Cục Chăn nuôi đề xuất cấm chất tạo nạc gây ung thư Cysteamine

08:48 | 15/11/2016;
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đang soạn thảo Thông tư để đưa chất Cysteamine (Cys) - có chứa chất kích thích tăng trưởng vật nuôi và tạo nạc vào Danh mục chất cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi nhằm kiểm soát nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Trong khi chờ đợi Thông tư này được ban hành, Cục Chăn nuôi đề xuất trước mắt cần tăng cường các biện pháp quản lý nhập khẩu và lưu hành các sản phẩm thức ăn chăn nuôi có chứa chất Cys - chất kích thích, tăng trưởng vật nuôi. Gia tăng tần suất kiểm tra, phân tích chất Cys đối với các sản phẩm thức ăn chăn nuôi và sản phẩm chăn nuôi như: nước tiểu, thịt và phủ tạng. Các trường hợp bị phát hiện phải phạt nặng hết khung vi phạm theo Luật Xử lý vi phạm hành chính.

u4.jpg
Cục Chăn nuôi đề nghị cấm sử dụng chất Cysteamine trong chăn nuôi bắt đầu từ tháng 12/2016.

Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, đến thời điểm hiện tại, không có bất kỳ sản phẩm thức ăn chăn nuôi công bố có chất Cys được phép lưu hành tại Việt Nam. Song, để quản lý việc sử dụng chất Cys trong thời gian tới, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đề nghị: “Bộ nên đưa chất Cys vào danh mục cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.

tai.jpg

Tuy nhiên, để có thêm cơ sở khoa học và điều kiện quản lý trước khi cấm sử dụng, Cục Chăn nuôi kiến nghị Bộ trưởng cho phép chỉ định tạm thời một số phòng thử nghiệm phân tích chất Cys trong thức ăn chăn nuôi và sản phẩm vật nuôi để phục vụ kịp thời cho công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng Cys trong chăn nuôi; Giao Viện Thú y đưa nội dung nghiệp cứu sản xuất kít thử nhanh Cys trong chương trình hợp tác với Nhật Bản; triển khai 1 đề tài khoa học tại Việt Nam kết thúc ngay trong năm 2017 (giao Viện Chăn nuôi chủ trì thực hiện) để đánh giá sự tồn tại sẵn có của Cys trong tự nhiên (nguyên liệu thức ăn, sản phẩm chăn nuôi), đánh giá hiệu quả sử dụng và sự chuyển hóa Cys công nghiệp trong cơ thể vật nuôi.

Được biết, chất Cysteamine trong thức ăn chăn nuôi gây ung thư được các nước trên thế giới liệt vào danh sách chất cấm. Hiện Cysteamine là chất đã bị Liên minh châu Âu (EU) hoàn toàn cấm sử dụng làm phụ gia TĂCN. Chất này cũng không có mặt trong danh mục của tổ chức CODEX. Điều này có nghĩa rằng, chúng không được xem xét về mặt ý nghĩa dinh dưỡng cũng như xem xét về độc tính, cũng như không được phép thêm vào thực phẩm trong SX thuộc các nước EU.

Nhiều tổ chức về thú y ở các nước trên thế giới cũng chỉ khuyến cáo chỉ dùng Cysteamine để xử lý cho những trường hợp vật nuôi riêng lẻ, cụ thể, không dùng trong chăn nuôi đại trà thương mại. Tuy nhiên tại Trung Quốc, đây lại là chất đang được nước này cho phép sử dụng làm phụ gia TĂCN. Điều này lí giải vì sao các sản phẩm Cysteamine nhập lậu vào Việt Nam hiện nay là từ Trung Quốc.

Tại Việt Nam trước đây, Cysteamine đã từng được phép sử dụng, tuy nhiên xét thấy chất này có liên quan tới các yếu tố kích thích hoóc - môn tăng trưởng cũng như các nguy cơ sức khỏe con người, các nhà khoa học đã tư vấn và Bộ NN-PTNT quyết định cấm NK, lưu hành và sử dụng làm phụ gia TĂCN.

Tuy nhiên bằng nhiều con đường khác nhau, các sản phẩm này lâu vẫn thẩm lậu, tuồn vào tiêu thụ tại Việt Nam. Thậm chí có tình trạng Cysteamine khi nhập lậu về, sẽ được thay đổi bao bì nhãn mác thành các sản phẩm phụ gia, men tiêu hóa… để tiêu thụ trong nước. Nhiều trang trại chăn nuôi hay DN sản xuất thứ ăn chăn nuôi nhỏ vẫn đang âm thầm trộn chất này vào sản phẩm.

Bị ung thư nếu ăn thịt chứa Cysteamine lâu dài

Trao đổi với phóng viên, GS Vũ Duy Giảng – Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Cysteamine hay còn có các tên gọi khác như aminoethanethiol; thioethanolamine… là một hợp chất hóa học thường được sử dụng dưới dạng muối hydrochloride (có công thức phân tử C2H2ClNS). Đây là một chất có tác dụng kích thích tăng trọng liên quan tới hoóc - môn tăng trưởng, tăng tạo nạc đối với vật nuôi.

Trong thú y, Cysteamine nếu được kết hợp sử dụng với các thuốc dexamethasone và axit ascorbic điều trị một số bệnh rối loạn trao đổi chất như bệnh thở thơm và mất tính ham ăn ở bò và ngựa; viêm vú, viêm tử cung và mất sữa ở lợn nái. “Tuy nhiên, Cysteamine được sử dụng như một phụ gia thức ăn chăn nuôi để kích thích tăng trưởng thì những người ăn phải thịt chứa chất này trong một thời gian dài dễ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền, suy yếu hệ thống miễn dịch...” - GS Giảng chia sẻ.
chat-cysteamine-trong-thuc-an-chan-nuoi-gay-ung-thu-8-2141.png
 Chất Cysteamine dùng trong chăn nuôi gây nguy cơ ung thư nếu sử dụng trong thời gian dài
Được biết, các thí nghiệm thực hiện tại Trung Quốc cho thấy, khi cho gà thịt sử dụng chế phẩm Avianin (viên Cysteamine vi bọc, chịu nhiệt) với liều lượng 400mg/kg thức ăn, sẽ giúp gà thịt gia tăng tốc độ tăng trọng hàng ngày (ADG) từ 5-17%.

Các thí nghiệm bổ sung chế phẩm Porcinin (viên Cysteamine vi bọc, chịu nhiệt) trên lợn thịt giai đoạn sau cai sữa (35-63 ngày tuổi) với liều lượng 500mg/kg thức ăn có thể giúp lợn gia tăng tốc độ tăng trọng hàng ngày thêm 14% đến 33%. Đối với lợn thịt giai đoạn vỗ béo (từ 23kg đến xuất bán), nếu sử dụng bổ sung chế phẩm Porcinin với liều lượng 400mg/kg thức ăn cho thấy giúp chỉ số ADG tăng thêm 12%, đồng thời giúp tăng tỷ lệ nạc thêm 4,6% và giảm 8,5% lượng mỡ…

Cysteamine rất hữu dụng đối với cả y học và ngành chăn nuôi. Ở người, Cysteamine đã được sử dụng trong y học từ năm 1994 để điều trị bệnh một số bệnh liên quan đến thận, cơ, tuyến giáp, não và mắt. Gần đây, Cysteamine được sử dụng để điều trị những rối loạn suy giảm thần kinh do di truyền trong các bệnh Huntington và Parkinson. Ngoài ra, Cysteamine cũng được dùng đến như một hoạt chất chống lại tác dụng độc của kim loại nặng, tác dụng độc do quá liều của acetaminophen và một số hóa chất khác.

                                                                                          (Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam/Dân Việt)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn