Lợi nhuận suy giảm
Dẫu cho trong những năm gần đây, một số NeoBank đã và đang nổi lên trên thị trường thế giới như Atom, Monzo (Anh), Bunq (Hà Lan), NuBank (Braxin), WeBank (Trung Quốc), N26 (Đức), Simple, Varo Money (Mỹ), Fidor (Anh và Đức), Wanap (Argentina) và những dự báo NeoBank sẽ dần thay thế các ngân hàng truyền thống (dựa trên nền tảng thực hiện hầu hết các giao dịch qua điện thoại thông minh (smartphone), sử dụng dữ liệu và công nghệ để cung cấp cho khách hàng trải nghiệm tương tác thực giữa công nghệ và ngân hàng), thì thực tế hiện nay các NeoBank đang gặp phải hàng loạt vấn đề khó khăn.
Tại Mỹ, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, những khách hàng mất niềm tin với các siêu ngân hàng (megabanks) do cơ chế hoạt động của các ngân hàng này bộc lộ những điểm yếu “chết người” trong khủng hoảng, từng được dự báo sẽ dịch chuyển sang các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn. Song điều này đã không xảy ra. Thay vào đó, một làn sóng khởi nghiệp ngân hàng được đặt tên “Neobank” đã xuất hiện và tràn ngập thị trường trong những năm gần đây.
Các nhà khai thác nổi lên từ làn sóng này như Chime, Varo Money và BankMobile đều đã có những thành công bước đầu trong đăng ký khách hàng mới với hàng triệu tài khoản. Chỉ tính riêng năm 2018, các NeoBank của Mỹ đã nhận được số tiền tài trợ gấp bốn lần so với năm 2017 và gấp 10 lần so với năm 2015, theo dữ liệu từ CB Insights. Làn sóng NeoBank với các công ty khởi nghiệp từng được coi là thách thức lớn đối với các ngân hàng truyền thống trong cuộc đua giành thị phần khách hàng và cung cấp dịch vụ.
Nhưng, cũng tại Mỹ, từng là một trong những nơi khởi đầu, NeoBank đang chững lại. Việc mở rộng quy mô nhưng không đem lại nhiều lợi nhuận kì vọng đang là thách thức lớn với các NeoBank. Có một thực tế là càng mở rộng quy mô tài khoản khách hàng thì các công ty khởi nghiệp NeoBank càng thêm nhiều gánh nặng về chi phí và buộc phải bù đắp trong khi lợi nhuận thu được không đáng kể. Dickson Chu, chủ tịch điều hành Simple, một NeoBank thuộc sở hữu của BBVA Compass Bancshares.Inc, nhận xét: Với mô hình NeoBank như hiện nay, càng tăng thêm nhiều tài khoản khách hàng thì càng làm tăng chi phí và thua lỗ. “Nói chung, càng mở rộng quy mô khách hàng thì bạn sẽ càng thiệt hại”, Dickson Chu bình luận.
Ra đời cách đây 10 năm (2009), Simple và Moven (được thành lập vào năm 2011 bởi Brett King, tác giả của cuốn sách “Bank 2.0”, “Bank 3.0” và “Bank 4.0”) được xem là những “ông lớn” đi đầu cho loại hình ngân hàng thế hệ mới tại Mỹ. Song, để tồn tại được đến nay và vẫn duy trì được hệ thống tài khoản khách hàng của mình, cả hai đều đã trải qua những thay đổi lớn về mô hình cũng như cách thức hoạt động. Tuy vậy, lợi nhuận của cả hai liên tục suy giảm. Năm 2014, Simple buộc phải bán lại cho BBVA với giá 117 triệu USD. Nhưng đến năm 2017, giá trị của Simple tiếp tục đà sụt giảm khi chỉ còn lại khoảng 90 triệu USD vào năm 2017.
Moven cũng không ngoại lệ. Sự suy giảm lợi nhuận đã buộc ông chủ của những cuốn sách nổi tiếng về ngân hàng thế hệ mới phải thay đổi chiến lược kinh doanh, chuyển sang cung cấp dịch vụ nhãn trắng (white-label) cho user của các ngân hàng, thay vì dựa vào lợi nhuận của người tiêu dùng như trước đây. Thực tế hoạt động của các NeoBank tại Mỹ đã cho thấy, giai đoạn đầu thật dễ dàng để tìm kiếm khách hàng với giao diện đẹp, dịch vụ tiện ích, công cụ quản lý tài chính và tài khoản tiết kiệm. Nhưng, để giữ được chân khách hàng, tiếp tục mở rộng quy mô trong khi vẫn duy trì được tăng trưởng và lợi nhuận lại là một thách thức lớn.
Các ngân hàng ‘tự điều chỉnh’
Một trong những hạn chế của NeoBank, theo giới phân tích là không có quá nhiều khác biệt về chức năng so với các dịch vụ từ ngân hàng truyền thống.
Sarah Kocianski, chuyên gia phân tích của 11.FS, công ty nổi tiếng về cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số cho ngân hàng có trụ sở tại London (Anh), nhận xét: “Chúng (các NeoBnak – PV) không cung cấp nhiều chức năng khác biệt. Bộ tính năng của chúng rất giống nhau”. Ron Shevlin, Giám đốc nghiên cứu của Cornerstone Advisors, một công ty tư vấn có trụ sở tại Scottsdale, Ariz (Mỹ) tỏ ra hoài nghi khi cho rằng mô hình kinh doanh của các NeoBank hiện nay, trong dài hạn sẽ có những rủi ro tiềm ẩn khi không tạo được sự khác biệt.
Điều đáng chú ý là giữa lúc các NeoBank đang loay hoay với bài toán chuyển đổi mô hình và lợi nhuận thì các ngân hàng truyền thống cũng đã kịp nhận ra các mối đe dọa từ NeoBank và đang âm thầm chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động. Nhiều ý kiến cho rằng, trong tương lai gần, phần lớn sự thay đổi này dự kiến sẽ đến từ chính các ngân hàng truyền thống khi tiếp thu những ý tưởng mới từ các tiện ích công nghệ tài chính (Fintech) mà không làm giản đi số lượng khách hàng đáng kể cho các NeoBank.
Tại Mỹ, hiện nay Venmo (một trong số các NeoBank có tên tuổi), đã phải bán lại cho PayPal. Venmo vẫn được nhiều người Mỹ trẻ tuổi lựa chọn, nhưng các ngân hàng lớn tại Mỹ cũng đã bắt đầu các phiên bản dịch vụ của riêng mình. Thậm chí, một số khách hàng trẻ tuổi ở Mỹ khi được hỏi đã nói rằng dịch vụ của các ngân hàng truyền thống đã thay đổi tích cực khi xử lý các giao dịch cá nhân nhanh chóng hơn Venmo. Venmo vẫn đang cố gắng tìm cách kiếm tiền từ doanh nghiệp và vẫn đang được cung cấp chủ yếu dưới dạng dịch vụ miễn phí. Nhưng dịch vụ miễn phí này của Venmo kéo dài được bao lâu vẫn đang là một câu hỏi.
Lindsay Davis, chuyên gia phân tích công nghệ tài chính của CB Insights, công ty chuyên xây dựng phần mềm dự đoán xu hướng công nghệ mới có trụ sở tại Mỹ, dự báo: Thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng sẽ là “chiến trường” tiếp theo trong cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các NeoBank với các ngân hàng lớn. Kết quả của cuộc chiến ra sao, đến nay vẫn còn bỏ ngỏ.