Người đối diện tôi là cụ ông ở cái tuổi "xưa nay hiếm" nhưng ông vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng.
Dẫn chúng tôi lên tầng 3 của căn nhà, hai căn phòng là nơi được ông bài trí, sắp xếp làm Bảo tàng ảnh Bác Hồ. Một gian giành làm phòng thờ Bác, gian lớn hơn được bài trí, sắp đặt theo chủ đề về cuộc đời hoạt động của Bác qua các thời kỳ.
Ký ức trong một lần được gặp Bác ở Thái Nguyên, khi đó ông là cán bộ mới được phân về Nhà máy Gang thép vẫn không phai mờ trong ông.
Hình ảnh Bác trong lần ông được diện kiến đó, cứ ẩn hiện trong tâm trí ông 60 năm qua, đó là quyết tâm luôn thường trực trong ông để thai nghén ý tưởng và buộc mình phải làm một cái gì để ghi nhớ công lao to lớn của Người. Ông bắt tay vào thực hiện dự án lớn của đời mình là Bảo tàng ảnh Bác.
"Đó là may mắn của cuộc đời tôi khi được gặp Bác, hình ảnh vị lãnh tụ trong bộ quần áo kaki sờn và đôi dép cao su đã in sâu trong tâm trí tôi, đến hôm nay dù đã qua rất nhiều năm, khi nhớ lại tôi vẫn xúc động", ông Cao tâm sự.
16 năm sưu tầm được hơn 800 bức ảnh về Bác
Năm 2007, ông Cao đưa tài sản quý của mình là 21 bức ảnh về Bác Hồ mà ông được tặng năm 1968 sau khi giành danh hiệu Chiến sĩ thi đua trong ngành Thủy lợi. Ông mang ra hiệu ảnh phóng to, đóng khung trang trọng và treo ở phòng khách.
"Dù trong túi không dư dả nhưng tôi vẫn quyết làm, không đủ thì tôi vay mượn thêm để phóng to 21 ảnh Bác rồi đóng khung. Với số tiền hơn 1 triệu đồng bỏ ra phóng ảnh vượt so với lương tháng lúc đó chỉ tiền trăm nhưng tôi vẫn quyết tâm làm, đó là bước đầu tiên ra đời Bảo tàng ảnh Bác", ông Cao cho biết quá trình khó khăn bước đầu thành lập Bảo tàng ảnh Bác.
Cũng từ đây, dù tuổi đã cao nhưng ông Cao vẫn rong ruổi với những chuyến hành trình sưu tầm ảnh Bác, có lúc lên Lai Châu, Điện Biên vượt hàng trăm cây số, có khi lại vào quê Bác ở Nghệ An, rồi đi Hà Tĩnh, Kiên Giang... Cứ có thông tin ở đâu có ảnh Bác là ông lên đường đi, mặc cho con cháu muốn ông ở nhà, giữ gìn sức khỏe. Cứ thỉnh thoảng không thấy ông Cao ở nhà, hàng xóm biết ông đang đi sưu tầm ảnh Bác. Hơn 300 tấm ảnh quý về Bác được ông mang về cất giữ cẩn thận.
Đến cuối năm 2019, sau khi bàn bạc với gia đình, ông Cao quyết định mở Bảo tàng ảnh Bác trên tầng 3 với diện tích 20 m2. Bảo tàng ra đời nhận được sự khích lệ của người dân trong làng, ông Cao quyết tâm mở rộng phòng hơn nữa và tích cực sưu tầm thêm ảnh Bác.
Năm 2022, ông Cao bàn với gia đình sử dụng 40 triệu đồng tiền tiết kiệm tích góp trong nhiều năm để xây thêm một phòng ở tầng 3 căn nhà và Bảo tàng ảnh Bác rộng thêm 50 m2 (2 gian nhà tầng 3), đặc biệt số lượng ảnh về Bác mà ông sưu tầm được trong 16 năm lên đến hơn 800 bức ảnh.
Ngoài hơn 800 bức ảnh về Bác, ông Cao còn lưu giữ một cuốn sổ được ông đặt tựa đề: "Sử Ca - câu chuyện lịch sử Việt Nam - Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam". Cuốn "Sử Ca" lưu giữ 1.456 câu thơ lục bát viết về Bác, Đảng và Cách mạng Việt Nam do ông thực hiện trong hơn 10 năm, ông cũng thuộc nằm lòng từng ấy câu thơ và đọc mỗi khi khách tham quan muốn nghe.
Mở đầu cuốn "Sử Ca" ông viết: Thanh cao lý tưởng Bác Hồ/Suốt đời lo lắng cơ đồ Việt Nam/Lời nói cũng như việc làm/Con người phúc hậu dân càng mến thương...
Trước lúc rời khỏi phòng trưng bày, ông Trần Văn Cao tâm sự: "Tôi làm Bảo tàng ảnh Bác trước là vì tâm niệm của bản thân nhưng sau đó cũng muốn để lại cho thế hệ sau. Điều lớn nhất, tôi muốn thế hệ trẻ luôn học tập, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn