Bác sĩ Lâm Gia Mô, bệnh viện Shin Kong Wu Ho-Su Memorial Hospital, chia sẻ về trường hợp anh Quân (38 tuổi) là kiến trúc sư. Ban ngày anh Quân có dấu hiệu buồn ngủ nghiêm trọng, thậm chí anh đã ngủ gục khi đang đạp xe và suýt dẫn đến tai nạn.
Anh Quân cho rằng bản thân thiếu ngủ và đã ngủ bù 8 tiếng vào cuối tuần, thế nhưng càng ngủ thì tình trạng sức khỏe của anh vẫn không cải thiện. Khi đến bác sĩ khám, anh Quân kinh ngạc khi được chẩn đoán mắc căn bệnh ngưng thở khi ngủ.
Bác sĩ Lâm Gia Mô từng gặp một trường hợp khác là cô Loan (50 tuổi), cô Loan có hiện tượng ngủ ngáy về đêm đến nỗi ảnh hưởng đến giấc ngủ của người chồng. Cứ ngỡ ngủ ngáy là bình thường, nhưng sau khi chồng khuyên đi bệnh viện khám, cô Loan hoảng sợ khi kết quả chẩn đoán cho thấy cô ngưng thở khi ngủ khoảng 130 lần trong đêm, nồng độ oxy trong máu giảm xuống dưới 60%, có nguy cơ bị đột ngụy, tình trạng vô cùng nghiêm trọng.
Bác sĩ Lâm Gia Mô cho biết, ngủ ngáy là dấu hiệu thường thấy ở đàn ông tuổi trung niên và phụ nữ mãn kinh. Theo Nghiên cứu dịch tễ học Wisconsin Hoa Kỳ, nhóm người ngủ ngáy chiếm ít nhất 20% bệnh nhân ngưng thở khi ngủ. Và nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, những bệnh nhân ngưng thở khi ngủ có nguy cơ tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim.
Bác sĩ thông tin thêm, nhiều người đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi căn bệnh ngưng thở khi ngủ, điều này gây ra hiện tượng buồn ngủ vào ban ngày, tinh thần thiếu tỉnh táo, lời khuyên dành cho nhóm người này là nên đến bệnh viện khám. Có nhiều phương pháp điều trị, chẳng hạn thay đổi tư thế ngủ bằng cách nằm nghiêng, người thừa cân nên giảm cân và kiểm soát cân nặng, người viêm mũi dị ứng nên cải thiện triệu chứng dị ứng, trường hợp nghiêm trọng có thể tiến hành phẫu thuật để cải thiện các cấu trúc liên quan đến hô hấp.
Ngưng thở khi ngủ là một loại rối loạn giấc ngủ mà người bệnh có những cơn ngưng thở hoàn toàn trong ít nhất 10 lần trong giấc ngủ và lặp đi lặp lại nhiều lần trong đêm.
Chứng ngưng thở khi ngủ được chia làm ba loại, đó là: ngưng thở tắc nghẽn (OSA), ngưng thở trung ương (CSA) và ngưng thở hỗn hợp (MSA). Ngưng thở tắc nghẽn là tình trạng hay gặp nhất, ảnh hưởng đến khoảng 4% nam giới và 2% nữ giới. Tuy nhiên, người ta tin rằng chỉ khoảng 10% số bệnh nhân bị chứng ngưng thở tắc nghẽn đi khám để được điều trị trong khi hầu hết người bệnh không được thăm khám và chẩn đoán.
Đối tượng có các triệu chứng nghi ngờ hội chứng ngưng thở khi ngủ:
Ngủ ngáy kèm theo ngưng thở, ngạt thở.
Buồn ngủ nhiều ban ngày.
Thức giấc nhiều lần trong đêm.
Đi tiểu nhiều lần trong đêm.
Đau đầu buổi sáng.
Giảm trí nhớ, giảm độ tập trung.
Thừa cân, béo phì, bất thường vùng hàm mặt.
Tăng huyết áp kháng trị.
Những dấu hiệu về hội chứng ngưng thở lúc ngủ, người bệnh nên đến các chuyên khoa hô hấp khám ngay để được điều trị sớm nhất có thể. Các chuyên gia cảnh báo nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm hội chứng ngưng thở lúc ngủ sẽ góp phần gây ra những biến chứng nguy hiểm như: tai biến mạch máu não, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, giảm trí nhớ, mất tập trung, đột tử trong đêm.
Hội chứng ngưng thở khi ngủ ở trẻ em có thể gây ra tình trạng hiếu động thái quá, hay gây gổ, giảm thành tích học tập, tiểu dầm.
Theo Cnews
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn