Huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, có 17 dân tộc anh em sinh sống với hơn 32% là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó có nhiều hộ còn khó khăn. Làm thế nào để giúp người dân cùng vươn lên, đồng hành phát triển là điều mà Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, Hội LHPN địa phương luôn trăn trở.
Bà Phạm Thị Thừa, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cư Kuin (tỉnh Đắk Lắk), cho biết: Xác định công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài, các cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện Cư Kuin đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và mang lại kết quả thiết thực.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ các chính sách, cùng với sự nỗ lực vươn lên của bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo, trong những năm qua việc thực hiện giảm nghèo ở địa phương đạt những kết quả tích cực. Hằng năm chỉ tiêu giảm nghèo đề ra đạt bình quân từ 0,8% - 1%, tương đương có khoảng trên 200 hộ thoát nghèo mỗi năm.
Chị H’Oan Byă (buôn Pứk Prông, xã Ea Ning) lập gia đình sớm, lại đẻ dày, có 4 đứa con nên vợ chồng con cái thiếu ăn, thiếu mặc suốt. Suốt bao năm, khó khăn chồng chất khó, gia đình chị H’Oan Byă thuộc diện hộ nghèo ở địa phương. Năm 2023, gia đình chị H’Oan Byă là một trong những hộ mới thoát nghèo. Nhớ lại hành trình thoát nghèo của gia đình mình, chị H’Oan Byă không giấu được niềm vui.
Chị H’Oan Byă kể, trước đây, mặc dù vợ chồng chị có vài sào cà phê liên kết với công ty cà phê đóng trên địa bàn huyện nhưng do hoàn cảnh khó khăn, không có tiền mua phân bón chăm sóc nên năng suất không cao, thu không đủ chi. Hàng ngày, để lo cho đàn con, vợ chồng chị phải đi làm thuê làm mướn để trang trải cuộc sống.
Thấu cảnh nghèo khó bủa vây, hai vợ chồng cố gắng chăm chỉ làm lụng, tích góp để lấy vốn làm ăn. Được sự hỗ trợ của địa phương và các tổ chức xã hội, vợ chồng chị mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư trồng cà phê, tiêu, mua bò sinh sản. Được sự động viên của cán bộ, bà con, tần tảo lao động, dần dà, kinh tế gia đình bắt đầu ổn định và phát triển.
Từ nguồn thu trồng cà phê, tiêu và chăn nuôi bò sinh sản, ngoài nuôi các con ăn học, vợ chồng chị H’Oan Byă còn xây dựng được ngôi nhà mới khang trang với tổng kinh phí hơn 650 triệu đồng. Ngôi nhà được khánh thành dịp trước Tết Nguyên đán 2024 vừa qua.
Cùng ở xã xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, vợ chồng chị Nguyễn Thị Công (thôn 23) cũng là một tấm gương thoát nghèo. Anh chị lấy nhau năm 2012, gia đình cả hai bên đều nghèo nên vợ chồng cũng phải bắt đầu gây dựng cuộc sống từ hai bàn tay trắng. Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay hỗ trợ hộ nghèo với 90 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, anh chị dạnh dạn đầu tư vào trồng cà phê, tiêu, sầu riêng và mở tiệm tạp hóa nhỏ.
Sau vài năm tích cóp, phấn đấu hai vợ mua được chiếc xe ô tô chạy dịch vụ. Tự tin và có kinh nghiệm làm kinh tế, vợ chồng bàn nhau tiếp tục vay vốn lần hai 90 triệu đồng để phát triển kinh tế. Năm 2021, vợ chồng chị Nguyễn Thị Công được công nhận thoát nghèo. Hiện gia đình sống trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi có diện tích 150 m2.
Cũng trong danh sách hộ nghèo nhiều năm nhưng nhờ mô hình trồng hồ tiêu xen canh cà phê và sầu riêng, gia đình chị H Lê Na Niê (buôn Jung A, xã Ea Ktur, huyện C Kuin) đã được "xóa tên" khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương. Trong niềm vui khôn tả, chị H Lê Na Niê cho biết, hành trình tìm kiếm hướng phát triển kinh tế, gia đình chị phải đối mặt với nhiều khó khăn ban đầu, chủ yếu là thiếu vốn đầu tư. Nhờ sự nỗ lực của bản thân, cùng với sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình chị đã vay được 50 triệu đồng để đầu tư và phát triển vườn cây.
Có vốn, chị H Lê Na Niê đã mua cây giống, phân bón để cải tạo, trồng mới và mở rộng quy mô vườn cây, từ đó kinh tế của gia đình bắt đầu có sự khởi sắc. Với diện tích 5 sào trồng xen canh nhiều loại cây trong vườn, mỗi năm gia đình chị H Lê Na Niê thu về khoảng 100 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình chị H Lê Na Niê đã dần có cuộc sống khấm khá, thoát nghèo bèn vững.
Không riêng gia đình các chị H’Oan Byă, Nguyễn Thị Công, H Lê Na Niê, những năm qua, đã có hàng ngàn hộ dân trên địa bàn huyện Cư Kuin được thoát nghèo từ các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Thực hiện chương trình hành động năm 2024, UBND huyện đã chỉ đạo triển khai kế hoạch giải quyết việc làm trên địa bàn huyện với 1.180/2.000 lượt người; đào tạo nghề với 1.224/2.000 lượt người; tổ chức 8 phiên giao dịch, tư vấn việc làm, với hơn 500 lượt lao động tham gia; gia hạn và cấp mới 12.490 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thụ hưởng; hỗ trợ chi phí học tập với tổng số tiền 3,25 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 1.963 lượt hộ nghèo, 2 lượt hộ chính sách với số tiền hơn 344 triệu đồng; chi trả tiền miễn giảm học phí cho 267 đối tượng, kinh phí gần 1,6 tỷ đồng…
Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phạm Thị Thừa cho biết, để thực hiện công tác giảm nghèo hiệu quả, hằng năm huyện chỉ đạo các xã điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm truyền cảm hứng, thay đổi tư duy, ý thức chủ động vươn lên của hộ nghèo; quan tâm tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến nghèo và nhu cầu, nguyện vọng của từng hộ để có biện pháp hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, UBND huyện tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên như: cho vay vốn ngân hàng chính sách, cấp bảo hiểm y tế, hỗ trợ học phí…
Để công tác thoát nghèo đạt hiệu quả cao nhất, huyện đã lồng ghép hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia như: hỗ trợ xuất khẩu lao động; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, giáo dục, y tế; quan tâm tư vấn hướng nghiệp, học nghề; huy động các nguồn lực xã hội để chăm lo đời sống hộ nghèo, cận nghèo… Đến nay, đã có trên 2.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm với tổng dư nợ trên 83,4 tỷ đồng. Tính đến tháng 8/2024, toàn huyện đã hỗ trợ xây dựng được 119 căn nhà cho các hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 8,9 tỷ đồng.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn