Cụ thể hóa phong trào thi đua để mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ

14:44 | 18/09/2020;
Phát biểu tham luận tại Đại hội Thi đua yêu nước MTTQVN, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, Hội luôn bám sát chủ trương của Đảng, nhiệm vụ chính trị của đất nước, lựa chọn nội dung thi đua cụ thể, mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ.

Sáng nay (18/9), Đại hội Thi đua yêu nước Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giai đoạn 2020-2025 lần đầu được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với 64 điểm cầu trong cả nước với hơn 1.500 đại biểu.

Phát biểu tại điểm cầu Hà Nội, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga cho biết: Hưởng ứng Phong trào thi đua và các cuộc vận động do MTTQ phát động, Hội LHPNVN lựa chọn nội dung thi đua cụ thể, bám sát chủ trương của Đảng, nhiệm vụ chính trị của đất nước, mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ. Cụ thể như: tiếp tục triển khai phong trào thi đua "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc".

Bằng nhiều hoạt động, cách làm đổi mới khuyến khích phụ nữ tích cực học tập nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp; khuyến khích phụ nữ sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong lao động, sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục triển khai Cuộc vận động"Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch. Đối với Cuộc vận động"Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" thông qua đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ gắn với vận động, hỗ trợ phụ nữ thực hiện "sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch", khởi nghiệp, tham gia tổ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hoá góp phần xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam…

Cùng với đó, Hội LHPNVN ký kết 5 chương trình phối hợp với UBTƯ MTTQ Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực: Đối ngoại nhân dân; giám sát thực hiện công tác bầu cử; công tác cán bộ nữ; chính sách người có công; an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Các chương trình phối hợp đã đạt được nhiều kết quả cụ thể. Qua đó đã kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung, điều chỉnh  đảm bảo thực hiện đúng chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, của hội viên phụ nữ, qua đó góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khích lệ động viên các tầng lớp nhân dân tiếp tục đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm kinh nghiệm thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động của MTTQVN - Ảnh 1.

Toàn cảnh Đại hội Thi đua yêu nước MTTQVN

Qua triển khai phong trào thi đua, các cuộc vận động, Chủ tịch Hội LHPNVN chia sẻ một số kinh nghiệm được rút ra, cụ thể:

Một là, việc phát động phong trào thi đua phải bám sát chủ trương của Đảng, các phong trào thi đua yêu nước của Nhà nước và UBTƯ MTTQVN. Nội dung thi đua càng thiết thực, phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu thực tế của hội viên, phụ nữ thì nhận được sự ủng hộ và hiệu quả càng cao. Bên cạnh phong trào thi đua, cuộc vận động theo giai đoạn, cần chú trọng các đợt thi đua ngắn hạn nhằm tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách, cụ thể như: thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid -19 vừa qua đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân…

Hai là, luôn coi trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để cán bộ, hội viên, phụ nữ hiểu ý nghĩa của thi đua từ đó khuyến khích, thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của các cấp Hội và phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động.  

Ba là, cần có sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, nhất là sự hiệp thương thống nhất hành động giữa MTTQ và các tổ chức thành viên trong triển khai phong trào thi đua, các cuộc vận động để tránh sự chồng chéo về nội dung, đối tượng đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa, nhân rộng các điển hình tiêu biểu.

Bốn là, chú trọng phát hiện điển hình trong phong trào quần chúng để kịp thời biểu dương, nhân rộng; có sự đầu tư xây dựng các mô hình, điển hình tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động; kịp thời tuyên truyền, giới thiệu điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực.

Năm là, gắn kết chặt chẽ thi đua với khen thưởng; khen thưởng đúng người, đúng việc, đúng thời điểm, cần đa dạng hoá các hình thức khen thưởng trong những bối cảnh cụ thể để kịp thời ghi nhận, biểu dương các tập thể, cá nhân tích cực trong phong trào thi đua và các cuộc vận động.

Qua thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động, đến nay đã có:

+ Hơn 10,7 triệu gia đình hội viên phụ nữ đạt 8 tiêu chí gia đình "5 không, 3 sạch";

+ Hơn 2 triệu lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội giúp đỡ, trong đó gần 300 nghìn hộ đã thoát nghèo;

+ Hơn 11 triệu hội viên phụ nữ đã tham gia hoạt động tiết kiệm, huy động được 8,6 nghìn tỷ đồng, cho trên 1,2 triệu lượt phụ nữ vay;

+ Huy động nguồn lực khoảng 110 tỷ đồng hỗ trợ phụ nữ 155 xã biên giới khó khăn của cả nước;

+ Có 7.640 phụ nữ có ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp được Hội hỗ trợ vay vốn với số tiền 85,3 tỷ đồng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn