Các cửa sổ loại này có các tế bào năng lượng mặt trời được lắp trong các cạnh theo một góc độ phù hợp cho phép ánh sáng mặt trời chuyển thành điện một cách hiệu quả nhất. Ferdinand Grapperhaus, đồng sáng lập và giám đốc điều hành của Physee - công ty start up nói trên, cho biết:
"Những trung tâm thương mại lớn tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Nếu bạn muốn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, bạn sẽ không bao giờ có đủ bề mặt mái nhà. Do đó, dựa vào các mặt tiền của tòa nhà sẽ góp phần đáng kể vào giải pháp này".
Theo Grapperhaus, những cửa sổ này có thể tạo ra 8 đến 10 watt điện. Cửa sổ PowerWindows của Physee được lắp đặt lần đầu tiên vào tháng 6/2017 tại Eindhoven, phía nam Hà Lan. Trụ sở chính của Rabobank, ngân hàng lớn nhất của Hà Lan, đã được trang bị khoảng 30m2 PowerWindows.
Nhân viên của ngân hàng thậm chí còn có thể sạc điện thoại từ cửa sổ bằng cách sử dụng cổng USB, theo Physee. Các tòa nhà khác ở Hà Lan đã xếp hàng để được sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời sáng tạo này.
Sản phẩm này đã giúp Physee lọt vào Danh sách những Nhà tiên phong Công nghệ Thế giới vào năm 2017. Vào cuối tháng 6/2017, trụ sở chính của một tổ chức từ thiện ở Amsterdam có tên Postcode Lottery đã được trang bị PowerWindows.
Sau đó, Physee tiếp tục triển khai dự án quy mô lớn đầu tiên của mình: một tòa nhà rộng khoảng 1.800m2 trong một khu dân cư lớn được xây dựng mới ở Amsterdam - tháp Bold.
Grapperhaus cho biết, chi phí của hệ thống dẫn điện từ lưới điện đến các cửa sổ như vậy là khá cao đối với các dự án trung tâm thương mại lớn, như vậy đầu tư vào các cửa sổ tạo ra điện sẽ kinh tế hơn nhiều.
Physee đang nghiên cứu một công nghệ mới, thế hệ tiếp theo để có thể tăng gấp ba hiệu quả của PowerWindows. Bề mặt của thế hệ thứ hai của PowerWindows sẽ được phủ một vật liệu đặc biệt chuyển đổi ánh sáng nhìn thấy thành ánh sáng có bước sóng gần hồng ngoại, sau đó được chuyển tới các pin mặt trời ở các cạnh của cửa sổ.
"Nó hoạt động tương tự như một ngôi sao phát sáng" - Grapperhaus cho biết - "Sự khác biệt là ngôi sao phát sáng phát ra bước sóng màu xanh lá cây, nhưng lớp phủ trên cửa sổ của chúng ta phát ra ánh sáng ở bước sóng gần hồng ngoại". Lớp phủ này được dựa trên kim loại đất hiếm của thulium.
Grapperhaus, cùng với người bạn Willem Kesteloo, đã phát hiện ra tính chất của thulium có thể biến đổi một quang phổ rộng của ánh sáng thành ánh sáng cận hồng ngoại vào năm 2014, trong các nghiên cứu của họ tại Đại học Công nghệ Delft.
Grapperhaus cho biết: "Theo thời gian, hiệu quả của phát minh này sẽ được cải thiện hơn do sự phát triển của các tế bào năng lượng mặt trời tốt hơn và nguyên lý tính kinh tế dựa vào quy mô.
Ngay bây giờ, chúng tôi đang tìm kiếm các dự án mang tính biểu tượng trên toàn thế giới để cho mọi người thấy rằng, một tòa nhà kính lớn có thể tiết kiệm năng lượng nhưng vẫn vô cùng tráng lệ".
Physee là một trong số 30 nhà tiên phong về công nghệ giai đoạn đầu được vinh danh vào năm 2017 và đã được Diễn đàn Kinh tế Thế giới lựa chọn vì tiềm năng thay đổi thế giới. Danh sách này được công bố ngày 14/6/2017, bao gồm các công ty phát triển các công nghệ khác nhau, như trí thông minh nhân tạo, các giải pháp an ninh mạng và công nghệ sinh học.
Sự hiện diện của Physee trong danh sách cho thấy thế giới đang bắt đầu nhìn nhận vấn đề thay đổi khí hậu một cách nghiêm túc, Grapperhaus nói.
Grapperhaus nói: "Cách đây 10 năm, người ta còn chưa nhìn nhận nghiêm túc về tính bền vững - không phải bởi các nhà đầu tư mạo hiểm, không phải của nhiều chính phủ và cả các tập đoàn lớn.
Nhưng những gì tôi thấy trong ba năm qua đã thay đổi, các tập đoàn đang ngày càng trở nên có trách nhiệm hơn, các chính phủ ngày càng ủng hộ và các nhà đầu tư mạo hiểm ngày càng quan tâm đến sự bền vững".