Trên thế giới, những khu vực có tuổi thọ cao hơn mức trung bình thường gọi là Blue Zones và được các nhà khoa học nghiên cứu ví dụ như đảo Okinawa của Nhật Bản và Ikaria, đảo trường thọ của Hy Lạp.
Tuy nhiên, có những nơi cũng nổi tiếng với tuổi thọ cao nhưng không nằm trong khu vực Blue Zones. Một trong những nơi như vậy là Lerik, thuộc dãy núi Talysh ở miền nam Azerbaijan, nổi tiếng với số lượng người sống trên trăm tuổi rất cao và thậm chí còn có Bảo tàng Trường thọ duy nhất trên thế giới.
Theo Azer Tag, hãng thông tấn của Azerbaijan, từng có thời điểm Lerik là nơi sinh sống của hơn 500 người sống trên trăm tuổi, chiếm khoảng 1% dân số toàn quốc. Con số đó giảm xuống còn khoảng 100 trong số khoảng 63.000 cư dân và chỉ còn hơn 20 người sống trăm tuổi được biết đến ngày nay. Số lượng người sống trăm tuổi giảm mạnh thường được cho là do các yếu tố liên quan đến cuộc sống hiện đại, chẳng hạn như ô nhiễm, thực phẩm chế biến sẵn và căng thẳng.
Lerik, thuộc dãy núi Talysh ở miền nam Azerbaijan, nổi tiếng với số lượng người sống trên trăm tuổi rất cao.
Tuy nhiên, danh tiếng của Lerik như một vùng đất trường thọ vẫn tồn tại qua lịch sử và những người sống trăm tuổi như cụ ông Shirali Muslumov đã trở thành một huyền thoại tại đây. Muslumov qua đời năm 1973 nhưng không ai biết chính xác ông thực sự sinh năm bao nhiêu. Theo lời của Muslumov, ông sinh năm 1805, tức là đến khi qua đời ông đã 168 tuổi, hơn người đàn ông già nhất thế giới đã được chứng thực 52 tuổi và hơn người phụ nữ già nhất từng được biết đến là 46 tuổi.
Muslumov tuyên bố ông đã xuất hiện trên cuộc đời khi loài hổ Caspi (hiện đã tuyệt chủng) còn xuất hiện phổ biến ở dãy núi Talysh và khi bắt cóc cô dâu còn là một tục lệ. Được biết, năm 80 tuổi, ông còn có một người con với người vợ thứ hai 36 tuổi, tổng số hậu duệ của ông có tới 330 người kéo dài thành 5 thế hệ.
Người đàn ông sống lâu nhất thế giới Shirali Muslumov được biết sống thọ tới 168 tuổi.
Anh trai của Muslumov, Mahmüd Eyvazov, được cho là đã sống đến 150 tuổi và vợ của ông, Gizil Guliyeva cũng sống đến 120 tuổi. Một trong những người con gái của ông vẫn sống ở Lerik và thừa hưởng gen của cha, bà đã 95 tuổi và vẫn rất khỏe mạnh.
Shirali Muslumov, người sống trăm tuổi nổi tiếng nhất của Lerik trở nên nổi tiếng thế giới đã thu hút sự chú ý của bác sĩ Alexander Leaf, Đại học Harvard (Mỹ) đến thăm vùng đất này vào năm 1973 để tìm hiểu bí quyết trường thọ. Tại đây, bác sĩ Alexander Leaf phát hiện ra một nông dân 117 tuổi vẫn làm việc trên cánh đồng, một người chăn cừu 108 tuổi nói rằng cả cuộc đời chẳng bao giờ gặp căng thẳng và nhiều người khác cũng xác nhận rằng có điều gì đó đặc biệt ở nơi này.
Thật không may, danh tiếng về tuổi thọ dường như đã gây hại cho vùng đất Lerik nhiều hơn có lợi. Nó đã mở ra cánh cửa để khu vực miền núi này tiếp xúc với thế giới bên ngoài và tất cả những cám dỗ của đời sống hiện đại. Mặc dù các sản phẩm tươi sống, các sản phẩm từ sữa và thịt có nguồn gốc địa phương vẫn có sẵn, nhưng giờ đây chúng bị lu mờ bởi các thanh sô cô la và đồ uống có đường khác, cũng như rượu vodka và đồ uống có cồn.
Cho tới nay, vẫn chưa ai rõ liệu người dân Lerik có tuổi thọ cao chỉ nhờ một yếu tố hay là sự kết hợp của nhiều yếu tố như cuộc sống vô lo nghĩ, không khí trong lành trên núi hay chế độ ăn uống sạch sẽ, nhưng dường như có điều gì đó đã thay đổi ở vùng đất này.
Làm thế nào để kéo dài tuổi thọ?
Dù không biết bí quyết sống thọ của người dân Lerik chính xác là gì nhưng có một số thói quen đã được khoa học chứng minh có thể giúp con người sống lâu và khỏe mạnh hơn. Trang tin CNN đã tổng hợp 9 thói quen lành mạnh giúp nâng cao tuổi thọ.
1. Khám sức khỏe định kỳ
Tiến sĩ Leana Wen, nhà phân tích y tế của CNN cho biết những người trẻ tuổi có xu hướng mắc ít bệnh mãn tính hơn những người lớn tuổi, nhưng phòng ngừa mới là chìa khóa. “Ví dụ, nếu bạn sàng lọc dương tính với tiền tiểu đường, bạn có thể thực hiện các bước để ngăn ngừa nó tiến triển thành bệnh tiểu đường", tiến sĩ Leana Wen nói.
Thời điểm tốt nhất để gặp bác sĩ không phải là khi bạn đã có các triệu chứng và cần được giúp đỡ mà là xây dựng và thiết lập mối quan hệ đó một cách thường xuyên để bác sĩ có thể nắm được thông tin cơ bản về sức khỏe của bạn.
2. Hoạt động thể chất thường xuyên
Hoạt động thể chất đầy đủ có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, béo phì, tăng huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.
Bác sĩ Nieca Goldberg, giám đốc y tế của Atria New York City và phó giáo sư y khoa lâm sàng tại Đại học New York Grossman cho biết: “Có rất nhiều nghiên cứu ủng hộ việc tập thể dục thường xuyên để không chỉ sống lâu hơn mà còn duy trì chức năng nhận thức lâu hơn”.
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến nghị rằng người trưởng thành nên có ít nhất 150 phút (2 tiếng rưỡi) hoạt động thể chất từ trung bình đến mạnh mỗi tuần.
3. Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, chỉ số khối cơ thể BMI đo lượng mỡ trong cơ thể để đánh giá loại cân nặng của một người và nguy cơ tiềm ẩn đối với các vấn đề sức khỏe.
Một nghiên cứu năm 2018 cho thấy duy trì chỉ số BMI khỏe mạnh có thể kéo dài tuổi thọ của bạn thêm hơn một thập kỷ và có liên quan đến nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và ung thư thấp hơn. Hoạt động thể chất thường xuyên và ăn thực phẩm lành mạnh có thể giúp bạn đạt được mục tiêu này.
4. Dinh dưỡng hợp lý
Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật sẽ cung cấp một nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS Medicine, bạn có thể kéo dài tuổi thọ của mình bằng cách ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, đồng thời ăn nhiều trái cây, rau, đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
Nếu bạn thực hiện điều này từ sớm sẽ rất có lợi cho tương lại, phụ nữ bắt đầu ăn uống lành mạnh ở tuổi 20 có thể tăng tuổi thọ lên hơn 10 năm còn nam giới có thể thêm 13 năm tuổi thọ.
5. Chú ý đến sức khỏe tinh thần
Sức khỏe tâm thần thường bị bỏ qua nhưng thực sự nó đóng góp một phần rất lớn cho sức khỏe. Căng thẳng và lo lắng có thể ảnh hưởng đến huyết áp, giấc ngủ, lựa chọn chế độ ăn uống,...
Các chuyên gia cho biết chỉ dành ra 15 phút để "vệ sinh" sức khỏe tinh thần có thể giúp cuộc sống của bạn dễ dàng hơn. Ngoài ra, có thể giảm mức độ cortisol, loại hormone gây căng thẳng có liên quan đến các biến chứng về sức khỏe.
6. Ngủ nhiều
Những người ngủ ít hơn 7 tiếng mỗi đêm có xu hướng có lượng hormone gây căng thẳng, lượng đường trong máu và huyết áp cao hơn.
Bạn có thể cải thiện chất lượng và số lượng giấc ngủ bằng cách tập thể dục thường xuyên và đảo bảo giấc ngủ tốt. Giữ cho phòng ngủ tối, yên tĩnh và mát mẻ vào ban đêm để dễ ngủ hơn.
7. Uống ít rượu bia hơn
Uống nhiều rượu thực sự có thể là một chất độc trực tiếp đến cơ tim và dẫn đến suy tim. Và nó cũng làm tăng lượng đường trong máu và gây tăng cân.
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy tránh uống quá nhiều rượu có thể kéo dài tuổi thọ của bạn ít nhất vài năm bằng cách giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư và các bệnh mãn tính khác .
8. Không hút thuốc
Hút thuốc là một yếu tố rủi ro chính làm tăng khả năng mắc nhiều bệnh ung thư không chỉ ung thư phổi mà còn cả những thứ như ung thư vú. Nó cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và các tình trạng khác khiến cuộc sống của con người bị rút ngắn.
Nếu bạn là người hút thuốc thường xuyên, thì vẫn chưa quá muộn để bỏ thuốc lá.
9. Xây dựng mối quan hệ bền chặt
Các chuyên gia đã nói rằng có những mối quan hệ thân thiết, tích cực sẽ mang lại hạnh phúc và sự thoải mái cho cuộc sống của chúng ta cũng như giảm bớt căng thẳng. Theo Harvard Health, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có mối quan hệ hài lòng với gia đình, bạn bè và cộng đồng sẽ ít gặp vấn đề về sức khỏe hơn, sống lâu hơn và ít bị trầm cảm cũng như suy giảm nhận thức hơn trong cuộc sống .
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn