Theo tôi, có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng mạnh trở lại số ca COVID-19 gần đây:
Thứ nhất, sự xuất hiện của các biến thể phụ thuộc dòng XBB, đặc biệt là XBB.1.5. Các biến thể phụ này có ưu thế lây nhiễm cao so với những biến thể phụ khác đang cùng tồn tại. Tại Mỹ, tỉ lệ số ca nhiễm biến thể XBB.1.5 tăng từ 4% lên 41% chỉ trong tháng 12/2022.
Thứ hai, hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian. Vì sao tôi lại nói điều này? Chúng ta bắt đầu các chiến dịch tiêm chủng mũi 3 và mũi 4 rất sớm, lần lượt từ cuối năm 2021 và giữa năm 2022, và đến nay, với một số người, đã gần 1 năm trôi qua từ mũi vaccine cuối cùng. Chính vì vậy, mặc dù tỉ lệ tiêm chủng trong nhóm dân số đủ điều kiện để tiêm là rất cao so với phần còn lại của thế giới (>80% cho mũi 3 và gần 90% cho mũi 4), những con số này đang chưa mang lại hiệu quả phòng ngừa như chúng ta mong muốn.
Thứ ba, một bộ phận không nhỏ người dân đang có tâm lý chủ quan với COVID-19. Đúng là các biến chủng mới của COVID-19 có khả năng lây lan nhanh, nhưng không vì thế mà chúng ta mang tâm lý chủ quan "Ai rồi cũng thành F0" được, đơn giản bởi vì mỗi người đều có những nguy cơ khác nhau, và có thể có những hệ luỵ lâu dài (Long COVID) khi mắc COVID-19.
Thành thật mà nói, khi chúng ta đã bước vào giai đoạn "bình thường mới", mở cửa gần như hoàn toàn để phục hồi và phát triển kinh tế, đặc biệt là khi chúng ta đang đón những đoàn khách Trung Quốc đầu tiên quay trở lại nước ta từ 15/03. Chính vì thế, việc xem xét đến những biện pháp giãn cách xã hội như chỉ thị 15, 16, 19 của hai năm về trước là không còn phù hợp.
Ngoài ra, với số liệu ở thời điểm hiện tại, số ca trung bình 7 ngày trên một triệu dân của Việt Nam đang thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, bao gồm Singapore, Mỹ, Anh, Đức, Ý, Ấn Độ, v.v.. Với điều kiện hiện tại, khi chúng ta đã có đầy đủ thuốc, vaccine, tỉ lệ miễn dịch trong cộng đồng cao, việc quan trọng nhất là tập trung vào những biện pháp phòng ngừa để giảm số ca COVID-19 và số bệnh nhân nặng/nguy kịch xuống thấp nhất có thể, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế còn nhiều khó khăn.
Về mặt dịch tễ, sẽ có một số điểm chúng ta cần lưu ý, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4 như sau:
- Hoàn thành liệu trình tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là những người trong nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, nhân viên y tế, phụ nữ có thai, những người có bệnh nền mạn tính hay suy giảm miễn dịch,...
- Lưu ý sử dụng khẩu trang và khử khuẩn thường xuyên, đặc biệt là trong những không gian kín, đông người và tại các cơ sở y tế.
- Hạn chế việc tập trung đông người.
Như đã đề cập ở trên, mặc dù tỉ lệ tiêm chủng mũi 3 và 4 vaccine COVID-19 của chúng ta đang ở mức cao (>80% bộ phận dân số đủ điều kiện để tiêm), tuy nhiên, do chiến dịch tiêm chủng của chúng ta bắt đầu từ sớm, và hiệu quả của vaccine giảm dần theo thời gian, hiệu quả của những con số này sẽ không được cao như chúng ta kì vọng. Chính vì vậy, để bảo vệ tối đa nhóm có nguy cơ trở nặng và tử vong cao, chúng ta cần phải thực hiện những biện pháp sau:
Đầu tiên, gia tăng tỉ lệ tiêm chủng mũi 3 và 4 lên cao nhất có thể.
Tiếp theo, chúng ta có thể cân nhắc tiến hành chiến dịch tiêm chủng mũi 5 COVID-19. Từ mùa thu 2022, các quốc gia bắt đầu chiến dịch tiêm chủng sớm trên thế giới, chẳn hạn như Mỹ, Pháp và Israel đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng mũi 5 bằng hai loại vaccine thế hệ mới: Pfizer Comirnaty và Moderna Spikevax nhị giá chống biến chủng gốc/Omicron BA.4-5.
Vì sao lại là vaccine thế hệ mới? Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí New England Journal of Medicine bởi Dan-Yu Lin và cộng sự cho thấy hiệu quả của vaccine nhị giá như một liều bổ sung trên việc giảm trở nặng và tử vong là 61.8% (khoảng tin cậy 95% 48.2 – 71.8) so với 24.9% của liều vaccine gốc (khoảng tin cậy 95% 1.4 – 42.8). Con số này mang lại lợi thế lớn, đặc biệt là khi biến thể phụ XBB, đặc biệt là XBB.1.5, đang lan truyền và có nguy cơ trở thành biến thể chính trong tương lai gần.
Molnupiravir và "sự lựa chọn tốt hơn" trong điều trị
Tiếp theo, về vấn đề điều trị bệnh nhân COVID-19, tôi xin phép được chia thành hai phần: điều trị bệnh nhân COVID-19 trung bình/có nguy cơ trở nặng cao nhưng chưa cần nhập viện, và điều trị bệnh nhân COVID-19 trở nặng và nguy kịch tại bệnh viện.
Với bệnh nhân COVID-19 trung bình, có nguy cơ trở nặng cao nhưng chưa cần nhập viện, chưa cần hỗ trợ hô hấp, chúng ta có Molnupiravir là thuốc kháng virus được cấp phép lưu hành từ đầu năm 2022. Hiện tại, người dân cũng có thể dễ dàng tiếp cận loại thuốc này tại nhà thuốc, với điều kiện có đơn thuốc đáp ứng.
Tuy nhiên, theo Hướng dẫn Điều trị COVID-19 mới nhất của Viện Y tế Hoa Kì (NIH), Molnupiravir có vẻ như có hiệu quả thấp hơn đáng kể so với Paxlovid (ritovanir/nirmatrelvir), loại thuốc điều trị COVID-19 được phát triển bởi Pfizer. Tổ chức Y tế thế giới cũng đã từng xem Paxlovid như "sự lựa chọn tốt hơn" trong điều trị cho những bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm vaccine, cao tuổi hay không có khả năng sản sinh miễn dịch với COVID-19. Khi thuốc không còn khan hiếm trên thị trường thế giới, cùng với việc giá thành đang đi xuống và dễ tiếp cận hơn, chúng ta nên xem xét cấp phép và cho lưu hành rộng rãi loại thuốc này, tương tự như Molnupiravir.
Với bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, tôi không cho rằng đây lại là một điểm quá đáng lo ngại.
Đầu tiên, chúng ta có một đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, đặc biệt là thông qua đợt bùng phát COVID-19 nửa cuối năm 2021. Đây là một lợi thế lớn, và là tiền đề để chúng ta thực hiện tốt việc điều trị COVID-19 từ tất cả các tuyến. Mỗi bệnh viện, tại thời điểm hiện tại, đều nên có một số lượng giường cụ thể cho đơn vị điều trị riêng cho COVID-19 nặng và nguy kịch, phù hợp với năng lực của bệnh viện đó.
Thứ hai, chúng ta đã và đang có nhiều phương pháp điều trị khác nhau, đã chứng minh được hiệu quả, bao gồm corticosteriods liều cao/pulse, tocilizumab (kháng thể đơn dòng chống thụ thể interleukin-6), baricitinib (thuốc ức chế janus kinase)...
Nhìn chung, mặc dù nguy cơ có một đợt bùng phát mới COVID-19 là hiện hữu, chúng ta không nên hoang mang, lo sợ, mà thay vào đó là có sự chuẩn bị kĩ lưỡng, đồng thời thực hiện tất cả những biện pháp cần thiết để bảo vệ cho nhóm có nguy cơ cao để giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn