Cùng con điều trị bệnh trầm cảm

10:09 | 28/11/2019;
"Có một cơn đau mang tên trầm cảm" là cuốn sách của TS Nguyễn Thị Phương Hoa kể lại một câu chuyện có thật về trải nghiệm 6 năm đồng hành cùng con điều trị bệnh trầm cảm.

Bằng những chia sẻ của người mẹ có con trai không may mắc bệnh trầm cảm, cuốn sách Có một cơn đau mang tên trầm cảm mô tả trung thực trải nghiệm của "người trong cuộc" với mong muốn chia sẻ kinh nghiệm đối phó với trầm cảm tới những người có bệnh và thân nhân của người bệnh, để từ đó có được những hiểu biết căn bản về căn bệnh và liệu pháp điều trị bệnh.

65 câu chuyện của người mẹ có con bị trầm cảm trong cuốn sách xoay quanh một thông điệp trở đi trở lại: người trầm cảm rất cần chúng ta. Họ thực sự rất sợ phải đương đầu với trầm cảm một mình. Tác giả viết: "Khi con em chúng ta nói rằng chúng có vấn đề, nghĩa là chúng thực sự đau khổ, thực sự cần chúng ta giúp đỡ. Thậm chí, nếu chúng không nói ra được, mà đóng kín cửa, khóa trái mình trong phòng, khóc lóc không ngừng, lên án cha mẹ, hay ngược lại tự lên án bản thân chúng, hay đòi tự tử… thì chẳng phải chúng "làm màu" gì đâu, mà chúng đang kêu cứu!".

Bìa cuốn sách Có một cơn đau mang tên trầm cảm

Bìa cuốn sách "Có một cơn đau mang tên trầm cảm"

Những chi chép rất thật, giản dị khiến người đọc "vỡ" ra được nhiều điều về căn bệnh này. Không quá xa xôi, khó hiểu, bệnh trầm cảm qua mô tả của người mẹ rất dễ hiểu, dễ thấm với 3 phần:

Phần 1, Khi mây đen kéo đến, gồm 15 bài viết về những ngày "giông bão" ập tới: những triệu chứng, những lần con tự hại, những khó khăn tâm lý liên tục diễn ra, những lần "thót tim" của cả gia đình. Có khi bất thình lình, người mẹ nhận được điện thoại của con: "Mẹ ơi, con không kiểm soát được nữa, con bực mình quá!"; hoặc khi con đột ngột tuyên bố "Con sẽ bỏ học, con không chịu được nếu con không được điểm 10"; hoặc "Con chẳng biết phải làm gì cả"; "Con sợ quá, mẹ ơi!"; "Con đi chết đây"…

Phần 2, Bình an đi qua những nỗi đau, gồm 36 bài viết chia sẻ về những gì gia đình và người bệnh phải đối mặt, học hỏi, rút kinh nghiệm để bình tĩnh ứng phó: Uống thuốc hay không uống thuốc; Ghi chép, theo dõi tiến triển bệnh; Làm gì khi chúng ta thấy lo âu; Kiềm chế nỗi lo của bố mẹ; Cùng con tìm lại giá trị bản thân; Tầm quan trọng của ăn uống; Không cần thương hại; Nhịp sinh học riêng của con…

Phần 3, Sau mây đen là nắng ấm, viết về những ngày bệnh đã thuyên giảm, có thể dự đoán và kiểm soát được. Những chia sẻ "rút ruột" của người mẹ về những khó khăn của chính mình, của cả gia đình để có thể đồng hành cùng con: Thời gian là thuốc chữa; Cái ôm; Khó khăn của bố mẹ; Là mẹ; Là bố; Niềm tin của mẹ…

PTS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa

PTS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa

Tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa là PGS.TS Tâm lý học xã hội tại Đại học Tổng hợp Moscow. Chị có một khoảng thời gian khá dài là Thực tập sinh Tâm lý học lâm sàng tại Trường Tâm lý học Thực hành Paris , thuộc Đại học Catholic, Paris , Pháp. Sau đó, có 3 năm hợp tác hướng dẫn thực tập sinh người Pháp tại Việt Nam.  Chị được phong học hàm Phó Giáo sư vào năm 2010 và từng là Nghiên cứu viên, Giám đốc Trung tâm ứng dụng và thực nghiệm Tâm lý học, Viện Tâm lý học Việt Nam từ năm 1995-2001. 

Chị hiện đang là cố vấn của diễn đàn Beautiful Mind Việt Nam , tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích cung cấp kiến thức về: Tâm lý học lâm sàng, Sức khỏe tâm lý, Các rối loạn về tâm thần cũng như các phương pháp điều trị cho người Việt Nam . Đồng thời, tổ chức này cũng hỗ trợ rất nhiều cho các bạn trẻ gặp khó khăn về tâm lý, đặc biệt là trầm cảm. Trong hơn một năm qua, chị cũng thực hiện các buổi chia sẻ, tư vấn, tham vấn cho nhiều người thân của người đang bị trầm cảm và cả những người đang bị bệnh trầm cảm. 

Tác giả Nguyễn Thị Phương Hoa sẽ có các buổi giao lưu với độc giả nhân dịp ra mắt cuốn sách Có một nỗi đau mang tên trầm cảm tại 4 thành phố lớn. Cụ thể, tại Hà Nội vào 15h ngày 30/11 (số 8 Tràng Thi), tại Đà Nẵng vào 8h30 ngày 5/12 (138 Nguyễn Thị Minh Khai), tại TP.HCM vào 8h ngày 8/12 (Đường sách TP.HCM), tại Vũng Tàu vào 18h30 ngày 8/12 (Đường sách TP Vũng Tàu).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn