Bệnh nhân là bà Phạm Thị Mạnh (79 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) đến Bệnh viện FV trong tình trạng ốm yếu và suy kiệt. Từ 9 năm trước, bệnh nhân đã bị khối u trong khoang miệng nhưng hơn 2 năm gần đây thì khối u phát triển to hơn, chèn ép khoang miệng, như cục xương lớn chắn ngay khẩu cái khiến bà không thể ăn uống bình thường.
Theo bà Mạnh, suốt 2 năm nay bà chỉ ăn được cháo xay nhuyễn cho dễ nuốt và uống sữa cầm hơi để sống qua ngày. Thậm chí thức ăn lỏng bà nuốt cũng khó khăn. Dù đã đi thăm khám nhiều nơi và được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật nhưng sợ đụng dao kéo nên bà nhiều lần từ chối điều trị. Tuy nhiên, càng ngày khối u càng to gây chèn ép và lở loét mỗi khi ăn uống khiến bệnh nhân rất đau đớn. Các cơn đau khiến bà ăn không được, ngủ không yên và dần dần trở nên suy kiệt.
Tại Bệnh viện FV, sau khi được bác sĩ thăm khám và tư vấn, bệnh nhân quyết định phẫu thuật càng sớm càng tốt vì "đau không chịu nổi nữa".
TS.BS Võ Công Minh , Trưởng khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện FV, người trực tiếp điều trị ca bệnh cho biết u xương khẩu cái chiếm tỷ lệ khá cao trong các bệnh u bướu lành tính của vùng đầu cổ. Tuy nhiên, khối u to đến mức ảnh hưởng chức năng nhai và nuốt như của bệnh nhân cao tuổi này thuộc dạng hiếm gặp và phức tạp. Mặt dưới khối u hoàn toàn chiếm hết khoang miệng và thường xuyên bị nhiễm trùng do lở loét khiến bệnh nhân càng thêm đau đớn. Việc húp cháo loãng hay uống sữa mỗi ngày cũng trở thành nỗi ám ảnh do thức ăn trôi qua vết xước niêm mạc, làm vết thương khó lành, dễ nhiễm trùng, và khiến bà đau nhức vô cùng.
"Trước khi quyết định phẫu thuật, đề phòng bỏ sót những bệnh lý đi kèm mà đôi khi lại có thể là nguyên nhân khiến bệnh nhân không ăn uống được, chúng tôi kiểm tra rất kỹ và cuối cùng nhận thấy nguyên nhân đúng là do khối u xương khẩu cái gây ra. Vậy nên tôi quyết định phẫu thuật ngay cho bà cụ để giúp bà sớm ăn uống ngon miệng trở lại và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân", TS.BS Võ Công Minh chia sẻ.
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 1 giờ 30 phút, vì khối u xương quá to chiếm hết vùng hàm trên từ răng bên này sang răng bên kia và mặt dưới khối u cũng đụng mặt lưỡi. Do kích thước khối u quá lớn nên bác sĩ phải mài nhỏ từng phần để gắp ra. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cảm thấy khoang miệng rất dễ chịu và ăn uống ngon lành trở lại.
TS.BS Võ Công Minh cho biết thêm, u xương khẩu cái, hay còn gọi là lồi xương hàm là một bệnh có tỷ lệ khá cao, chiếm hơn 65% bệnh u lành vùng đầu cổ. Tỷ lệ u khẩu cái ở nữ cao hơn nam giới. Khi u lồi bình thường, không ảnh hưởng chức năng nhai nuốt thì không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu khối u có xu hướng phát triển thì cần theo dõi và đến bệnh viện sớm để được điều trị, tránh tình trạng ảnh hưởng sức khỏe.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn