Gia đình bà Uzbeki cho rằng chính quyền Thụy Điển không quan tâm đến sự khổ cực của người Afghanistan. Bà Uzbeki bị nhiều bệnh, nói chuyện khó khăn. Gia đình bà đã kháng nghị việc bác đơn xin tị nạn của bà. Với sức khỏe ngày càng yếu, bà được phép nộp đơn khiếu nại 3 lần, một tiến trình mất khá nhiều thời gian. Thông báo bác đơn tị nạn đến với gia đình nhưng cả nhà không dám cho bà biết. Dù vậy, sự buồn bã luôn hiện trên mặt các cháu gái khiến bà nghi ngờ. Sau khi biết chuyện, sức khỏe bà Ubeki suy sụp, bà đã bị đột quỵ nhẹ. Trong khi đó, đơn chống án của những thành viên khác trong gia đình cũng phải trải qua nhiều thời kỳ xét duyệt khác nhau.
Trước đây, bà Uzbeki cùng 17 người thân trong gia đình trở thành tâm điểm truyền thông sau khi trải qua hành trình gian nan 20 ngày vượt qua các ngọn núi, sa mạc và rừng rậm để đến được châu Âu vào năm 2015. Họ nói rằng họ rời bỏ Afghanistan vì chiến tranh và những kẻ thù chính là bọn nổi dậy Taliban, quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) và những tên đánh bom tự sát. Gia đình bà Uzbeki đã quyết định rời bỏ Afghanistan sau khi 2 người con trai của bà bị giết chết.
Bà Uzbeki đến trại tị nạn Opatovac ở Croatia hồi tháng 10/2015. 2 năm sau, bà cùng gia đình sống tại Hova, một ngôi làng nhỏ nằm ở trung tâm Thụy Điển. Trong lần vượt biên đầy nguy hiểm đó, người con trai 67 tuổi và cháu nội Mohammed (19 tuổi) thường xuyên phải cõng bà trên lưng, đặc biệt khi cả gia đình phải leo qua những ngọn núi của Iran để đến Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến Hy Lạp, Serbia rồi vào Croatia.
Bà Uzbeki được cho là người tị nạn cao tuổi nhất ở châu Âu. Trước đó, họ từng sống chui ở Iran 8 năm. “Chúng tôi đã gặp nhiều chuyện không may trong suốt hành trình. Tôi bị ngã và bị thương ở đầu. Tôi vẫn còn một vết sẹo trên đầu. Chúng tôi đều mong muốn có một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi không còn sống lâu để nhìn thấy được tương lai ấy nhưng tôi không thể để cho con cháu mình không đạt được mục đích gì”, bà Uzbeki cho hay.
Đã có 163.000 người tị nạn vào Thụy Điển, trong đó một nửa số đơn xin tị nạn đã bị bác bỏ.