Cụ bà bức xúc vì nông trường chặt hàng trăm cây gỗ lâu năm nhưng không đền bù

16:37 | 20/12/2018;
Cách đây 3 năm, Nông trường Cao su Bình Lộc tổ chức buổi hòa giải với gia đình bà Nguyễn Thị Nhường để giải quyết việc nông trường cho người tự ý chặt hàng trăm cây muồng đen, xoan đào trên diện tích 7.000m2 đất đang canh tác của gia đình bà, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay phía nông trường vẫn im hơi lặng tiếng, chưa từng có động thái đền bù thiệt hại cho bà cụ như đã cam kết.

Tự ý chặt hàng trăm cây trồng của dân vì “lợi ích chung”?

Mới đây, báo PNVN nhận được đơn thư phản ánh của cụ bà Nguyễn Thị Nhường (SN 1941, ngụ tại ấp Xuân Thiện, xã Xuân Thiện, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) về việc Nông trường Cao su Bình Lộc  (thuộc Tổng Công ty Cao su Đồng Nai) cho người tự ý chặt phá cây trên diện tích 7.000m2, (thửa số 95, tờ bản đồ 17 thuộc xã Xuân Thiện) do chồng bà là ông Nguyễn Đức Tâm khai hoang và canh tác từ năm 1983 đến nay mà không tiến hành đền bù, bồi thường như đã thỏa thuận.

Nông trường tự ý cho người chặt hàng trăm gốc xoan đào, muồng đen chục năm tuổi

 Cụ thể, theo đơn thư của bà Nhường, vào tháng 8/2014, Nông trường Cao su Bình Lộc cho người chặt cây trong diện tích đất của bà Nhường và mang bán, giải tỏa trắng khu đất này nhưng gia đình bà Nhường không nhận được thông báo gì. Cho rằng tài sản gia đình bị phá hoại, xâm phạm, bà làm đơn trình báo Công an và chính quyền địa phương.

Bà Nhường bức xúc vì sau 3 năm phía nông trường vẫn im lặng

 Ông Nguyễn Trung Trực (con trai bà Nhường), cho hay: “Mẹ tôi tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phải đi lại nhiều lần để làm cho ra lẽ vụ việc này. Nông trường tự ý cho người chặt 30 gốc muồng đen, gần 2000 cây xoan đào hàng chục năm tuổi gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình. Khi phát hiện tài sản bị xâm hại, chúng tôi có tố giác đến chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật của huyện Thống Nhất vào cuộc xác định nông trường tự ý chặt hạ, gây thiệt hại về tài sản là vi phạm pháp luật, nhưng cho rằng nông trường vì lợi ích chung nên không xử lý hình sự”.

Các hộ dân liền kề đất nhà bà Nhường vẫn canh tác bình thường trên đất

 Theo hồ sơ bà Nhường cung cấp, tháng 8/2015 Công an huyện Thống Nhất và chính quyền vào lập biên bản hiện trường xác định trên đất do gia đình bà Nhường canh tác có gần 30 gốc muồng đen, gần 2000 cây xoan đào với nhiều kích cỡ bị chặt phá, gây thiệt hại trên 114 triệu đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giá tiền giám định theo Công ty cổ phần thẩm định giá Đồng Nai. Gia đình bà Nhường cho rằng, tổng giá trị thiệt hại lớn hơn số tiền trên nhiều lần. Trên cơ sở này, bà Nhường làm đơn đề nghị phải xử lý hành vi hủy hoại tài sản đối với các cá nhân ở nông trường đã tổ chức hủy hoại cây trồng của bà.

Sau khi vào cuộc điều tra, Công an huyện Thống Nhất xác định từ tháng 7/2014, ban giám đốc Nông trường cao su Bình Lộc đã thuê người phát dọn trên diện tích đất của bà Nhường và một vài cá nhân để trồng cao su. Ngoài số cây trồng bị chặt và thiệt hại như trên, cơ quan điều tra còn xác định những người tự ý phát dọn trên đất của bà Nhường đã lấy gỗ, củi bán được tổng số tiền 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên, công an huyện Thống Nhất quyết định không khởi tố vụ án vì cho rằng Nông trường cao su Bình Lộc “không có động cơ cá nhân hay tư lợi”.

Lí giải về vụ việc trên, phía công an huyện Thống Nhất cho rằng tuy nông trường cao su có làm thiệt hại tài sản của gia đình bà Nhường, nhưng việc làm của nông trường xuất phát từ tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê đất, là quan hệ dân sự nên Công an huyện không khởi tố vụ án hình sự.

Bà Nhường phân tích: “Mảnh đất này do chồng tôi là ông Nguyễn Minh Tâm, trước kia từng là Đội trưởng Đội 3 của Nông trường Cao su Bình Lộc khai phá từ năm 1983 đến nay để trồng cà phê, nhiều lần chuyển đổi cây trồng từ cà phê đến xoan, muồng đen… Sau khi chồng mất, gia đình tôi vẫn tiếp tục canh tác cho đến năm 2014. Bao nhiêu năm nay chúng tôi canh tác trên đất này không có tranh chấp, được các hộ liền kề xác nhận. Mãi đến năm 2008, Nông trường Cao su Bình Lộc mới được cấp “Sổ đỏ”. Cơ quan điều tra cho rằng giữa gia đình tôi và nông trường có hợp đồng thuê đất để cho rằng đó chỉ là tranh chấp dân sự. Nhưng thực tế trong các biên bản hòa giải tôi đã yêu cầu đại diện ban giám đốc chứng minh hợp đồng thuê đất thì họ lại không thể đưa ra hợp đồng hay giấy tờ nào xác thực”.

Viết biên bản thỏa thuận nhưng không thực hiện

Sau đó, ngày 27/8/2015, Nông trường cao su Bình Lộc đã tổ chức gặp gỡ, hòa giải với sự có mặt của đại diện Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (ông Nguyễn Phúc Toàn, Phó Tổng Giám đốc và ông Lê Văn Tuấn, Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Công ty); đại diện Nông trường (bà Hoàng Thị Bích, Giám đốc Nông trường; ông Trương Văn Thanh, Phó Giám đốc; ông Lê Văn Cư, Chủ tịch Công đoàn) và 3 hộ gia đình có tên trong danh sách đất bị thu hồi, trong đó có gia đình bà Nhường. Trong buổi hòa giải này, con bà Nhường là ông Nguyễn Trung Trực đã dự họp và cùng ký vào biên bản.

Biên bản này có ghi, Nông trường đồng ý hỗ trợ 5 triệu đồng về khoản đền bù cây cối hoa màu đã bị giải tỏa; Tổng Công ty hỗ trợ công khai phá chừng mười mấy triệu nữa cho mỗi gia đình. Riêng hộ bà Nhường, theo như Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Phúc Toàn trao đổi thì gia đình làm đơn, Tổng Công ty sẽ tạo điều kiện để cấp cho một nền đất rộng chừng 5m, dài chừng 20m để sinh sống. Hiện tại bà Nhường có thể giữ lại mảnh đất trên để tiếp tục canh tác, khi nào Tổng Công ty có kế hoạch thu hồi thì sẽ thu hồi luôn của cả 3 hộ (bà Nhường, ông Đáng, ông Thặng) theo đúng quy trình.

Tuy nhiên, buổi hòa giải ngày 27/8/2015 chỉ mang tính nội bộ, không có sự hiện diện của chính quyền địa phương. Theo bà Nhường, biên bản hòa giải còn sơ sài, chưa có bảng kê chi tiết các giá trị đền bù, không ghi rõ cụ thể nông trường sẽ đền bù bao nhiêu để các bên cùng ký xác nhận, có lịch trình thực hiện để có căn cứ chấm dứt khiếu kiện. Tuy nhiên, đã 3 năm qua, phía Tổng Công ty cao su Đồng Nai và Nông trường Bình Lộc chưa hề có động thái xác minh, làm rõ các vấn đề trên, nhất là làm rõ ràng, chi tiết các khoản đền bù. Gia đình bà Nhường chưa nhận được phản hồi từ Tổng công ty dù đã nhiều lần liên hệ.

Trả lời phóng viên về vấn đề trên, phía Nông trường Bình Lộc cho hay, tất cả hồ sơ đã được chuyển lên Tổng công ty, dưới nông trường không có thẩm quyền giải quyết.

phunuvietnam.vn sẽ tiếp tục thông tin.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn