Cuộc cách mạng mang quyền bình đẳng thật cho phụ nữ

15:37 | 02/11/2015;
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm, phụ nữ chưa được giải phóng thì nhân loại chưa được giải phóng, chưa thể nói đến chủ nghĩa xã hội.
Thẳng thắn nói về phụ nữ

Tại Hội thảo Quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người (1890-1990) tổ chức tại Hà Nội, một đại biểu nữ người Mỹ là Jonsephine Stenson đã phát biểu: “Trong số những lãnh tụ là nam giới như: Mahatma Gandhi, V.I.Lenin, Karl Marx, Mao Trạch Đông..., chỉ có Hồ Chí Minh là luôn luôn nói về quyền bình đẳng của phụ nữ, về giáo dục, tự do ngôn luận, độc lập về kinh tế và quyền của phụ nữ được hưởng các quyền lợi khác như nam giới. Chỉ có Hồ Chí Minh là thấy được rằng phụ nữ đã phải chịu đựng những gánh nặng như nam giới và còn hơn thế nữa... Chỉ có Hồ Chí Minh đã thẳng thắn nói về phụ nữ” (1).

Nhiều nhà nghiên cứu khác trên thế giới đều nhất trí rằng, với Tuyên ngôn độc lập năm 1945, “Cụ Hồ đã thông báo được cho nhân dân của Cụ và thế giới một cuộc cách mạng thứ hai: đó là Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập cho phụ nữ Việt Nam” (2).

Trong hàng các lãnh tụ ở thế kỷ XX, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người viết nhiều nhất để tố cáo đanh thép tội ác của bọn thực dân độc ác, bênh vực quyền cho phụ nữ và cảnh tỉnh cho nhân loại về thói dâm bạo của bọn thực dân.
Bác luôn tâm niệm: Phụ nữ chưa được giải phóng thì nhân loại chưa được giải phóng, chưa thể nói đến chủ nghĩa xã hội.

Đánh giá đúng vai trò của phụ nữ

Bài học lớn Chủ tịch Hồ Chí Minh rút ra từ lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới là: Chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia. Từ kinh nghiệm tổ chức phụ nữ quốc tế, Người cho rằng cách mạng An Nam cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công được.

Xuất phát từ chỗ đánh giá cao vai trò của phụ nữ, Bác Hồ rất tôn trọng phụ nữ. Đối với những người đã khuất, thường vào dịp 8-3, Người “kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các nữ liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc”. Trong các buổi nói chuyện, Người thường “thưa các bà, các chị” trước. Người kính chào các bà mẹ có con trong bộ đội và các bà mẹ cùng vợ con của các liệt sĩ. Đây chính là khởi nguồn cho quyết định của Đảng ghi nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Có một câu chuyện cảm động hồi ở Việt Bắc: Bác đến nói chuyện với cán bộ cơ quan trong khu rừng không có bàn ghế cố định. Anh em đến ngồi trước để được gần Bác. Chị em phải ngồi sau. Bác “phát hiện” ra vấn đề và nói: “Diễn giả được phép thay đổi chỗ”. Người đi về phía dưới và “hô” mọi người “đằng sau quay”. Thế là các cô, các chị được gần Bác.

Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên

Mục tiêu cách mạng của Bác là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Ba cuộc giải phóng đó có mối quan hệ mật thiết với nhau trong đó có nội dung giải phóng phụ nữ. Giải phóng phụ nữ có nhiều nội dung với ý nghĩa cách mạng. Trước hết phải nhận thức sâu sắc, đúng đắn rằng, phụ nữ chưa được giải phóng thì nhân loại chưa được giải phóng, chưa thể nói đến chủ nghĩa xã hội.

Tháng 5-1968, khi xem lại tài liệu “Tuyệt đối bí mật”, Người thấy cần phải viết thêm mấy điểm, trong đó có nội dung về vai trò của phụ nữ. Người viết: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ” (3).

Bác nói phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân thì cuộc cách mạng dù to và khó cũng nhất định thành công. Không thể dùng vũ lực mà đấu tranh. Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về kinh tế, văn hóa, pháp luật. Muốn vậy phải giải phóng sức lao động của phụ nữ, tạo điều kiện để chị em tham gia lao động sản xuất, tham gia công tác xã hội. Phải giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ để chị em tham gia được tốt.

Phụ nữ cũng là người chủ nước nhà. Vì vậy chị em phải tự ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ. Không ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh. Chị em phải cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghề nghiệp. Phụ nữ cần xung phong trong công việc xây dựng đời sống mới, xây dựng gia đình con cái tốt. Phải đoàn kết, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, xây dựng đạo đức, tác phong mới.

Bác Hồ rất quan tâm tới trách nhiệm của Đảng, Hội phụ nữ, đoàn thanh niên, Công đoàn... trong việc tuyên truyền giáo dục, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ.
 
(1) Hội thảo Quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội,1990, tr.142.
(2) Lady Borton: Hồ Chí Minh và tuyên ngôn độc lập Mỹ, Tạp chí Xưa và Nay, số 81B, tháng 11-2000.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.504

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn