Nhắc tới thành phần dinh dưỡng của khoai tây, nhiều người nghĩ ngay tới tinh bột nhưng thực chất loại củ này còn chứa rất nhiều vitamin, khoáng chất khác. Bên cạnh đó, khoai tây còn cung cấp nhiều protein cùng nhiều hóa chất thực vật như carotene và phenol tự nhiên, chất chống oxy hóa.
Khoai tây có nhiều loại và đa dạng cách chế biến, tốt cho sức khỏe cũng như làm đẹp (Ảnh minh họa)
Nhờ vậy, nếu ăn khoai tây điều độ và đúng cách, chúng ta sẽ nhận được rất nhiều lợi ích sức khỏe và làm đẹp. Nổi bật như:
1. Tốt cho não bộ
Khoai tây thậm chí được ví von như “nhân sâm bình dân” cho sức khỏe não bộ. Theo Trung tâm Y tế Đại học Maryland (Hoa Kỳ), lượng vitamin B6 dồi dào trong khoai tây giúp sản sinh ra các chất có lợi cho não. Nổi bật nhất là serotonin, melatonin, epinephrine, norepinephrine và dopamine, có thể duy trì sức khỏe thần kinh. Nhờ vậy mà ăn khoai tây có thể giúp ngăn ngừa trầm cảm, giảm căng thẳng và cải thiện sự tập trung, trí nhớ, tăng cường lưu thông máu não và làm chậm lão hóa não bộ.
2. Tăng cường miễn dịch
Trong khoai tây rất giàu Vitamin C, với một củ khoai tây cỡ trung bình chứa khoảng 45% lượng vitamin C cơ thể cần trong một ngày. Nó lại chứa nhiều protein và chất chống oxy hóa nên rất tốt cho tăng cường miễn dịch. Đặc biệt, loại củ này cũng giàu chất kháng viêm và hóa chất cần thiết cho hệ miễn dịch như sắt, canxi, kali… Nhờ vậy mà ăn khoai tây điều độ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh cảm vặt, sự tấn công của virus, vi khuẩn gây bệnh.
3. Giảm nguy cơ mắc ung thư
Khoai tây chứa chất chống oxy hóa flavonoid zeaxanthin, carotene, vitamin A và hợp chất hóa học quercetin. Những chất này có thể giúp ngăn ngừa tế bào ung thư phát triển. Trong đó, khoai tây đỏ và nâu đỏ có tác dụng tốt nhất do chúng chứa lượng lớn chất chống oxy hóa flavonoid cao nhất trong các loại khoai tây.
4. Cải thiện tiêu hóa
Lượng carbohydrate có trong khoai tây làm cho chúng trở thành loại củ rất dễ tiêu hóa và chất xơ đặc biệt của khoai tây cũng giúp dạ dày tiêu hóa tốt hơn. Khoai tây cũng có thể giúp bạn phục hồi nhanh chóng từ bệnh tiêu chảy, nhất là tình trạng mất nước vì chúng giàu kali. Tính kiềm và kháng viêm của loại củ này còn giúp làm dịu loét dạ dày và tá tràng, cũng như làm giảm axit dạ dày.
5. Tốt cho tim mạch
Khoai tây rất tốt cho sức khỏe tim mạch do chất xơ cũng giúp làm giảm cholesterol trong các mạch máu. Ngoài ra, vitamin C và B6 còn giúp giảm thiểu lượng gốc tự do, carotenoid giúp duy trì sự hoạt động ổn định của tim mạch. Lượng kali, sắt và chất chống oxy hóa trong khoai tây góp phần rất lớn vào việc tăng lưu thông máu, giảm huyết áp và nuôi dưỡng trái tim.
6. Kiểm soát đường huyết
Khoai tây có thành phần chủ yếu là carbohydrate, tồn tại dưới dạng tinh bột và lượng đường chứa trong khoai tây là oligosaccharide. Tinh bột kháng có thể cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và giảm lượng đường trong máu tăng sau bữa ăn. Khoai tây để nguội, nhất là ăn cả vỏ có thể cung cấp lượng tinh bột kháng cao hơn khoai tây nóng. Ngoài ra, trong khoai có chứa chất xơ và axit alpha-lipoic, hai hoạt chất có khả năng chuyển hóa glucose và giúp kiểm soát lượng đường trong máu rất tốt nếu ăn vừa phải.
7. Tốt cho mắt và xương
Khoai tây là loại củ nhiều lutein, nhất là ở khoai tây ruột vàng. Đây là một chất chống oxy hóa carotene, giúp tăng cường sức khỏe của mắt, phòng nhiều bệnh về mắt. Đối với xương, khoai tây góp phần vào việc xây dựng và duy trì cấu trúc cũng như sức mạnh của xương nhờ giàu canxi, photpho, magie, kẽm. Nó cũng chứa thành phần kháng viêm giúp ngăn ngừa, giảm tình trạng viêm khớp.
8. Tác dụng làm đẹp của khoai tây
Nói về lợi ích làm đẹp của khoai tây thì nổi bật nhất là dưỡng da, chống lão hóa. Vitamin C, B6 và các khoáng chất có trong loại củ này giúp da luôn mịn màng, mềm mại. Vitamin C còn là một trong những chất chống oxy hóa giúp chống lại tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra, ngăn ngừa lão hóa da sớm và giúp giảm viêm mãn tính, giảm mụn.
Ngoài ra, hoạt chất catecholase, chất chống viêm có trong khoai tây sẽ ngăn ngừa tình trạng sưng phù mắt, giảm bọng mắt. Khoai tây giàu sắt và kẽm còn có thể góp phần giúp tóc và móng chắc khỏe hơn. Nếu ăn điều độ và chế biến ít dầu mỡ, khoai tây cũng có thể hỗ trợ giảm cân hiệu quả.
Cũng giống như các loại thực phẩm khác, lợi ích của khoai tây phụ thuộc rất nhiều vào cách chế biến và lượng ăn hàng ngày. Theo Tạp chí Dinh dưỡng Hoa Kỳ, ăn quá nhiều khoai tây có thể gây tăng cân, tăng nguy cơ mắc một số bệnh rối loạn chuyển hóa do lượng tinh bột quá cao. Các cách chế biến như chiên rán, quá nhiều đường hay muối cũng không tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt là không ăn khoai tây nhiều đốm đen hoặc đã mọc mầm. Thay vào đó, cách ăn khoai tây tốt nhất là luộc hoặc hấp. Ngoài ra, phần vỏ của khoai tây chứa nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C, chất xơ, vitamin nhóm B, khoáng chất… nhưng lại thường bị vứt bỏ.
Những người có chức năng thận kém, dễ bị đầy hơi hoặc có huyết áp thấp cần hạn chế ăn loại củ này. Người đang điều trị tiểu đường cũng không nên ăn quá nhiều. Những người muốn giảm cân cũng không được ăn khoai tây vô tội vạ, ăn thay bữa chính.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn