Cứ 5 bà bầu có 1 người mắc tiểu đường

15:20 | 26/02/2017;
Theo ThS. Lê Quang Toàn, tiểu đường thai kỳ đang trở thành căn bệnh phổ biến. Một nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam cho thấy, tỉ lệ bà bầu mắc tiểu đường thai kỳ ở nước ta chiếm 20,3% (5 người mang thai thì có 1 người mắc tiểu đường).
Không ham đồ ngọt cũng có thể mắc tiểu đường thai kỳ

Từng nghe đến bệnh tiểu đường thai kỳ (TĐTK) nhưng chị Vũ Thu Loan (Quy Nhơn) không mấy để tâm, bởi chị nghĩ, chỉ những ai béo phì, những người thích ăn đồ ngọt hoặc sử dụng quá nhiều đồ ngọt mới mắc bệnh này. Mang thai ở tuần thứ 28 nhưng chị Loan chỉ tăng chừng 6kg so với trước khi có bầu. Vì thế, chị không khỏi bất ngờ khi đi siêu âm định kỳ, cân nặng của bé tăng quá nhanh (tương đương với tuổi thai ở tuần thứ 30). Nghi ngờ, bác sĩ lập tức chỉ định chị Loan làm xét nghiệm TĐTK. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, chị đã mắc tiểu đường.

Tuy không phải nằm viện theo dõi như một số thai phụ khác nhưng hàng ngày, chị Loan phải kiểm tra đường huyết 2 lần. Bên cạnh đó, chị cũng phải thực hiện chế độ ăn nghiêm ngặt theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm do TĐTK gây ra cho cả mẹ và con.

Hiện nay, chị Loan mang thai ở tuần 32, theo như dự báo của các bác sĩ, chị có thể phải sinh con sớm trước tuần 37. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ cũng phải xem xét đến sự phát triển phổi của thai nhi, tránh tối đa nguy cơ đứa trẻ sinh ra bị suy hô hấp...

Tầm soát ở tuần 24-28 của thai kỳ
tiu-uong.jpg
Bà bầu nên tầm soát tiểu đường trong thời gian từ tuần 24 - 28 của thai kỳ
Theo ThS. Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện nội tiết Trung ương, TĐTK là một dạng tiểu đường đặc biệt. Nguyên nhân chính là do: Ở phụ nữ mang thai, nhau thai sẽ tiết ra các hormone làm cho các tế bào đáp ứng kém với insulin. Cơ thể sẽ bù trừ lại bằng cách tăng tiết insulin để duy trì nồng độ đường trong máu ở mức bình thường. Tuy nhiên, ở một số thai phụ, tuyến tụy sản xuất không đủ insulin để đáp ứng nhu cầu, dẫn đến tình trạng đường trong máu tăng cao và kết quả là TĐTK xuất hiện.

Điều nguy hiểm là TĐTK không có biểu hiện triệu chứng đặc trưng nào để thai phụ có thể nhận biết được. Trong khi đó, nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt lượng đường trong máu thì tình trạng TĐTK có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho mẹ và con. Các thống kê cho thấy, nếu người mẹ không được kiểm soát tốt đường máu thì từ 6% đến 12% thai nhi có nguy cơ cao bị các dị tật bẩm sinh ở hệ thần kinh, hệ tiết niệu và phổ biến nhất là các dị tật tim mạch. Đặc biệt, các dị tật bẩm sinh, suy hô hấp thai... là những nguyên nhân chính khiến thai kém phát triển, gây sảy thai hoặc thai chết lưu.

Ngoài ra, con của những bà mẹ không được kiểm soát đường máu tốt, khi sinh ra còn đối mặt với các nguy cơ: Suy hô hấp cấp, hạ đường huyết trong vòng 48 giờ đầu sau sinh, hạ canxi máu, gây vàng da, đa hồng cầu, ăn kém...

Đối với thai phụ mắc TĐTK, nếu không kiểm soát tốt đường huyết thì có thể dẫn đến sản giật hoặc tiền sản giật - một biến chứng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như não, mắt, tim, gan, phổi, thận... thậm chí hôn mê. Ngoài ra, cơn sản giật ở phụ nữ mang thai còn ảnh hưởng đến thai nhi, khiến thai có nguy cơ chậm phát triển, nhẹ cân, có thể dẫn đến hiện tượng nhau bong non...

TĐTK rất nguy hiểm nên các bà bầu cần lưu ý phát hiện sớm và kiểm soát đường huyết. Theo đó, các thai phụ có nguy cơ cao mắc TĐTK thì ngay lần khám thai đầu tiên, cần được sàng lọc bệnh tiểu đường. Với thai phụ không nằm trong nhóm nguy cơ cao cũng nên được tầm soát vào tuần thứ 24-28 của thai kỳ. Việc chẩn đoán xác định TĐTK có thể thực hiện bằng cách lấy máu xét nghiệm và đo lượng đường trong máu vào 3 thời điểm: Trước khi uống glucose và sau 1 - 2 giờ uống glucose. Khi bà bầu được chẩn đoán TĐTK, các bác sĩ sẽ có những tư vấn và chỉ định phù hợp để thai phụ mang bầu một cách an toàn.  

Phụ nữ có nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ nếu:

- Béo phì.

- Từng mắc tiểu đường thai kỳ ở những lần mang thai trước.

- Xét nghiệm có đường trong nước tiểu.

- Tiền sử gia đình có người mắc tiểu đường.

- Tiền sử sinh con to trên 4kg.

- Sảy thai không rõ nguyên nhân.

- Sinh con có dị tật bẩm sinh.

- Có tăng huyết áp.

- Mang thai khi trên 35 tuổi.

- Tăng cân quá mức bình thường trong 3 tháng đầu của thai kỳ. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn