Vào năm 2020, khi mới 11 tháng tuổi, bé N.L.A. (ở Đắk Lắk) được phát hiện bị khiếm thính. Sau đó, bé được gia đình đưa đi thăm khám nhiều nơi và được chỉ định phẫu thuật cấy ốc tai điện tử. Thương con, chị Nguyễn Quỳnh Trang gom góp, vay mượn tiền để thực hiện phẫu thuật cho con. Theo chị Trang, sau khi cấy ốc tai điện tử, bác sĩ tiến hành cân chỉnh máy để bé nghe được tiếng nói của người xung quanh. Sau đó, bé tiếp tục trải qua giai đoạn huấn luyện ngôn ngữ, tập nghe nói và hòa nhập vào cuộc sống bình thường.
"Đây là một quá trình dài và nhiều khó khăn. Sau khi phẫu thuật cấy ốc tai điện tử, cha mẹ phải dành thời gian để trò chuyện, chăm sóc thì con mới nghe nói được nhanh, nếu không mọi chuyện cũng vô nghĩa. Tôi thực sự hạnh phúc khi được nghe con nói chuyện như những đứa trẻ khác", chị Trang chia sẻ.
Theo bác sĩ khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cứ 1.000 trẻ được sinh ra thì có 1-3 trẻ bị khiếm thính. Đối với trẻ sinh ra mà nằm trong các cơ sở dưỡng nhi, chăm sóc sơ sinh đặc biệt gặp các bệnh lý như viêm màng não, vàng da, nhẹ cân… thì tỉ lệ khiếm thính tăng gấp 10 lần. Nếu trẻ có những biểu hiện như nghe tiếng động lớn mà không giật mình, người khác nói chuyện với trẻ nhưng trẻ lại không có phản ứng lại thì cha mẹ có thể nghi ngờ trẻ bị khiếm thính và đưa đến bệnh viện để thăm khám, điều trị.
Để phẫu thuật cấy ốc tai điện tử, bác sĩ sẽ tiến hành xác định tình trạng nghe kém của trẻ. Nhóm trẻ được chỉ định phẫu thuật cấy ốc tai điện tử là trẻ bị khiếm thính sâu, không có khả năng nghe. Bên cạnh đó, trẻ phải đảm bảo các điều kiện y khoa khác như về phát triển tâm thần của trẻ, sức khỏe.
TS.BS.CKII Lê Trần Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM, cho biết, sau 23 năm triển khai kỹ thuật cấy ốc tai điện tử, bệnh viện đã phẫu thuật cho hơn 670 ca bị khiếm thính. Theo bác sĩ Minh, hiện một số nơi trên thế giới đã mở rộng chỉ định cấy ốc tai điện tử cho trẻ từ 9 đến 10 tháng tuổi, với khuyến cáo nên mổ càng sớm càng tốt, giúp trẻ có thời gian thích ứng với phát triển thính giác. Tại Việt Nam, ngày càng nhiều phụ huynh chú ý hơn các dấu hiệu trẻ nghe kém, đi tầm soát phát hiện bệnh sớm, từ đó trẻ được phẫu thuật lúc một tuổi nhiều hơn.
Tại TPHCM, các bậc phụ huynh có thể đưa trẻ đến khám và phẫu thuật cấy ốc tai điện tử tại Bệnh viện Nhi đồng 1 hoặc Bệnh viện Tai mũi họng TPHCM. Mỗi ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử kéo dài trong khoảng 2 tiếng. Ngoài chi phí mua thiết bị ốc tai điện tử với giá khoảng 450 triệu đồng/bộ, gia đình mỗi bé còn phải chi trả khoảng 70-80 triệu đồng cho chi phí phẫu thuật, cho bé tập nói và một số chi phí khác để bé có thể hòa nhập với cuộc sống bình thường. Tổng số tiền mỗi gia đình phải chi trả để có thể giúp trẻ nói được dao động từ 500 triệu đến 700 triệu đồng.
Bác sĩ Lê Trần Quang Minh nhấn mạnh, hiện nay, chi phí chính là rào cản lớn nhất đối với phẫu thuật ốc tai điện tử do thiết bị quá đắt tiền, vượt quá khả năng chi trả của nhiều gia đình. Thống kê cho thấy, những năm gần đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM tiếp nhận khoảng 300 - 400 trường hợp câm điếc mỗi năm nhưng số ca phẫu thuật cấy ốc tai điện tử chỉ khoảng 50 - 60 trường hợp.
Theo bác sĩ Quang Minh, không phải trẻ được cấy ốc tai điện tử là có thể nói được ngay mà phải trải qua thời gian huấn luyện của các chuyên gia ngôn ngữ trị liệu; trung bình phải mất 2-3 năm sau khi cấy ốc tai điện tử thì trẻ mới nói được. Để trẻ có thể nghe nói được sau khi cấy ốc tai điện tử, phải có sự đồng hành của gia đình. Cha mẹ phải tương tác, chia sẻ nhiều với con thì mới đạt được hiệu quả như kỳ vọng.
Ốc tai điện tử là một thiết bị điện tử dùng điện kích thích dây thần kinh ốc tai (dây thần kinh số VIII), truyền tín hiệu âm thanh vào trong não bộ. Cấu tạo của ốc tai điện tử bao gồm một phần bên ngoài nằm phía sau tai và phần thứ hai được phẫu thuật đặt dưới da. Ở trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi, thiết bị này có thể giúp trẻ học nghe và học nói, hình thành khả năng ngôn ngữ bình thường tốt hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn