Những đứa trẻ đó hư khi hút thuốc, uống rượu, đánh nhau, đua xe, thậm chí bỏ học… Nhưng tại sao chúng thế? Vì chúng chơi với bạn xấu ư? Hay vì cha mẹ quá bận rộn mưu sinh nên không sát sao được với con? Không phải vậy đâu!
Ở cái tuổi 13 đến 18, những đứa trẻ đó có nhu cầu được thừa nhận, trong hành trình tìm kiếm bản sắc, trả lời câu hỏi: "Ta là ai?", chúng đã chọn cách tiêu cực thôi. Giống tôi hút thuốc lá năm lớp 10 cho bằng chúng bạn. Là bởi đứa trẻ nào cũng có nhu cầu được cha mẹ, bạn bè, thầy cô công nhận.
Thật tiếc, nhiều cha mẹ nói tin con nhưng vẫn hoài nghi con, bảo tôn trọng con nhưng vẫn coi con là đứa trẻ nít. Trao quyền cho con nửa vời theo kiểu giao việc, áp đặt con phải làm tốt như bố mẹ mới đáng khen. Đôi khi chỉ nhìn kết quả mà không ghi nhận quá trình nỗ lực của con.
Con trẻ không nhận được sự ghi nhận của cha mẹ mà đi tìm sự công nhận của bạn bè. Một đứa trẻ hư vì không nhận ra giá trị con người của mình. Chúng chạy theo những giá trị người khác dán nhãn lên.
Bạn vẫn có thể giúp con thay đổi, bằng việc giúp con thấy được giá trị thực sự của chúng, thay vì những nhãn mác mọi người dán lên (và có khi là chính bạn). Giá trị của con là những thứ con có, chứ không phải những thứ người khác gắn lên con.
Cha mẹ giúp con thấy được điều đó đi, bằng việc trao quyền cho con được làm một người lớn, được tôn trọng. Ghi nhận những gì con mình làm được chứ đừng để kẻ xấu ngoài kia làm việc đó thay bạn. Con là độc bản chứ con không phải là được đúc khuôn đồng loạt.
Con học cách tự ghi nhận những điều mình làm được thay vì chờ đợi sự công nhận của người khác. Con hiểu thấu bản thân mình sẽ không mong chờ ai đó hiểu con.
Một điều quan trọng nữa, cha mẹ hãy cùng con tạo ra nhiều giá trị mới cho bản thân con. Như những thành tích con đạt được, cha mẹ sẽ là người đầu tiên chúc mừng con, chỉ ra cho con thấy vì sao con đạt thành tích đó.
Làm ơn đừng dùng cái mẫu câu rất đắng đót: "Tốn bao nhiêu tiền cho cậu ăn học nên cậu đạt thành tích này là đúng rồi". Và cả khi con thất bại, đừng chỉ buồn bã cùng con. Hãy chỉ cho con thấy đó là một thành công bị trì hoãn thôi. Ta cùng rút kinh nghiệm để làm tốt hơn trong lần kế tiếp.
Đừng quy kết tội tại con nên thất bại. Hãy nhận cả trách nhiệm của cha mẹ. Một đứa trẻ vì thế mà học hiểu được những giá trị thực sự của bản thân.
Nếu cha mẹ làm được điều này, tôi tin, không có đứa trẻ nào bị bạn bè xấu lôi kéo. Và dù bạn vất vả mưu sinh, con vẫn muốn san sẻ với bạn nhiều hơn bởi trong tận cùng mỗi đứa trẻ, cha mẹ là người mà chúng yêu thương nhất!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn