Cú điện thoại thức tỉnh

07:52 | 12/02/2016;
Trong cùng một ngày, tại cùng thời điểm, có 2 người nhận được cuộc gọi từ gia đình, thông báo rằng, mẹ của họ bị ung thư. Một nam thanh niên đang ở đỉnh cao thành đạt và một người con gái đang ở dưới vực sâu của sự chán chường. Họ cùng lao tới bệnh viện..
1. “Chuyện này không thể xảy ra với mình, mẹ còn khỏe lắm, mẹ không thể có kết cục như vậy được”, người nam nghĩ. “Vậy là cuối cùng mẹ cũng được giải thoát. Sống khổ như mẹ, ra đi sớm ngày nào tốt ngày ấy”, người nữ nghĩ. Họ cùng hỏi thăm về một địa chỉ và chạm trán nhau tại ngưỡng cửa của phòng điều trị. Họ chưa vào vội. Họ đứng quan sát để tìm người đàn bà ảnh hưởng nhất đến cuộc đời mình.


Người nam rất hoảng hốt và không tin rằng mẹ mình bị bệnh (Ảnh minh họa)
2. Bà mẹ có người con thành đạt nằm một mình. Bà dùng 2 tay chặn lấy lồng ngực để ghìm cơn ho đang chực dội lên. Người đàn ông thành đạt khó khăn lắm mới nhận ra mẹ, bởi anh quen nhìn thấy bà với dáng vẻ nhanh nhẹn, hoạt bát, miệng nói tay làm. Bố mẹ anh đều là công nhân, mãi mới sinh được một mụn con. Anh sáng dạ, học đâu biết đấy, thi đâu thành công đấy, lúc nào cũng ở tốp đầu. Khi ra trường, chuyện xin việc và thăng tiến của anh suôn sẻ như thể cuộc đời đã trải sẵn thảm đỏ để anh bước đi.
Anh hồn nhiên hưởng thụ mọi sự may mắn, hồn nhiên đi song song cuộc đời của bố mẹ với suy nghĩ: ông bà chỉ có công sinh ra anh, còn mọi việc đều do bản thân anh mà có. Chưa bao giờ anh nghĩ tới việc báo đáp công ơn bố mẹ. Nếu không có cú điện thoại của bố thông báo về việc mẹ bị đột quị thì anh cũng không để ý rằng, đã lâu lắm rồi anh không ghé thăm các bậc sinh thành…
3. Mẹ của cô gái chán chường đang được một người đàn ông tận tình chăm sóc. Bà cứ đưa tay đòi tự cầm thìa ăn cháo, nhưng người đàn ông ấy dứt khoát không cho. Ông dựng giường cho bệnh nhân ở tư thế nửa nằm nửa ngồi, cẩn trọng bón từng thìa cho bà, thi thoảng lấy khăn lau mồ hôi, phe phẩy quạt để bà thấy dễ chịu hơn. Người đàn bà trên đầu chít cái khăn che đi mái tóc đã rụng sạch vì hóa trị, nằm im để được chăm sóc như một đứa trẻ. Đã có một thời, bà phải chăm sóc cho chồng mình như chăm một đứa trẻ, mỗi khi ông ấy say rượu. Đấy là người chồng cũ, không phải người đàn ông đang bón từng thìa cháo cho bà bây giờ.

 Cô con gái nhìn thấy mẹ mình được chăm sóc cẩn thận bởi bố dượng (ảnh minh họa)

Chuyện đớn đau, nói là qua lâu rồi, nhưng không ai quên được. Nhất là người con gái đang đứng trước cửa phòng bệnh, quan sát nhất cử nhất động của mẹ và bố dượng. Cảnh tượng mà cô nhìn thấy trước mắt giống như một giấc mơ từ thuở xa xưa, bỗng chốc xuất hiện giữa cuộc đời thực, khiến cô không tin vào mắt mình. Gia đình cô, nơi lưu giữ những kỷ niệm xót xa của cô, chưa bao giờ có cảnh yên bình, ngọt ngào như thế này. “Tôi hận các người vì đã để tôi có mặt trên cõi đời này. Trên đời này làm gì có tình yêu, làm gì có hạnh phúc. Tôi không ở với ai hết. Tôi sinh ra từ cát bụi và tôi thuộc về cát bụi”, cô hét lên ở phiên tòa xử bố mẹ ly hôn. Từ ngày bố mẹ chia tay, cô hòa mình vào đám con hoang của đường phố.
Cho tới trước khi đứng ở đây, nhìn người đàn ông xa lạ chăm sóc mẹ mình, cô vẫn nghĩ rằng trên đời này không tồn tại tình yêu. Cô gái tự tay phá nát cuộc đời bỗng rơi lệ, không phải là những giọt nước mắt sợ hãi, hận thù như lúc bé thơ, mà là giọt nước mắt cảm động bởi sự tận tình vô điều kiện của bố dượng chạm tới trái tim tưởng như đã thành sỏi đá. Hóa ra, hạnh phúc với mỗi người có một hình hài riêng, mỗi người có một nỗ lực riêng để gìn giữ gia đình. Trong khi cô luôn chối bỏ sự tồn tại của gia đình thì vẫn có người đàn ông không ruột rà máu mủ bền bỉ chăm chút cho mẹ của cô, kể cả khi thần chết đứng kề bên cạnh bà, sẵn sàng gọi bà ra đi bất cứ lúc nào. Bố dượng cô tận dụng từng giây phút còn được kề vai sát cánh bên mẹ cô, để cho đi tình yêu mà ông ấy có.
4. Trước ngưỡng cửa phòng bệnh, người thanh niên chưa bao giờ gặp phải gian khó trong cuộc đời bỗng khóc nấc thành tiếng vì đột nhiên anh nhận ra rằng, anh sắp mất đi người thân yêu nhất của cuộc đời mình. Một người tưởng có đủ mọi thứ, giờ mới biết đến cái cảm giác mất mát tột cùng.
2 con người, 2 thân phận, hai cách nghĩ về cuộc đời, nhưng khi chứng kiến những giờ phút cuối cùng của người thân, họ đều ngộ ra một điều: Dù thế nào, gia đình vẫn là những gì gắn bó nhất với mỗi người, điều họ thực sự có trong tay và ở bên họ những lúc khó khăn nhất.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn