Vào năm 2019, Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang phản ánh về hai trường hợp nam giới bị ngộ độc rượu ấu tẩu với các biểu hiện lơ mơ, vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch khó bắt, lưỡi tụt, huyết áp tụt, hoa mắt chóng mặt... Gia đình cho biết, hai bệnh nhân này vừa uống rượu tự ngâm từ củ ấu tẩu. Sau khi uống khoảng 15 phút, bệnh nhân cảm thấy bị tê lưỡi, nóng mặt, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn, đau tức ngực dữ dội nên gia đình đã nhanh chóng đưa đi cấp cứu.
Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định cả hai trường hợp trên bị ngộ độc do uống rượu ngâm củ ấu tẩu. Đây là trường hợp tương đối nặng vì đã có lúc bệnh nhân bị ngừng thở kéo dài. Sau khi tích cực cấp cứu bằng các phương pháp thở máy, rửa dạ dày, dùng thuốc, bù dịch, sốc điện... thì bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.
Mới đây, ngày 17/10, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận 2 bệnh nhân nam ngộ độc methanol do uống rượu mua trên mạng. Điều này cho thấy, các loại rượu tự ngâm hoặc mua rượu trôi nổi đều tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đến sức khỏe của người uống.
Trường hợp ngộ độc rượu tự ngâm từ củ ấu tẩu, các bác sĩ điều trị cho biết: Củ ấu tẩu hay còn gọi là ấu tàu có chứa chất độc bảng A tức là loại cực độc và nguy hiểm đến tính mạng của người dùng.
Tuy nhiên, trong Đông y đây lại là một vị thuốc quý xếp hàng thứ 4 trong tứ đại danh dược bao gồm Sâm - Nhung - Quế - Phụ, nếu được bào chế đúng cách để ngâm rượu thì chúng có công dụng rất tốt trong việc xoa bóp chữa đau tê nhức mỏi, rất tốt với người bị bệnh xương khớp. Tuy nhiên, hoạt chất aconitin là một chất siêu độc, cho nên đây lại là một loại rượu tự ngâm rất nguy hiểm.
Ngộ độc rượu tự ngâm từ củ ấu tẩu cũng đi kèm các triệu chứng như:
- Lơ sợ, khó chịu
- Buồn tay chân, buồn nôn hoặc nôn
- Thở chậm
- Tăng tiết nước bọt
- Ứ đọng khí phế quản, ngừng thở
- Rối loạn nhịp tim hoặc thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Các bác sĩ cũng cho biết, nhiều người chủ quan đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thường thiếu hiểu biết trong việc an toàn thực phẩm và chế biến rượu, chế biến thức ăn. Củ ấu tẩu ở nhiều địa phương còn là một thức ăn quen thuộc vì họ cho rằng đây là một loại thực phẩm có công dụng bồi bổ sức khỏe. Tuy nhiên củ ấu tẩu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng.
Khi sử dụng các chế phẩm từ ấu tẩu cần hết sức cẩn trọng và tuân thủ theo hướng dẫn của thầy thuốc có chuyên môn, tuyệt đối không tự chế biến củ ấu tẩu làm thức ăn hoặc ngâm rượu nếu không biết cách loại bỏ độc tố.
Cục An toàn thực phẩm cũng cho biết, từ đầu năm 2020 đã ghi nhận nhiều trường hợp ngộ độc rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự ngâm hoặc rượu chứa methanol như trường hợp 3 thanh niên ngộ độc nặng khi mua rượu trên mạng vào ngày 17/10 vừa qua.
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên sử dụng các loại cây, củ, rễ hoặc động vật để ngâm rượu do nhiều loại trong số đó có thể chứa độc tố tự nhiên gây hại cho cơ thể. Không sử dụng rượu trôi nổi, cần được kiểm định rõ về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ.
Ở Việt Nam, phần lớn bệnh nhân ngộ độc rượu đa phần đến bệnh viện muộn và nhiều bệnh nhân đã bị tổn thương não, mắt, nguy cơ tử vong lên đến 50%. Nếu bệnh nhân qua khỏi thì cũng dễ bị các di chứng về sau. Chưa kể việc ngộ độc rượu hay uống quá nhiều rượu cũng gây ra nhiều di chứng như viêm gan, xơ gan cổ trướng, ung thư gan, ung thư dạ dày...
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn