Cùng xây tổ ấm vì sự phát triển của trẻ em

14:54 | 23/06/2018;
Đó nội dung cuộc hội thảo vừa diễn ra sáng 23/6 tại Trung tâm Phụ nữ & Phát triển (Hà Nội), với những chia sẻ, trải nghiệm, góc nhìn riêng thú vị về việc xây dựng gia đình hạnh phúc và nuôi dạy con của những người làm cha mẹ. Họ có thể là doanh nhân, mẹ đơn thân, người dẫn chương trình, nữ tri thức và chuyên gia về tâm lý trẻ em…
 "Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" nhưng trước bối cảnh đổi thay nhanh chóng của xã hội và gia đình hiện đại, từng gia đình đã trải qua câu chuyện nuôi dạy con như thế nào? Họ đã làm gì để thực hiện mục tiêu cùng xây tổ ấm?

 

Chị Đỗ Thị Trang - chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển trẻ em của Tổ chức Good Neighbor International - cho rằng: “Hiện nay, chúng ta vẫn gọi là thời đại của 4.0 với mọi thứ diễn ra đều rất nhanh, mới lạ, trong khi đó, nhiều gia đình Việt vẫn chú trọng đến việc đẩy mạnh kinh tế. Cha mẹ quá bận rộn, nhiều áp lực nên rất ít dành thời gian cho con để cùng chia sẻ, lắng nghe con. Hơn nữa, cha mẹ hiện nay luôn đặt kỳ vọng quá nhiều vào đứa trẻ. Con còn nhỏ thì cha mẹ áp tiêu chuẩn dành cho con theo quy định của WHO về chiều cao, cân nặng. Thấy đứa trẻ nhà bên nói tiếng Anh lưu loát thì cha mẹ lại soi chiếu vào con mình và nghĩ rằng con mình kém quá. Rồi họ sẽ đi đăng ký cho con học tất cả những thứ mà cha mẹ nghĩ là con cần (như đàn, nhạc, ngoại ngữ…) mà không cần biết đến sự phản biện của con, không biết con có thích không, con có sắp xếp được không… 

Có một đứa trẻ tôi từng làm việc, em đã chia sẻ: “Cô ơi, nghỉ hè như là kỳ học thứ 3 của con và với con là kinh khủng nhất. Nghỉ hè, cha mẹ bắt con phải đi học thêm nhiều hơn là thời gian đi học chính khóa”. Từ sự thiếu vắng thời gian, ít lắng nghe, đưa ra những áp lực, áp đặt, sự kỳ vọng…, cha mẹ đã khiến cho nhiều đứa trẻ hiện nay cảm thấy không an toàn trong nhà mình".

Chị Đỗ Thị Trang (bìa trái): "Trong quá trình hỗ trợ trẻ em, có một trường hợp tôi nhớ mãi. Em nhỏ ấy đến phòng trị liệu tâm lý trẻ em với nhiều biểu hiện bất thường. Em ấy có thói quen nhổ tóc và nhổ trụi lông mày thường xuyên. Sau kỳ trị liệu kéo dài, vấn đề của em ấy là: Tuy sinh ra trong gia đình khá giả, cha mẹ muốn em ấy học giỏi, đáp ứng cho con đầy đủ mọi thứ về vật chất nhưng bên cạnh em ấy chỉ luôn là người giúp việc. Tất cả những gì cha mẹ cho, em ấy đều không cần. Điều đứa trẻ đó cần nhất là một đêm được ngủ với mẹ, được mẹ ôm”.

 

Đồng quan điểm với điều này, MC Phan Anh thừa nhận: “Tôi từng là ông bố rất ít dành thời gian cho con cái. Ngày trước, khi tôi trở về nhà, các con đều không thích, chúng thường xuyên hỏi mẹ: “Khi nào thì bố đi công tác?” vì lúc có bố ở nhà, bố không chăm sóc con nhiều mà còn đưa ra những quy tắc, áp đặt con như không được chơi cái này, không được làm cái kia, không được uống nước ngọt, không ăn bánh kẹo…

Nhưng từ khi cùng con gái tham gia chương trình “Bố ơi mình đi đâu thế?”, tôi bắt đầu có cơ hội nhìn thấy cách những ông bố chăm chút cho con của họ, tôi mới nhận ra tôi chưa là người bố tốt. Chương trình này đã giúp tôi thay đổi bản thân, dành nhiều thời gian, sự quan tâm, chăm sóc, gắn bó nhiều hơn với gia đình và các con. Với phụ nữ, tình mẫu tử có thể xuất phát từ bản năng vì đứa con thực sự là máu thịt của họ. Nhưng với người đàn ông, để vun đắp tình phụ tử thì chỉ có thể có được khi ta dành thời gian, sự quan tâm, chăm sóc".

Bà Từ Thị Bích Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh - cho rằng: "Nuôi dạy con tốt là không áp đặt cho con". Bà chia sẻ: “Trước kia tôi rất vô tư, nhưng từ khi có con thì phải bắt đầu thay đổi. Phải luôn trăn trở xem nuôi con như thế nào, cho con đi học ra sao… Trong gia đình tôi, ở thời điểm mới có con, vợ chồng đưa ra thỏa thuận: chồng đi làm kiếm tiền, vợ chuyên đảm nhiệm việc chăm con. Tôi đã dạy con theo cách thủ thỉ tâm tình với con, tôn trọng suy nghĩ riêng của con, không tạo áp lực cho con, vì nếu cha mẹ tạo áp lực, kết quả nhận lại có thể chỉ là con số 0. Tôi luôn dạy con: “Cứ cố hết sức đi, dù kết quả như thế nào thì mình cũng sẽ chấp nhận nhưng không hối hận”. Ngoài ra, theo tôi, muốn dạy con tốt thì vợ chồng phải hòa thuận, không được mâu thuẫn. Tôi luôn cố gắng để vợ chồng không cãi nhau vì không muốn con phải sống trong những cơn stress của bố mẹ… Tôi đã rất vui khi một lần cô giáo ra đề văn tả về gia đình, con gái thứ 2 của tôi đã viết câu: “Nhà mình đầm ấm hạnh phúc”.

Bà Từ Thị Bích Lộc (áo đen): "Tôi nghĩ cuộc sống của cha mẹ tuy bận rộn nhưng rất cần sự đồng hành, cùng quán xuyến, cùng dành thời gian cho nhau, cho con, có hoạt động gì cũng cùng nhau tham gia…”. 
Vợ chồng anh Vũ Mạnh Tân - chị Dương Phương Anh (Hà Nội): “Gia đình giống như một ngân hàng - nó là ngân hàng tình yêu. Mỗi hành động cụ thể giúp đỡ lẫn nhau trong gia đình là ta đã bỏ vào ống tiết kiệm một chút tình yêu. Khi chúng ta sống với nhau về già, tài khoản đó sẽ vô cùng giàu có. Vì vậy, muốn xây dựng tổ ấm cho các con thì hai vợ chồng phải cùng hướng đến những giá trị chung. Chúng tôi đã ra một tuyên ngôn gia đình để vợ chồng và các con luôn nhắc nhở nhau đó là: “Yêu thương và cùng hành động”.
 

Chị Vũ Bích Họa (Hà Nội) đang là mẹ đơn thân. Chị tâm sự: “Tôi ly hôn đã 11 năm, khi ấy con lớn 7 tuổi, con bé 3 tuổi. Hành trình làm mẹ đơn thân đầy gian nan, khó khăn và nhiều nước mắt. Nhưng để vượt qua, tôi nghĩ không có cách gì khác là chúng ta phải đối diện và học cách thích nghi ngay mà không trách giận, hờn dỗi… Khi tôi vượt qua được giai đoạn chông chênh về cảm xúc, tôi hướng đến việc nuôi dạy con một cách thẳng thắn và học cách đối diện sự thật, không né tránh. Tôi nói với các con là bố không còn yêu mẹ nữa, chúng ta chỉ còn 3 người sống với nhau và mẹ muốn các con thế này, muốn các con giúp mẹ thế kia…".

Theo chị Bích Họa (áo kẻ): "Để con phát triển cả thể chất và tinh thần, không có cảm giác bị thiếu hụt thì chẳng gì tốt hơn là tình yêu thương và cha mẹ phải làm gương cho con. Tôi đã nuôi dạy con theo cách không áp đặt mà luôn chia sẻ, lúc nào cũng coi con là những người bạn và luôn dạy con hướng đến những điều tử tế”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn