Hàng nghìn vụ bạo lực xảy ra trong học đường
Bà Hoàng Ngọc Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận 8, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, sau khi vừa kết thúc buổi tuyên truyền cho gần 500 em học sinh trường THCS Lê Lai, phường 15, quận 8, về nội dung phòng chống bạo lực học đường. Đây là hoạt động nhằm thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn.
Địa bàn quận 8 là khu vực giáp ranh với các tỉnh miền Tây, có thể xem là "vùng đệm" giữa khu vực thành thị và nông thôn. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, tập trung nhiều lao động nhập cư, có nhiều nhà trọ dành cho người lao động có thu nhập thấp... "Đây là khu vực dễ xảy ra các vấn đề về bạo lực và xâm hại trẻ em, các vụ việc liên tục được phát hiện đều có những đặc thù tương tự. Hội LHPN quận 8 đã có những định hướng cho Hội liên hiệp phụ nữ cơ sở quan tâm và tập trung nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ giúp cải thiện điều kiện sống và nâng cao ý thức của người dân ở khu vực này.
Thực trạng bạo lực học đường hiện nay diễn ra với nhiều hình thức và có những diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, năm học 2017-2018, báo cáo của ngành Giáo dục - Đào tạo cho rằng cả nước chỉ xảy ra vài trăm vụ bạo lực học đường. Nhưng theo thống kê của ngành Công an, số vụ liên quan đến bạo lực học đường là hơn 2.000 vụ, trong số đó, có 53% số vụ xảy ra trong trường học.
Từ năm 2011 đến 2018, theo báo cáo của Bộ Giáo dục - Đào tạo và Công an, có đến hơn 18.000 vụ vi phạm pháp luật, bạo lực học đường với đối tượng liên quan là cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Hơn 1.000 vụ đánh nhau gây thương tích, hơn 200 vụ xâm hại tình dục, 900 vụ uy hiếp tinh thần học sinh. Đáng nói, trong số này, gần 10.000 vụ diễn ra trong nhà trường.
Những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường có nhiều lý do. Có thể bị ảnh hưởng bởi game bạo lực, bởi gia đình, tình yêu… Thậm chí có bạn bị lôi kéo, dụ dỗ tham gia bạo lực học đường. Có thể chỉ vì 1 ánh mắt nhìn đểu, hay vì muốn tỏ vẻ anh hùng, muốn trêu chọc bạn học…
Những nạn nhân của bạo lực học đường sẽ bị ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khoẻ. Thường bạn đó cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, sợ hãi. Không thể tập trung vào học hành. Từ đó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác, thậm chí có trường hợp bị cướp đi cả sinh mạng.
Với người gây ra bạo lực học đường, có thể phải nhận kỷ luật bị đuổi học. Tương lai các em rẽ sang một bước ngoặt khác không mấy khả quan. Gia đình và bản thân học sinh đó còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cha mẹ và học sinh cần biết kỹ năng thoát khỏi bạo lực học đường
Từ nhận định thực tế, bà Hoàng Ngọc Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận 8, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Mỗi lần đi tuyên truyền, chúng tôi thường phải xác định một số nội dung cơ bản để chuẩn bị tốt cho buổi tuyên truyền, như: Bài tuyên truyền sẽ thực hiện cho các bạn học sinh nào, học sinh trường cấp 1, cấp 2 hay cấp 3. Buổi tuyên truyền thực hiện ở sân trường hay phòng học, rồi quy mô, số lượng học sinh ra sao. Chủ động trước thời gian tổ chức và thời lượng của buổi tuyên truyền. Chúng tôi cũng chuẩn bị đầy đủ các thiết bị phương tiện (máy chiếu, lap top, văn phòng phẩm, quà tặng...".
Qua mỗi buổi tuyên truyền, Hội phụ nữ quận 8 thường cho các em học sinh sắm vai hoặc giả định các tình huống để từ đó phân tích và tư vấn tuyên truyền thêm những kỹ năng phòng tránh mà các em có được sau mỗi buổi tập huấn.
Theo bà Hoàng Ngọc Loan, Phó Chủ tịch Hội LHPN quận 8, TP Hồ Chí Minh, nội dung chủ yếu của các buổi tuyên truyền là kỹ năng phòng ngừa xâm hại trẻ em. Như kỹ năng phòng tránh bạo lực học đường; quản lý cảm xúc; xây dựng tình bạn đẹp; phòng tránh ma túy và các loại tội phạm; kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích; kỹ năng thực hành bảo vệ môi trường; kỹ năng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe sinh sản vị thành niên...
"Trong các buổi tuyên truyền, chúng tôi luôn mong muốn các bậc phụ huynh và học sinh quan tâm, chủ động tìm hiểu kiến thức xã hội, học đường nhiểu hơn. Mong các bậc cha mẹ thường xuyên hướng dẫn các em, cùng các em thực hành các kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình. Thông qua việc nhận diện các vấn đề, (ví như thủ phạm xâm hại - bạo lực là ai?. Cha mẹ và các em nắm rõ các tín hiệu báo động hành vi xâm hại, bạo lực, tại nạn thương tích...) để chủ động lên tiếng, tìm kiếm sự giúp đỡ, báo kịp thời cho cha mẹ, thầy cô, người lớn mà mình tin tưởng" - bà Hoàng Ngọc Loan chia sẻ.
"Đặc biệt, cha mẹ và các em cần biết các kỹ năng để thoát khỏi tình huống nguy hiểm hoặc liên hệ tổng đài bảo vệ trẻ em 111. Cha mẹ cũng nên tập cho các em thói quen lên tiếng để bảo vệ bản thân, bạn bè và các bạn nhỏ trong cộng đồng" - bà Hoàng Ngọc Loan cho biết thêm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn