"Cuộc chiến giữa người và muỗi đang rất căng thẳng"

13:38 | 20/07/2017;
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc sở Y tế Hà Nội - tại Hội nghị Tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết ở các tỉnh/thành trọng điểm diễn ra tại TPHCM vào sáng nay, 20/7.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế thông tin, từ đầu năm đến nay, trên cả nước có có 57.492 ca mắc sốt xuất huyết; tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, có 15 ca tử vong (tăng 1 tử vong so 2016). Năm nay, tình hình sốt xuất huyết tăng cao ở các tỉnh miền Bắc nhưng số lượng thì không bằng các tỉnh phía Nam.

Các bệnh viện quá tải vì số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng đột biến. Bệnh nhân khoa truyền nhiễm BV Bạch Mai phải nằm ghép. Ảnh: Trần Hiếu

 

Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm nay, sốt xuất hiện tại Hà Nội đến nhanh và sớm hơn 2016. Từ đầu năm đến nay, toàn Thành phố ghi nhận 5.000 ca sốt xuất, có 2 ca tử vong. Tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, chiếm 90% số ca mắc sốt xuất huyết.

Hiện TP.Hà Nội đã và đang thực hiện tất cả các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết theo chỉ đạo. Bên cạnh đó, những nơi nào có ổ dịch đều tiến hành họp dân, sử dụng loa di động để tuyên truyền về sốt xuất huyết, có nhiều phường thành lập các tổ để đi diệt bọ gậy.

Tuy nhiên, sốt xuất huyết vẫn chưa có dấu hiệu chững lại mà tiếp tục gia tăng. “Chúng tôi đang hết sức lo lắng, trăn trở. Công cuộc chiến đấu giữa người với muỗi rất căng thẳng”, ông Hạnh cho hay.
Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, việc thời tiết diễn biến thất thường cùng với môi trường đa đạng đã khiến cho lăng quăng, bọ gậy phát triển rất nhiều. Bên cạnh đó,  số lượng dân cư đông, đặc biệt là sinh viên, lao động tự do với điều kiện kinh tế hạn chế khiến cho công tác phòng, chống sốt  xuất huyết cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, trong giai đoạn đầu, sự vào cuộc của các cấp chính quyền còn chưa quyết liệt. Việc xử lý ở các ổ dịch chưa triệt để.

Ông Hạnh cho hay, hiện nay nhiều gia đình có điều kiện, lắp máy lạnh nên đang quên đi việc diệt muỗi. Trong khi đó ở nhiều nơi, nhất là nơi tập trung nhiều lao động, sinh viên thì loăng quăng, muỗi rất nhiều. “Hầu hết sinh viên đều ở trần mặc quần đùi, ở gần đó là các bể nước đầy bọ gậy, muỗi. Chúng ta phải chú ý đến những nơi này”, ông Hạnh phân tích.
Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội phát biểu tại hội nghị 


Ông Lê Quang Hùng - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Định cho rằng, công tác thông tin về phòng chống dịch là hết sức quan trọng. Trong vấn đề chẩn đoán và điều trị, ông Hùng lưu ý các đơn vị y tế nên chú ý hơn đến những ngày cuối tuần và ban đêm. “Những ca tử vong thường rơi vào ngày thứ 7, Chủ nhật hoặc vào ban đêm. Những bệnh nhi vào viện sau 9 giờ tối, có triệu chứng sốt thì các đơn vị y tế cần phải hết sức lưu ý”, ông Hùng khuyến cáo.

TS Viên Quang Mai - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang - cho biết, việc diệt loăng quăng, bọ gậy hiện nay ở các tỉnh/thành miền Trung đang gặp rất nhiều khó khăn khiến cho dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao. “Nhiều lúc có cả Phó chủ tịch tỉnh đi xuống tận các địa bàn để vận động người dân diệt loăng quăng bọ gậy. Nhưng sau đó một thời gian thì đâu lại vào đấy”, ông Mai cho hay.

Trong khi đó, TS Phùng Đức Nhật - Phó viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM - cho rằng, hiện nay việc phun xịt thuốc diệt muỗi, lăng quăng chưa được người dân đồng thuận là do người dân cho rằng hiệu quả không cao, có những nơi xịt thuộc vẫn xảy ra sốt xuất huyết bình thường.
“Tôi cho rằng các giải pháp từ cộng đồng như vận động người dân chủ động diệt muỗi, bọ gậy cùng với sự tham gia tích cực của các tổ chức đoàn thể sẽ hiệu quả hơn so với giải pháp phun xịt thuốc”, TS Nhật nêu quan điểm.
 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn