Tại hội trường, đại biểu Đỗ Thị Lan - ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại kỳ họp thứ 4, cử tri tỉnh Quảng Ninh đã kiến nghị cần thay đổi phương pháp tính giá điện sinh hoạt cho người dân. Theo đó, thay vì phương pháp tính giá điện 6 bậc thì áp dụng thống nhất một giá bán điện sẽ tốt hơn cho công tác quản lý và bảo đảm được quyền lợi, lợi ích của người dân.
Cử tri Quảng Ninh cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương đánh giá, xem xét lại phương pháp tính giá điện sinh hoạt của người dân theo hướng quy định thống nhất một bậc.
Bộ Công Thương đã có văn bản trả lời: Bộ đã nghiên cứu phương án cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt cho khách hàng, tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 28 năm 2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN thuê tư vấn nghiên cứu và có báo cáo gửi Bộ Công Thương đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt; trong đó có đề xuất 3 phương án rút gọn từ 6 bậc xuống thành 3 bậc, 4 bậc và 5 bậc.
Tuy nhiên, đến ngày 4/5, biểu giá điện sinh hoạt kèm theo Quyết định 1062 của Bộ Tài chính vẫn không có sự thay đổi so với cách tính giá bán điện trước đây, vẫn thực hiện 6 bậc, tính giá điện tương ứng với số kWh điện sử dụng trên tháng.
"Trước kỳ họp thứ 5, cử tri tỉnh Quảng Ninh tiếp tục kiến nghị với các đại biểu Quốc hội về việc tăng giá điện. Cử tri cho rằng, việc tăng giá điện sinh hoạt do một số nguyên nhân Tập đoàn EVN có lỗ lớn, kéo dài và do tổn thất của điện năng là chưa phù hợp", đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết.
Do đó, cử tri đề nghị cần được xem xét bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp hơn cách tính giá điện sinh hoạt. Cần báo cáo rõ Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế như thế nào, giải pháp cắt giảm chi phí, giảm giá thành sản điện sản xuất…
Từ kiến nghị của cử tri, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Tập đoàn Điện lực Việt Nam báo cáo rõ để cử tri được biết việc đánh giá tác động trước khi thực hiện tăng giá điện, phương pháp tính giá bán lẻ điện sinh hoạt. Đồng thời, cần làm rõ có việc bù chéo giá điện sinh hoạt cho giá điện sản xuất không?
Đây là lần đầu tiên Quốc hội quyết định thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu bày tỏ việc thống nhất cao với báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và đánh giá nội dung thảo luận về giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri là một sự đổi mới để Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết hơn với cử tri hơn.
Góp ý tại hội trường, đại biểu Lý Tiết Hạnh - ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, cần có cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành để giải quyết kiến nghị cử tri. "Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến các cơ quan chức năng, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến nhiều bộ, ngành chưa được giải quyết dứt điểm", đại biểu này nêu.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, bên cạnh cơ chế phối hợp, cần quy định rõ trách nhiệm chủ trì trong việc giải quyết những kiến nghị có liên quan đến nhiều bộ, ngành, đặc biệt là những kiến nghị liên quan đến chính sách.
Đồng thời đại biểu kiến nghị khi triển khai những chính sách, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, cân nhắc xem xét những tác động trực tiếp, gián tiếp để có những quy định hợp lý ngay từ đầu, góp phần giảm thiểu những khiếu nại, khiếu kiện.
Trong quá trình thực hiện, cần tăng cường vai trò giám sát để kịp thời phát hiện những vướng mắc, có cơ chế điều chỉnh, bổ sung.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh cũng đề nghị để đảm bảo theo dõi tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, giám sát các kiến nghị cần có danh mục các kiến nghị và liên thông với các đoàn đại biểu Quốc hội để Quốc hội theo dõi, giám sát các kiến nghị này đến cùng và để các đại biểu Quốc hội có thể trả lời các cử tri.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn