Theo âm lịch, rằm tháng 8 hàng năm là Tết Trung thu hay còn được gọi là Tết trông trăng, Tết hoa đăng. Theo phong tụ của người Việt, vào những ngày này, trẻ em thường được người lớn tặng đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, tò hè… Tuy nhiên, ngày nay, những món đồ chơi truyền thống không gây cho trẻ con nhiều thích thú, thay vào đó là tivi, máy tính bảng, smartphone -những món đồ chơi công nghệ luôn có sức hút mạnh với con trẻ.
Chị Lê Hà, 34 tuổi, cư trú tại phố Ngô Thì Nhậm, quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết: “Sắp đến Trung thu, tôi hỏi con thích đồ chơi gì để mua cho con nhưng con hầu như không để ý, chỉ thích chơi những trò được tải sẵn trong máy tính bảng. Mấy năm trước, bé nhà tôi cũng đòi mua đồ chơi nhưng chơi rất nhanh chán nên dần dần tôi ít mua cho con”.
“Ngày trước, tôi nhớ cứ đến dịp này, các cửa hàng bày bán đèn ông sao, đồ chơi Trung thu xuất hiện nhiều trên phố, nhất định mỗi đứa trẻ phải có một cái đèn để phá cỗ trông trăng ở tổ dân phố. Song, bây giờ bọn trẻ con nhà tôi chỉ thích đồ chơi được sản xuất từ nhựa hoặc trò chơi từ điện thoại thông minh, chứ chẳng còn háo hức đồ chơi truyền thống, được làm thủ công như ngày xưa”, chị Thùy, 28 tuổi, cư trú tại đường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội, chia sẻ.
Trong xã hội hiện đại, vì cha mẹ quá bận rộn, việc cho con dùng điện thoại, máy tính bảng để chơi và xem các video trên mạng ngày càng phổ biến, trẻ dần thờ ơ với những đồ chơi khác, khiến cho tuổi thơ không còn có nhiều kỷ niệm và các hoạt động hoạt náo. Ngoài ra, việc sử dụng đồ điện tử quá sớm còn gây nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là mắt, bởi vậy một số phụ huynh phải đặt ra giới hạn với con về việc sử dụng.
Để cho con hạn chế dùng đồ chơi điện tử, chị Trang, 32 tuổi, cư trú tại phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội, bày tỏ: “Mình thực sự không thích thấy con cứ vừa ăn vừa nhìn chăm chăm vào điện thoại, vậy nên nhà mình quyết định chỉ cho con xem tivi theo giờ và không cho sử dụng smartphone nữa. Mình rất quyết liệt trong vấn đề này nên chồng mình nhiều lúc vì thương con mà không hài lòng. Ban đầu con cũng kể lể so sánh về việc các bạn được chơi điện thoại mà con không được, nhưng giờ con mình đã vào nếp và không còn léo nhéo đòi điện thoại nữa”.
Đồng quan điểm trên, chị Vy, 40 tuổi, cư trú tại phố Bồ Đề, Q.Long Biên, Hà Nội, nói: "Tôi vẫn cho con dùng điện thoại để giải trí nhưng chỉ được dùng 1 giờ mỗi ngày. Con dần sẽ quen với quy định đó, giờ đây con còn có thời gian để đọc sách, chơi những trò giải trí khác".
Dịp Tết Trung thu, nhiều gia đình đã hướng con trẻ hạn chế dùng đồ chơi điện tử, song bên cạnh đó, không ít cha mẹ vẫn chưa làm được điều này. Đừng chỉ để con chỉ thích chơi trò chơi trên những "thế giới ảo”, hãy cho con trẻ được vui chơi giao tiếp với bạn bè, tìm hiểu về văn hóa dân gian thông qua những hoạt động vui nhộn và các món đồ chơi Trung thu truyền thống hàm chứa trong đó nhiều giá trị văn hóa.