luôn.
Chị Lan chia sẻ: Cách ly 14 ngày có đáng sợ không? Xem tivi, đọc báo và thực tế trải nghiệm của các đồng nghiệp tại những khu cách ly, những người tiếp viên biết rõ, cách ly không đáng sợ chút nào. Nhưng sự kỳ thị của cộng đồng với những người phải đi cách ly mới là điều khủng khiếp nhất.
Vừa mới đây thôi, Ngọc 44, một bạn tiếp viên trong đội, nhận được thông báo đi cách ly ở Củ Chi, sau khi hoàn thành chuyến bay Siem Reap (Campuchia)- chuyến bay có hành khách dương tính với Covid-19. Ngay lập tức, Ngọc phải hứng chịu sự trách móc, mắng chửi, thậm chí có người còn định xông vào đánh những người thân trong gia đình cô.
Ngọc đã thật sự sốc khi ở trong tình cảnh ấy. Bản thân mình đã vậy, nhưng còn con cái, cha mẹ, những người thân của mình, họ cũng bị ảnh hưởng theo. Tôi biết, cũng như tôi, vào khu cách ly, Ngọc cười, Ngọc hát, Ngọc nhảy bài Ghen cô Vy đấy, nhưng chắc chắn, nỗi đau này mãi khắc sâu trong tâm trí của em.
Bệnh dịch không đáng sợ bằng sự kỳ thị của những người xung quanh. Từ câu chuyện của chính mình và của đồng nghiệp, tiếp viên trưởng Lan Chi nhấn mạnh, nếu mỗi chúng ta biết cư xử đúng mực, công bằng, nhân văn hơn với những người xung quanh, đặc biệt với những người không may mệt mỏi, đau ốm, thì dịch bệnh dù có lây lan, bùng phát cũng không quá đáng sợ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn