Các đại biểu dự buổi tiếp xúc gồm ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM; bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM.
Tại buổi tiếp xúc, người dân đã đặt nhiều câu hỏi đề nghị làm rõ các vấn đề như vị trí của khu tái định cư 160 ha theo quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng; khiếu nại với cơ quan chức năng việc 5 khu phố thuộc 3 phường (Bình An, An Khánh và Bình Khánh) không thuộc ranh Khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Có cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội đưa vấn đề Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội để Quốc hội có nghị quyết giám sát, theo dõi vụ Thủ Thiêm vì vụ việc đã kéo dài trong thời gian quá dài.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM ghi nhận nhiều nội dung ý kiến của các cử tri về việc thực hiện quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Về diện tích 160 ha đất tái định cư theo quyết định 367 của Thủ tướng Chính phủ, ông Khuê cho biết, tổ đại biểu đã tiếp nhận ý kiến của người dân và truyền đạt đến cơ quan chức năng.
Theo ông Khuê, ý kiến của cử tri mong muốn được minh bạch và rõ ràng về 160 ha mà theo quyết định 367 của Thủ tướng là để bố trí tái định cư liền kề với khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Vậy số đất đó đang xử lý và giải quyết ra sao, cần trả lời cho người dân rõ” - ông Khuê nói cử tri mong muốn như thế và tổ đại biểu Quốc hội đã có báo cáo. Hiện nay, các cơ quan liên quan đang thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, vừa thống kê vừa nắm lại hiện trạng, xem từng giai đoạn các dự án đó giải quyết ra sao.
“Cử tri nói giờ 160 ha đó đi đâu? Nó không thể trôi ra sông ra biển được” - ông Khuê nói và hứa sẽ báo cáo lại với các cơ quan liên quan, từ đó sẽ giám sát vấn đề này. Khi cơ quan chức năng có nội dung báo cáo cụ thể thì sẽ thông tin lại cho người dân.
Về ý kiến cử tri gửi gắm muốn Quốc hội được nghe báo cáo đầy đủ về tình hình dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Khuê cho biết, những phản ánh của cư tri lần này sẽ được tổ đại biểu Quốc hội báo cáo lên Ủy ban Dân nguyện Quốc hội. Để đưa vấn đề Thủ Thiêm ra Quốc hội hay không, thẩm quyền này thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, và tổ đại biểu sẽ cố gắng đề đạt nguyện vọng của của cử tri.
Liên quan đến các dự án treo lâu năm trên địa bàn TP.HCM, ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng đề nghị UBND TP.HCM phải có thái độ dứt khoát, hủy bỏ hoặc thu hồi, xóa quy hoạch đối với các dự án treo quá dài, bởi vì như vậy nó treo luôn cả cuộc sống của người dân trong dự án đó, không cải thiện được chỗ ở và phát triển quy hoạch, địa phương cũng gặp khó khăn.
Trước đó, vào ngày 6/10, HĐND TP.HCM khóa IX đã tổ chức kỳ họp thứ 16 (kỳ họp bất thường) thông qua tờ trình về chủ trương xây dựng chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư bổ sung với người dân thuộc khu phố 4,3 ha ở khu phố 1, phường Bình An, quận 2.
Theo tờ trình của UBND TP, tổng số hồ sơ nằm trong khu 4,3 ha là 331 hộ. Chính quyền đã tiếp xúc, lấy ý kiến 308 hộ dân (23 hộ có mời nhưng không đến hoặc không liên lạc được). Kết quả, 172 hộ (55,8%) đồng ý với chính sách dự kiến, 108 hộ (35%) cơ bản đồng ý với chính sách dự kiến nhưng đề nghị xem xét, làm rõ thêm một số nội dung trong chính sách. Có 27 hộ (8,7%) không đồng ý với chính sách dự kiến và có một hộ đến tiếp xúc nhưng không đồng ý ký biên bản.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, việc xây dựng chính sách nêu trên là nội dung phát sinh hoàn toàn mới, mang tính chất bổ sung đối với các hộ dân trong khu đất 4,3 ha mà thành phố cần phải thực hiện theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ.
Hiện nay, UBND TP.HCM đang tập trung giải quyết 3 vấn đề lớn liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đó là những vấn đề liên quan đến khu đất 4,3 ha; những nội dung liên quan đến 5 khu phố ở 3 phường và giải quyết các khiếu nại của một số hộ dân khiếu nại về chính sách bồi thường.
Theo ông Hoan, về cơ bản việc tính toán quỹ nhà, nền đất tái định cư đã đảm bảo đủ để bố trí cho người dân khu 4,3 ha. Thời hạn bắt đầu bồi thường, hỗ trợ bổ sung sẽ được tính toán kỹ lưỡng, lấy ý kiến từng hộ dân.