Cuộc chiến chống tái trồng cây thuốc phiện ở vùng cao Thanh Hóa

15:05 | 30/10/2023;
Xã Pù Nhi (huyện Mường Lát, tình Thanh Hóa) từng là "thủ phủ" của cây thuốc phiện ở cực Tây xứ Thanh. Thế nhưng, từ khi những nương ngô, rẫy sắn “đánh bay” cây anh túc, cuộc sống của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Thái nơi đây đã bước sang một trang mới.

Trồng cây cứu người

Ở bản Hạ Sơn, xã Pù Nhi, ông Triệu Văn Lĩu (57 tuổi) là một trong những người nổi tiếng nhất bản. Ông là thầy thuốc có thâm niên hơn 30 năm trong nghề với nhiều bài thuốc gia truyền của gia đình "vang danh" khắp vùng. Đáng nói, ở bản Hạ Sơn, ông Lĩu không phải là người duy nhất làm nghề này. Bản có hơn 50 hộ nhưng hầu như gia đình nào cũng biết bào chế thuốc và bốc thuốc. Song song với việc chữa bệnh cứu người, nghề thuốc nam gia truyền cũng đang góp phần phát triển kinh tế cho các hộ gia đình người Dao.

Người Dao ở Hạ Sơn phần lớn trước đây ở bản Pù Quăn. Đó vẫn là nơi vắng vẻ hoang vu, cao chạm đáy trời, đường lên vắt vẻo. Những năm thập niên 1980, Pù Quăn nói riêng và xã Pù Nhi, huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) từng được xem là vựa cây thuốc phiện. Từ bản trên làng dưới, cây ma túy "độc hại" này được trồng đại trà. Thế nhưng, sau khi Nhà nước có chủ trương bài trừ, triệt tiêu cây thuốc phiện, xã Pù Nhi đã chấp hành và ngay lập tức phá bỏ cây thuốc phiện.

Cùng với chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, nhà nước có chính sách hỗ trợ như Chương trình 134, Chương trình 30A. Các hộ phá bỏ cây thuốc phiện được hỗ trợ một số giống cây, giống con; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà. Các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm... được đầu tư xây dựng. Người dân bản Pù Quăn đã phủ xanh những ngọn đồi trước đây tím ngắt màu hoa anh túc bằng màu xanh ngô, lúa và cây thuốc nam. Xuống bản Hạ Sơn, cây thuốc nam càng được nhân rộng và phát triển.

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND xã Pù Nhi Bùi Văn Nhân khẳng định: "Mặc dù gặp khó khăn bởi địa hình, khí hậu, nhưng nhờ sự nỗ lực, đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và người dân Pù Nhi, thủ phủ thuốc phiện ngày nào nay đã khởi sắc". Trong những năm qua, chính quyền các cấp và cả Đoàn Kinh tế-Quốc phòng (KT-QP) 5, Quân khu 4 đã hỗ trợ người dân giống cây, giống con; hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà… Các công trình phúc lợi như điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang hiện đại.

Tuy cây thuốc phiện không còn nhưng Pù Nhi nói riêng và huyện Mường Lát vẫn là một trong những địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy với một số điểm, tụ điểm tồn tại lâu năm gây nhức nhối trong quần chúng nhân dân, như: Bản Tà Cóm, bản Khằm (xã Trung Lý); bản Sài Khao (xã Mường Lý); bản Ón (xã Tam Chung); bản Pù Ngùa và cả Pù Quăn (xã Pù Nhi)...

Trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy, trong những năm qua, các cấp, các ngành mà nòng cốt là lực lượng Công an, Biên phòng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với tội phạm và tệ nạn ma túy.

Cuộc chiến chống tái trồng cây thuốc phiện ở vùng cao Thanh Hóa - Ảnh 1.

Công an huyện Mường Lát thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo người dân tránh xa ma túy

Chuyển từ "vùng đỏ" sang "vùng xanh"

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa với hơn 105 km đường biên, tiếp giáp với 2 huyện Viêng Xay và Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Trên tuyến biên giới có cửa khẩu quốc gia Tén Tằn, 2 lối mở và nhiều đường mòn qua lại biên giới. Toàn huyện có 8.914 hộ, 42.676 nhân khẩu thuộc 6 dân tộc anh em sinh sống, gồm: Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh, trong đó dân tộc Mông chiếm 44,8%.

Kể từ khi tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch 283 của Giám đốc Công an tỉnh về chuyển hóa địa bàn phức tạp về ma túy huyện Mường Lát từ "vùng đỏ" sang "vùng xanh", cấp ủy, chính quyền và Ban Chỉ đạo 138 huyện Mường Lát đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, trong đó lực lượng Công an đóng vai trò nòng cốt.

Vừa tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, không trồng cây thuốc phiện, không mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy; vừa tranh thủ sự ủng hộ của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số để quản lý, giáo dục, cảm hóa những người lầm lỗi, nhất là người nghiện ma túy và các đối tượng liên quan đến ma túy.

Cùng với đó, huyện Mường Lát đã củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 138 huyện và Ban Chỉ đạo ANTT 8/8 xã, thị trấn. Đồng thời, duy trì có hiệu quả hoạt động của 18 mô hình "tự phòng, tự quản" về ANTT. Tổ chức 1.584 buổi tuyên truyền pháp luật qua hệ thống truyền thanh, xây dựng 1 bản tin tiếng Mông, 8 hội nghị cảm hóa, giáo dục thanh, thiếu niên hư cấp xã, 31 buổi tuyên truyền tại các bản, khu phố, 48 lượt tuyên truyền lưu động, 64 khẩu hiệu, pano, áp phích.

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phát 282 thư kêu gọi Nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật và quản lý, giáo dục người vi phạm pháp luật tại gia đình, cộng đồng dân cư... Thông qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho quần chúng Nhân dân. Người dân đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị về ANTT.

Riêng Công an huyện Mường Lát đã chủ động triển khai đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình hoạt động của các loại tội phạm trên các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm, đặc biệt là tội phạm ma túy để dựng lên các đường dây, ổ nhóm, đối tượng hoạt động liên tuyến, liên địa bàn, hoạt động phức tạp, các điểm, tụ điểm về ma túy để tập trung đấu tranh, triệt xóa.

Cuộc chiến chống tái trồng cây thuốc phiện ở vùng cao Thanh Hóa - Ảnh 2.

Một góc thị trấn Mường Lát hôm nay

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, Công an huyện Mường Lát đã trực tiếp phối hợp với Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh triển khai đồng bộ, linh hoạt các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy theo phòng tuyến "3 lớp": Lớp ngoại biên, lớp giáp biên và lớp nội địa để kiềm chế và đấu tranh quyết liệt với tội phạm ma túy. Qua đó, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an huyện Mường Lát đã phát hiện, đấu tranh, bắt giữ 59 vụ, 90 đối tượng, tang vật thu giữ 368,909 gram heroin, 3.002 viên hồng phiến, 6,972 gram thuốc phiện.

Nhờ chủ động phòng ngừa và đấu tranh quyết liệt với tội phạm và tệ nạn ma túy, đến nay tình hình ma túy trên địa bàn huyện Mường Lát đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện trên địa bàn huyện không còn các điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy, cây thuốc phiện giờ chỉ còn lại trong những ký ức người dân, ANTT được đảm bảo, trở thành lá chắn vững chắc ở vùng biên giới.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn