Cuộc chạy đua của các nhà khoa học trong tìm vaccine và thuốc điều trị Covid-19

09:05 | 25/04/2020;
Các nhà nghiên cứu hiện đang chạy đua với thời gian để tìm ra thuốc điều trị và vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh thế giới vẫn đang phải oằn mình chống lại đại dịch.

Tháng 9 có vaccine ngừa Covid-19?

Hiện nay, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 70 loại vaccine đang được phát triển và 3 loại vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng trên người. 3 loại vaccine đó đến từ CanSino Biological và Viện Công nghệ Sinh học Bắc Kinh (Trung Quốc); Công ty Dược phẩm Inovio, Moderna (Hoa Kỳ) và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (Hoa Kỳ).

Chạy đua tìm vaccine và thuốc điều trị SARS-CoV-2 - Ảnh 1.

Một nhân viên của nhóm Recovery Trial đang nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19

Về nguyên tắc, các thử nghiệm lâm sàng vaccine chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là thử nghiệm trên nhóm người nhỏ để chứng minh sản phẩm an toàn. Ở giai đoạn 2, số tình nguyện viên sẽ tăng lên hàng trăm người để quan sát sự an toàn, hiệu quả và xác định kế hoạch tiêm chủng. Và ở giai đoạn 3, số tình nguyện viên sẽ tăng nhiều hơn nữa để các nhà khoa học kiểm tra kỹ hơn về khả năng miễn dịch, bảo vệ cộng đồng của vaccine được thử nghiệm. Hiện tại, 3 loại vaccine đã được thử nghiệm lâm sàng trên người đang ở các giai đoạn 1 và 2.

Mới đây, hãng tin BBC (Anh) đưa tin, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford (Anh) do giáo sư Sarah Gilbert đứng đầu, đang gấp rút chạy đua với thời gian để kịp đưa vaccine ngừa Covid-19 vào dây chuyền sản xuất quy mô lớn từ tháng 9/2020. Vaccine này có tên là ChAdOx1 nCoV-19 và là một loại vaccine vec tơ tái tổ hợp.

ChAdOx1 nCoV-19 được tạo ra từ một loại virus vô hại mà từ lâu đã bị biến đổi để tạo ra protein tăng đột biến trên bề mặt của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch. Vaccine này hoạt động bằng cách mồi hệ thống miễn dịch để nhận biết và tấn công Covid-19, kích thích phản ứng tế bào T. Vaccine được sử dụng công nghệ tương tự như một cú bắn mà nhóm của giáo sư Gilbert đã phát triển trước đó cho coronavirus MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông). Vaccine đó dường như an toàn trong thử nghiệm trên động vật và giai đoạn đầu của con người, mang lại sự tự tin cho phiên bản Covid-19.

Hiện có hơn 500 tình nguyện viên ở độ tuổi 18-55 tham gia dự án của giáo sư Sarah Gilbert. Chương trình này sẽ được mở rộng cho người lớn tuổi và đạt tối đa 5.000 người ở giai đoạn 3 trước khi được sản xuất hàng loạt vào mùa thu năm nay.

Thuốc điều trị Covid-19

Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc hiệu điều trị Covid-19. Tất cả thuốc hiện nay đều điều trị triệu chứng là chính. Tuy nhiên, một số loại thuốc chữa trị Covid-19 đã và đang được thử nghiệm.

Chạy đua tìm vaccine và thuốc điều trị SARS-CoV-2 - Ảnh 2.

Vaccine ngừa Covid-19 có thể được sản xuất hàng loạt

Tại Mỹ, Remdesivir, một loại thuốc đang được sử dụng để điều trị thử nghiệm cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 của công ty dược phẩm Gilead Science, cho kết quả rất khả quan. Remdesivir (GS-5734) là một loại thuốc kháng virus, một tiền chất tương tự nucleotide mới, vốn từng được Gilead Science phát triển để điều trị các bệnh nhiễm trùng filovirus như bệnh do virus Ebola và virus Marburg nhưng nay được thử nghiệm điều trị Covid-19. Theo tạp chí y khoa rất uy tín New England (NEJM), tình trạng sức khỏe của 2/3 số bệnh nhân nhiễm Covid-19 biểu hiện nặng ở Mỹ đã được cải thiện sau khi sử dụng thuốc Remdesivir.

Ở Anh, chương trình thử nghiệm thuốc điều trị Covid-19 có tên là Recovery Trial của nhóm nghiên cứu do Giáo sư về bệnh truyền nhiễm và y tế toàn cầu Peter Horby đứng đầu, cũng đang được tiến hành. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm riêng biệt thuốc điều trị sốt rét. Hydroxychloroquine và thuốc kháng sinh Azithromycin trên các bệnh nhân tình nguyện. Nếu tình trạng của người bệnh tiến triển, cả 2 loại thuốc này sẽ được kết hợp điều trị cùng lúc. Đã có hơn 5.000 bệnh nhân tình nguyện đến từ 165 bệnh viện thuộc Dịch vụ Y tế quốc gia Anh tham gia dự án này. Các đội ngũ chuyên gia của Recovery Trial dự đoán chương trình này sẽ có kết quả vào tháng 6/2020.

Ngoài ra, một số quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam, cũng đang thử nghiệm Chloroquine, một loại thuốc dùng để phòng và chữa bệnh sốt rét, cho quá trình điều trị Covid-19. Tuy nhiên, trong khi chờ kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng để các bác sỹ có thể đánh giá đúng mức hiệu quả cũng như tính an toàn của thuốc, người dân không được phép tự ý mua dùng thuốc này vì có thể bị ngộ độc dẫn đến tử vong.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn