Cung cấp kiến thức khởi sự kinh doanh, ứng dụng công nghệ số cho phụ nữ khuyết tật

10:20 | 17/04/2023;
Chương trình tập huấn do Hội LHPN tổ chức nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18/4/1998 - 18/4/2023), tạo động lực để phụ nữ khuyết tật tự tin, nỗ lực vươn lên, lan toả những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Hiện nay nước ta có khoảng 3,5 triệu phụ nữ khuyết tật. Đây là những đối tượng phải chịu sự phân biệt đối xử kép vì lý do khuyết tật và giới. Các chị em gặp phải rất nhiều định kiến, khó khăn và có nguy cơ trở thành nạn nhân của bạo lực. Do đó, Đảng và Nhà nước ta trong thời gian qua đã rất quan tâm và có những chính sách hỗ trợ để chăm sóc, bảo vệ nhằm đảm bảo các quyền cơ bản. 

Đó là: Phòng chống bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ khuyết tật, hướng đến thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền, đảm bảo không gian an toàn, tạo điều kiện thúc đẩy phụ nữ tiếp cận các nguồn lực, cơ hội và nâng cao năng lực, vị thế, giúp chị em tự tin hơn, giảm bớt khó khăn, từng bước hòa nhập với xã hội.

Nhằm giúp chị em có thêm những kiến thức, kỹ năng để từ đó tự tin vươn lên phát triển và làm chủ kinh tế, sáng ngày 17/4/2023, Hội LHPN Việt Nam phối hợp Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam tổ chức lớp tập huấn về kiến thức khởi sự kinh doanh và ứng dụng công nghệ số tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật.

Cung cấp kiến thức khởi sự kinh doanh, ứng dụng công nghệ số cho phụ nữ khuyết tật - Ảnh 1.

Các đại biểu phụ nữ khuyết tập tham gia tập huấn về kiến thức khởi sự kinh doanh và ứng dụng công nghệ số tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến cho phụ nữ khuyết tật.

UV Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam Trương Thị Thu Thủy chia sẻ: Thông qua chương trình tập huấn, hy vọng sẽ có nhiều phụ nữ khuyết tật với các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo được hỗ trợ vay vốn và làm chủ các doanh nghiệp mà ở đó sản xuất ra các sản phẩm mang giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, thu hút nhiều lao động là người khuyết tật vào làm việc. Thông qua đó tăng sự hòa nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho chị em, góp phần bảo đảm quyền và sự phát triển toàn diện của người khuyết tật theo tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". 

Cung cấp kiến thức khởi sự kinh doanh, ứng dụng công nghệ số cho phụ nữ khuyết tật - Ảnh 2.

UV Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Gia đình Xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam Trương Thị Thu Thủy phát biểu khai mạc chương trình

Đến từ Vĩnh Phúc tham dự lớp tập huấn, chị Lý Nguyễn cho biết: Chị kinh doanh nhỏ tại gia đình và mới tiếp cận những kỹ năng công nghệ số cơ bản như sử dụng mạng xã hội để quảng bá, bán sản phẩm. Chị mong muốn thông qua chương trình tập huấn, chị và những chị em khuyết tật như chị sẽ được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm từ các chuyên gia để tự tin khởi sự kinh doanh, ứng dụng công nghệ số, tăng doanh thu bán hàng.

Là một thành viên thuộc Hợp tác xã Trái tim hồng (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Đông chia sẻ: Chị được hợp tác xã và Hội LHPN các cấp tạo điều kiện tham gia nhiều chương trình đào tạo, tập huấn để trau dồi, mở mang kiến thức, giao lưu cùng chị em. Chị Đông mong muốn sẽ được tiếp tục tham gia nhiều khóa tập huấn như ngày hôm nay để nâng cao khả năng tiếp cận công nghệ số của phụ nữ khuyết tật.

Tại chương trình tập huấn, hơn 100 phụ nữ khuyết tật thuộc địa bàn Hà Nội và vùng lân cận được nghe các các chuyên gia là bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển cộng đồng ACDC; ông Vũ Hòa, Chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp và ông Nguyễn Huy Hoàng, Chuyên gia marketing, giảng viên nguồn do Meta đào tạo chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về khởi nghiệp.

Cung cấp kiến thức khởi sự kinh doanh, ứng dụng công nghệ số cho phụ nữ khuyết tật - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển cộng đồng ACDC chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về khởi nghiệp.

Đa dạng hoạt động hỗ trợ phụ nữ khuyết tật

Hội LHPN Việt Nam với chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, trẻ em gái, trong đó có phụ nữ yếu thế, trong những năm qua, bằng sự đổi mới, năng động, sáng tạo, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, thiết thực, phù hợp với nhu cầu, mong muốn của phụ nữ nhằm trang bị kiến thức, nâng cao năng lực, kỹ năng ứng phó với các vấn đề xã hội tác động đến đời sống của phụ nữ… giúp chị em cải thiện đời sống về vật chất, tinh thần, giảm bớt mặc cảm, tự lực vươn lên. Cụ thể:

(1) Tuyên truyên nâng cao kiến thức, kỹ năng về mọi mặt cho phụ nữ;

(2) Xây dựng các mô hình có hiệu quả như Phụ nữ khuyết tật tự lực; Địa chỉ tin cậy; Nhà tạm lánh tại cộng đồng; Cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực trên cơ sở giới; Nhà bình yên; Thành phố an toàn; Làng quê an toàn; Hỗ trợ sinh kế và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp;

(3) Tích cực tham mưu, đề xuất chính sách, đề án, phê duyệt các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, vị thế cho phụ nữ, nhất là phụ nữ yếu thế. …

Đặc biệt trong năm 2022, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu "Hạnh phúc Vầng trăng khuyết" với sự tham gia của 35 cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu và các con của họ đến từ 33 tỉnh/thành trên cả nước. Chương trình được tổ chức định kỳ 5 năm 1 lần nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật nói chung và trong tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình nói riêng; thông qua đó khích lệ tinh thần, động viên người khuyết tật phát huy khả năng, xây dựng và gìn giữ gia đình ấm no, hạnh phúc, trở thành tấm gương cho những người đồng cảnh cùng cố gắng vươn lên.  

Thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam cũng sẽ chủ động tham mưu, thực hiện tốt các hoạt động trợ giúp phụ nữ khuyết tật bằng nhiều hình thức và sẽ là cầu nối để kết nối các doanh nghiệp, tổ chức xã hội và toàn thể cộng đồng cùng chung tay để thúc đẩy công bằng và quyền lợi cho người khuyết tật, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn