"Nhìn xem, đây là một chiếc áo tơi".
Ngày mưa dầm, với lời chào mời niềm nở, vài du khách đã tập trung trước một cửa tiệm nhỏ trong huyện Long Du thuộc thành phố Cù Châu (Chiết Giang) - nơi tập trung kiến trúc truyền thống cổ xưa nhiều nhất miền sông nước Giang Nam của Trung Quốc.
Trong khoảnh khắc, ánh đèn trong cửa hàng nhỏ tối đi, Lã Nhữ Tài, 73 tuổi, từ từ ngẩng đầu lên chỉnh lại chiếc kính đọc sách đã rơi xuống chóp mũi, trò chuyện với du khách bằng một nụ cười.
Phóng viên bước vào gian nhà nhỏ chưa đến 10m2, nhìn thấy ở sảnh chính treo một chiếc áo tơi lớn, bức tường bên trái treo một hàng áo tơi cỡ nhỏ và chổi màu nâu. Giữa phòng kê một cái bàn lớn, chiếm ba phần tư căn phòng. Sau khi du khách rời đi, Lã Nhữ Tài ngồi vào bàn, đan chiếc sản phẩm còn dang dở.
“Đây là một tấm chiếu cọ lớn, có tác dụng vừa che mưa vừa giữ ấm”, Lã Nhữ Tài vỗ vỗ tấm chiếu nói. Tấm chiếu này sắp được đan xong, sau đó ông chuyển sang làm áo tơi.
"Nói về chiếc áo tơi sợi rơm, nó có lẽ là loại áo mưa đã tồn tại từ rất lâu. Phía Nam sông Dương Tử nhiều mưa. Mùa xuân cày cấy hoặc bận rộn với công việc đồng áng, mưa xuống liền khoác lên mình chiếc áo tơi".
Trong ký ức của Lã Nhữ Tài, áo tơi là món đồ “công thần” ở nông thôn, che mưa chắn gió, trải lên nền đất ngả lưng nghỉ mệt ăn trưa, không sợ ướt áo, chẳng sợ lạnh người, nhà nghèo chăn không đủ ấm, lấy áo tơi đắp lên, thế mà cũng qua mùa đông lạnh lẽo.
Trên tường treo đầy những dụng cụ như dao tuốt sợi, đồ xỏ chỉ, kim…
“Nhà tôi lúc nào cũng có sẵn mấy cái áo tơi, thường treo trên vách, trời mưa đi rẫy thì khoác thêm áo tơi. Món đồ này bám trên lưng theo người nông dân không biết bao nhiêu ngày mưa. Qua vô số lần giặt giũ và bị nước mưa mài mòn, màu áo tơi dần phai đi”. Lã Nhữ Tài nói rằng khi còn nhỏ, mỗi lần nhìn thấy áo tơi giống như tấm lưng cần cù của bố mẹ ông.
"Thuở nhỏ, tôi không hiểu áo tơi chích khá đau. Có lần tôi tò mò khoác chiếc áo tơi to đùng của bố, lưng bị sợi rơm, sợi cỏ chích đau điếng. Tại sao bố luôn mặc áo tơi đau đớn như vậy vào những ngày mưa mà lại cảm thấy thoải mái?", Lã Nhữ Tài nói.
Ôm nỗi thắc mắc này, ông tò mò hỏi bố, tại sao bố mặc áo tơi lại không thấy đau? Bố nghe vậy cười phá lên, sờ đầu Lã Nhữ Tài nói: “Áo tơi biết nhận ra người, lâu ngày con mặc quen nó sẽ nhận ra con là chủ nhân của nó”. Đến khi trưởng thành hiểu chuyện, ông mới hiểu câu nói này của bố.
Trời quang mây tạnh sau cơn mưa, những chiếc áo tơi lại được treo trên tường nhà. Gió thổi vào cửa sổ, sợi áo tơi bắt đầu tung bay, không khí tràn ngập mùi cỏ và mưa nhàn nhạt.
Lã Nhữ Tài lúc đó luôn nghĩ: Chiếc áo tơi đầu tiên được đan từ khi nào? Bởi bàn tay khéo léo nào? Khi đó, ông không biết rằng đời này mình sẽ gắn bó với chiếc áo tơi.
"Nói về lịch sử của áo tơi thì đã lâu lắm rồi. Khương Tử Nha đã mặc áo tơi khi đi câu cá. Theo lời thầy của tôi, áo tơi được đan từ cỏ lau ở thời xưa, còn lá cọ được sử dụng vào thời Minh, kỹ thuật thủ công cũng tinh xảo hơn", Lã Nhữ Tài nói.
Lã Nhữ Tài sinh năm 1950 tại trấn Long Du Hồ, tổ tiên của ông làm nghề bện dây thừng. Trong ký ức tuổi thơ của Lã Nhữ Tài, cha ông, Lã Vinh Căn, luôn ngồi trên sợi cọ, dưới chân chất đầy sợi cọ, thân cây cọ, hai tay không dừng bện dây thừng mang đi bán, vậy mà cũng nuôi được cả nhà lớn bé.
Đến thế hệ của Lã Nhữ Tài, dây thừng không còn được ưa chuộng, nghề thủ công bị máy móc thay thế. Tuy nhiên, Lã Vinh Căn tin rằng cách duy nhất để “an cư lạc nghiệp” là dựa vào tay nghề. Dưới sự nài nỉ của ông, Lã Nhữ Tài, 15 tuổi, đã nhận Phó Nãi Dũng, một nghệ nhân làm áo tơi, làm thầy.
Học thủ công đương nhiên không phải dễ, và có một điều mà Lã Nhữ Tài luôn nhớ rất rõ ràng. "Khi mới học nghề, tôi tò mò và lấy trộm thuốc lá của thầy để nghịch. Sau khi châm lửa, tôi vô tình làm cháy chiếc áo tơi mà thầy vừa làm. Tôi đã bị dạy cho một bài học. Lửa và áo tơi là cấm kỵ", Lã Nhữ Tài nhớ lại.
Ba năm học nghề, Lã Nhữ Tài bắt đầu cuộc sống rong ruổi khắp nơi để giúp mọi người đan áo tơi.
"Lúc đó tôi đã nghĩ, làm sao mình có thể học được kỹ năng của mình và tạo dựng tên tuổi. Thử nghĩ xem, có hơn 40 nghệ nhân làm áo tơi ở trấn. Vậy thì muốn kiên trì với nghề này thì phải có tay nghề cao hơn họ".
"Làm áo tơi thì phải đến gặp người ta, xem họ cao bao nhiêu. Đánh giá một lượt để áng chừng kích cỡ. Áo tơi bình thường nặng khoảng 5kg, nhưng áo tơi tôi làm chỉ khoảng 4kg, đường kim chặt chẽ hơn, kích cỡ hợp lý, ai cũng khen ngợi. Mặc 30-40 năm cũng không thành vấn đề. Xét về tay nghề, tôi có thể xếp vào hàng đầu trong trấn", Lã Nhữ Tài rất tự tin về tay nghề thủ công của mình.
Kể từ năm 1983, Lã Nhữ Tài không còn thường xuyên làm áo tơi. “Áo mưa nilon sản xuất bằng máy vừa nhẹ vừa rẻ, áo tơi cọ cũng không ai dùng”.
Tay nghề mài dũa kỳ công, nửa đời sau nguội lạnh, Lã Nhữ Tài tận hưởng ngày tháng còn lại “mặc chiếc áo tơi xuyên qua đồng, từ từ chậm rãi qua từng năm”.
Năm 2006, trong cuộc kiểm tra di sản văn hóa phi vật thể ở huyện Long Du, kỹ thuật đan áo tơi đã thu hút sự chú ý của chính quyền địa phương.
Lã Nhữ Tài đan áo tơi. Dao tước cọ, bánh xe chỉ, kim có độ dài khác nhau... Những công cụ từng bị Lã Nhữ Tài vứt bỏ và cất vào hộp gần 20 năm đã có thể nhìn thấy ánh sáng một lần nữa.
"Nghề thủ công mà tôi đã học được khi còn trẻ sẽ không bao giờ bị lãng quên", Lã Nhữ Tài nói rồi lại nhìn xa xăm.
Từ năm 2007, Lã Nhữ Tài, người thừa kế nghề đan áo tơi Long Du và áo tơi thủ công, đã được mời ở lại khu dân cư Long Du để đan áo tơi và tham gia triển lãm nghề truyền thống.
Từ đó đến nay, hễ có du khách tham quan, Lã Nhữ Tài đều hăng hái giới thiệu: “Áo tơi nhỏ rất được ưa chuộng, chiều rộng và chiều dài vai lần lượt là 48cm và 55cm, kích thước và trọng lượng chỉ bằng khoảng 1/3 so với áo tơi dành cho người lớn”.
"Tôi chưa bao giờ ra nước ngoài, nhưng sản phẩm của tôi đã được xuất khẩu sang Mỹ và Nhật Bản...", Lã Nhữ Tài tự hào chia sẻ.
Hiện tại, mối lo lắng duy nhất của ông là không có ai kế thừa nghề thủ công này. "Người đến học nghề rất nhiều, nhưng không ai học được. Người kiên trì nhất chỉ học trong một tháng".
Lã Nhữ Tài nói, vật đổi sao dời, thời thế thay đổi, ông không thể hiểu được lối suy nghĩ của người trẻ ngày nay.
"Nghĩ đi nghĩ lại thấy cũng đúng. Thời đó chúng tôi chỉ biết cố gắng học cho được cái nghề trước rồi tính tiếp. Nhưng các bạn trẻ bây giờ trước khi học, họ luôn hỏi nghề này có thể kiếm ra tiền không. Nghề này không chỉ học ngày một ngày hai là được. Nếu có người thật lòng muốn học, tôi sẽ tận tình chỉ dạy mà không giấu giếm bất cứ bí mật nào. Tôi chỉ sợ chiếc áo tơi không còn tồn tại nữa mà thôi", ông Lã Nhữ Tài nói.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn