Covid-19 tái bùng phát, nàng công sở lao đao vì sai lầm tài chính nhiều người trẻ mắc

19:00 | 30/07/2020;
Cuộc sống này luôn có những điều bất ngờ xảy ra cả mặt tích cực và tiêu cực. Chúng ta không thể đoán định được điều gì sẽ đến với mình ngày mai. Quỹ dự phòng khẩn cấp sẽ giúp giảm bớt những khó khăn, giúp bạn trang trải cuộc sống khi không may thất nghiệp, gặp vấn đề về sức khỏe,…

Từng làm trong một công ty chuyên về lĩnh vực logistic, cô nàng H.N.A (26 tuổi, Hà Nội) trong những dòng tâm sự dưới đây nhận mình là người may mắn khi thời gian trước tình hình kinh doanh của công ty không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, do mâu thuẫn với cấp trên nên tháng 6 vừa rồi, cô nàng quyết định rời công ty và tìm cho mình một "chân trời mới". 

Chân ướt chân ráo vừa vào công ty mới được một thời gian, còn chưa qua thử việc thì Việt Nam có ca dương tính với COVID-19 sau 99 ngày "sạch lưới". Bấy giờ H.N.A mới giật mình lo lắng khi nghĩ về con đường phía trước của mình. 

"Chán quá các chị em ạ. Ở đây có ai cãi nhau một trận với vị sếp khó chịu rồi hiên ngang nghỉ việc như em không. 

Chuyện là trước đây em làm cho một bên chuyên về logistic. Đợt dịch hồi tháng 3, 4 vừa rồi may mắn công ty em kinh doanh không bị ảnh hưởng nhiều nên lương thưởng vẫn duy trì như thường dù nhân viên làm việc ở nhà. Thế nhưng sau đó em nảy sinh mâu thuẫn với một bà sếp rồi quyết làm căng một vụ trước khi đi. 

Cứ nghĩ rằng mọi chuyện sẽ ổn thôi, kiểu gì chẳng kiếm được việc nhưng hóa ra mọi thứ không đơn giản như vậy. Em mãi mới tìm được công ty này, chân ướt chân ráo vào còn chưa xong thời gian thử việc thì nhói lòng nghe tin Việt Nam có ca dương tính. Bên em lại làm về dịch vụ nhà hàng, khách sạn. Dịch thế này coi như xác định luôn, sáng nay em đã nghe kháo nhau về việc cắt nhân sự cứng thì mơ gì đến việc giữ lại thử việc như em. 

Nghĩ đến cảnh tương lai thất nghiệp rồi một đống thứ tiền trọ, điện nước, tiền ăn mà buồn lòng. 26 tuổi và 0 đồng tiết kiệm trong tay. Em phải làm sao đây?". 

Ảnh minh họa. 

Tâm sự của cô nàng sau khi chia sẻ đã nhận được sự quan tâm của khá đông người đọc. Nhiều người cũng bình luận chia sẻ về sự khó khăn trong công việc của mình.

"Mình vừa mở hàng kinh doanh được vài ngày thì có tin dịch. Buồn lắm và giờ chỉ mong dịch nhanh chóng được kiểm soát". 

"Công ty em trước đây vẫn giữ lại 100% nhân sự nhưng giảm 30% lương. Khó khăn chung mà, trách sao được". 

Bên cạnh những bình luận trải lòng, nhiều người không khỏi thắc mắc về việc cô nàng đã 26 tuổi, đi làm 4 năm nhưng không có lấy một đồng dự phòng. 

"Mình vẫn thắc mắc là sao bạn đi làm 4 năm, chẳng lẽ không có lấy một đồng dự phòng? Ít nhất sau đợt dịch vừa rồi, bạn phải ngẫm ra nhiều điều rồi chứ?".

"26 tuổi mà vẫn ngô nghê vậy nhỉ. Mà cũng khó trách được vì mình thấy khá đông bạn trẻ không có khái niệm về quỹ dự phòng". 

Quỹ dự phòng khẩn cấp sẽ giúp giảm bớt những khó khăn, giúp bạn trang trải cuộc sống khi không may thất nghiệp, gặp vấn đề về sức khỏe,… (Ảnh minh họa)

Sai lầm mà cô nàng công sở này cũng như khá nhiều người mắc phải chính là không xây dựng quỹ dự phòng khẩn cấp. Vì sao chúng ta cần có khoản này? Vì cuộc sống này luôn có những điều bất ngờ xảy ra cả mặt tích cực và tiêu cực. Chúng ta không thể đoán định được điều gì sẽ đến với mình ngày mai. Quỹ dự phòng khẩn cấp sẽ giúp giảm bớt những khó khăn, giúp bạn trang trải cuộc sống khi không may thất nghiệp, gặp vấn đề về sức khỏe,…

Vậy nên xây dựng quỹ dự phòng với con số bao nhiêu là đủ? Không có con số nào chính xác để đúng với tất cả mọi người vì điều này còn phụ thuộc vào hoàn cảnh của bạn, khả năng tài chính, mức độ ổn định của công việc, sức khỏe... Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, bạn nên lập quỹ dự phòng khẩn cấp tương đương khoản sinh hoạt phí trong khoảng 3-6 tháng. Đây sẽ là phạm vi an toàn để bạn không gặp khó khăn khi gặp phải những rủi ro.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn