Cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Nữ chính trị gia đảng Dân chủ chiếm thế thượng phong

09:52 | 06/11/2018;
Ngay cả khi cuộc bầu cử giữa kỳ 2018 (ngày 6/11) chưa có kết quả, hãng tin CNN khẳng định người thắng cuộc không ai khác chính là phụ nữ và cụ thể hơn là các nữ chính trị gia đảng Dân chủ. Tổng cộng có 262 ứng viên nữ tham gia tranh cử các vị trí ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ thì có 207 người thuộc đảng Dân chủ.
 Những vị trí hứa hẹn lần đầu tiên có chính khách nữ
martha-mcsally.jpg
Cuộc đua của hai bà Kyrsten Sinema (trái) và Martha McSally ở bang Arizona

 

Bang Arizona chắc chắn sẽ có nữ thượng nghị sĩ đầu tiên trong lịch sử bởi cả hai ứng viên Dân chủ và Cộng hòa đều là nữ. Tại Arizona, nơi chưa từng có một người phụ nữ nào bước vào Thượng viện, mọi thứ chắc chắn sẽ thay đổi trong năm nay khi một trong hai người phụ nữ, Kyrsten Sinema và Martha McSally, trở thành thượng nghị sĩ sau ngày 6/11.
 
Ứng viên của đảng Cộng hòa cho vị trí này là Martha McSally, người có 26 năm phục vụ trong Không lực Mỹ, trở thành phi công đầu tiên bay trong một cuộc tham chiến và ra tranh cử trong bộ đồ phi công màu xanh có may lá cờ Mỹ và tên của bà. McSally chỉ trích đối thủ của mình là "người phụ nữ váy hồng đi biểu tình" trong lúc bà chiến đấu vì nước Mỹ.
 
Trong khi đó, nữ ứng viên Dân chủ Kyrsten Sinema của bang Arizona nhắc nhở các cử tri về một vấn đề quan trọng: Chăm sóc sức khỏe. Bà Sinema cho rằng đảng Cộng hòa sẽ làm mọi việc để bãi bỏ Obamacare và điều này sẽ ảnh hưởng đến những người dân được hưởng lợi từ đạo luật này.
 
paulette-jordan.jpg
Bà Paulette Jordan trước những người ủng hộ

 

Bà Paulette Jordan (38 tuổi) có cơ hội trở thành nữ thống đốc gốc da đỏ đầu tiên của nước Mỹ và đầu tiên của bang Ohio. Bà Jordan, thuộc bộ lạc Coeur d’Alene Tribe, cũng là phụ nữ đầu tiên nhận được sự tin tưởng của Đảng Dân chủ tại Ohio ra chạy đua ghế thống đốc. Đây có thể coi là một gương mặt trong làn sóng các ứng cử viên mới làm thay đổi bộ mặt của chính trị Mỹ, với số lượng kỷ lục của ứng cử viên nữ nói chung cũng như phụ nữ da màu và xuất thân là người bản địa nói riêng.
 
Theo chương trình tranh cử của nữ ứng viên Thống đốc bang Idaho, Jordan nhắm vào việc cải thiện môi trường xã hội đầy rẫy khó khăn ở Idaho bao gồm đầu tư cho trường mầm non phổ thông, tăng lương giáo viên, mở rộng cơ sở chăm sóc y tế, bảo vệ đất công cộng, diệt trừ nạn ma túy. Người phụ nữ này ngày càng được dân chúng biết đến bởi sự gần gũi, chia sẻ và chân thành.
 
ilhan-omar-rashida-tlaib.jpg
Ilhan Omar (trái) và Rashida Tlaib sẽ là những nghị sĩ người Hồi giáo đầu tiên

  

Ilhan Omar và Rashida Tlaib sẵn sàng trở thành những nữ nghị sĩ Hồi giáo đầu tiên trong Quốc hội Mỹ. Bà Omar, một thành viên của Đảng Dân chủ ở Minnesota, hiện là nữ lập pháp gia gốc Somalia đầu tiên của nước Mỹ và đang đứng trước cơ hội trở thành phụ nữ da màu đầu tiên của bang này tiến vào hạ viện. Trong khi đó, bà Tlaib - cũng một thành viên Dân chủ, gần như không có đối thủ trong cuộc chạy đua ở bang Michigan.
 
stacey-abrams.jpg
Bà Stacey Abrams

 

Bà Stacey Abrams cũng đang được kỳ vọng sẽ trở thành nữ thống đốc đầu tiên của bang Georgia, cũng là phụ nữ Dân chủ đầu tiên được đảng này cử ra ứng thí trong lịch sử tranh cử ghế thống đốc Georgia.
 
Xuất hiện ứng viên nữ trong cuộc đua vào vị trí tổng thống 2020
 
Ngày 6/11 (giờ địa phương, tức ngày 7/11 theo giờ Việt Nam), người dân Mỹ tiến hành bỏ phiếu bầu cử giữa kỳ. Đây cũng là lúc đường đua vào vị trí Tổng thống Mỹ năm 2020 chính thức bắt đầu. Giới chuyên gia dự đoán ngay sau khi cuộc bầu cử 2018 kết thúc, hàng loạt ứng viên tiềm năng của cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ sẽ khởi động chiến dịch tranh cử, đối đầu trực tiếp với Tổng thống Donald Trump, người đã tuyên bố chạy đua vào nhiệm kỳ thứ hai không lâu sau khi nhậm chức.
 
elizabeth-warren.jpg
Nữ thượng nghị sĩ Elizabeth Warren

  

Nữ thượng nghị sĩ Elizabeth Warren dẫn đầu trong 2 tháng trước thềm bầu cử giữa kỳ. Từ đầu, bà đã được đánh giá là đối thủ đáng gờm của ông Donald Trump. Quan điểm cấp tiến và lập trường chống tham nhũng của bà được nhiều cử tri đảng Dân chủ ủng hộ. Việc bà ủng hộ thiết lập nền kinh tế có lợi cho người nghèo và đấu tranh cho bình đẳng giới là những yếu tố quyết định giúp bà Warren chiến thắng cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ.
 
Trong chiến dịch chạy đua vào Thượng viện năm 2012, bà Warren đã huy động được 42,5 triệu USD. Trong cuộc bầu cử năm nay, bà nhận được số tiền quyên góp 31,5 triệu USD. Theo New York Times, điều này cho thấy bà có đủ khả năng kêu gọi quyên góp để thực hiện chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020.
 
kamala-harris.jpg
Sự tự tin của nữ thượng nghị sĩ Kamala Harris

  

Ngoài bà Elizabeth Warren, nữ thượng nghị sĩ Kamala Harris của bang California cũng đang có tham vọng trở thành nữ chủ nhân đầu tiên của Nhà Trắng. Bà Harris đã bỏ ra hơn 134.000 USD để chạy quảng cáo trên Facebook từ tháng 5 đến tháng 7. Hồi cuối tháng 10, bà cũng tổ chức một cuộc gặp gỡ các cử tri đảng Dân chủ tại bang Iowa. Bà dự định sẽ xuất bản một cuốn sách viết về cuộc đời và quan điểm chính trị của bản thân trong tương lai gần. Các chuyên gia đánh giá đây là một trong những dấu hiệu cho thấy bà sẽ tham gia đường đua vào cương vị tổng thống năm 2020.
 
Kamala Harris là một biểu tượng mà đảng Dân chủ đã tìm kiếm bấy lâu: Một phụ nữ da màu hoàn toàn đối lập so với các nam ứng cử viên da trắng. Bà Harris đã huy động được gần 7 triệu USD trong cuộc tranh giành ghế Thượng viện năm nay. Năm 2016, bà đã vận động được hơn 15 triệu USD để trở thành nữ thượng nghị sĩ da màu đầu tiên của bang California.
 
kirsten-gillibrand.jpg
Thượng nghị sĩ bang New York Kirsten Gillibrand

 

Thượng nghị sĩ bang New York Kirsten Gillibrand cũng góp mặt trong danh sách các ứng viên tiềm năng. Bà nổi tiếng về thái độ quyết tâm đấu tranh với vấn nạn xâm hại tình dục trong quân đội và tại nơi công sở. Bà theo đuổi chính sách thúc đẩy bình đẳng giới về thu nhập, đồng thời là người ủng hộ dân nhập cư.
 
Bà Gillibrand là người biết cách tận dụng cơ hội, bà ủng hộ làn sóng chống quấy rối tình dục #MeToo (Tôi cũng vậy) và là thượng nghị sĩ đầu tiên kêu gọi bãi bỏ Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) trong lúc vấn đề nhập cư đang gây tranh cãi kịch liệt.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn