Như Báo Phụ nữ Việt Nam đã đăng tải, chị Cấn Thị Thùy Dương (SN 1980, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) và chị Trần Ngọc Thủy (SN 1989, Hà Nội) là 2 trường hợp tố cáo chồng cũ có hành vi "bắt cóc" con chung.
Trường hợp của chị Dương, sau khi ly hôn anh Đ.T.K. (SN 1980, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), chị Dương được Tòa án Nhân dân thành phố Bắc Ninh giao quyền chăm sóc con chung là cháu Đ.G.T. (2 tuổi). Chị Dương cho biết, sau khi bản án có hiệu lực, chị đã nhiều lần đến nhà anh K. để đón cháu T. về nhưng bị anh K. và gia đình anh K. ngăn cản.
"Ngày 21/9/2022, tôi cầm theo bản án và có sự chứng kiến của Tổ trưởng tổ dân phố nhưng anh K. đã không mở cửa cho tôi vào. Sau đó, tôi nhiều lần gọi điện cho anh K. nhưng cũng không bắt máy. Không còn cách nào khác, tôi phải làm đơn đến cơ quan chức năng để sớm được đón con về nuôi dưỡng theo đúng quy định của pháp luật. Ròng rã suốt nhiều tháng trời, tôi đã rất nhiều lần làm đơn, có cả đơn kêu cứu lên Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an, Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Ninh và các cấp Hội LHPN… nhưng đến nay mẹ con tôi vẫn xa cách", chị Dương trình bày.
Phản hồi về những lá đơn cầu cứu của chị Dương, các cấp yêu cầu anh K. và gia đình không được ngăn cấm chị Dương thăm con. Riêng lãnh đạo Hội LHPN phường Suối Hoa, nơi gia đình anh K. sinh sống, đưa ra đề nghị, để chị Dương đón cháu T. về nhà chăm sóc vì cháu còn nhỏ, rất cần mẹ. Tuy nhiên, sau các cuộc hòa giải đó, mọi chuyện vẫn đâu vào đấy.
Còn trường hợp của chị Thủy, sau khi ly hôn anh N.Đ.V. (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), Tòa án Nhân dân huyện Vụ Bản đã giao chị Thủy và anh V. mỗi người chăm sóc 1 người con. Theo đó, tòa quyết định giao cháu P.U. (SN 2012) cho chị Thủy trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng. Còn cháu B.A. (SN 2016) cho anh V. trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng.
Sau khi ly hôn, anh V. đưa cháu B.A. về huyện Vụ Bản sinh sống cùng ông bà nội. Còn chị Thủy và cháu P.U. thuê nhà ở thành phố Nam Định. Thế nhưng, ngày 26/9/2020, anh V. đã đến lớp học thêm của bé P.U. để đón cháu U. về sống cùng mình mà không báo trước với chị Thủy.
Chị Thủy cho biết, sau nhiều lần nhắn tin, gọi điện yêu cầu anh V. "trả con" bất thành. Chị đã về nhà anh V. để "đòi con" thì bị anh V. và gia đình anh V. ngăn cản. "Những ngày sau đó, tôi liên tục nhắn tin để bố cháu trả cháu về nhưng không được. Tôi có nhờ đến công an nhưng không ai can thiệp. Từ đó đến nay, mẹ con không được gặp nhau", chị Thủy cho hay. Chị Thủy cho biết, chị cũng đã gửi đơn cầu cứu đến nhiều cơ quan pháp luật nhưng đến nay chưa cơ quan nào xử lý yêu cầu của chị.
Theo luật sư Đỗ Ngọc Thanh, Đoàn Luật sư TPHCM, Giám đốc Công ty Dân Luật, các cặp đôi sau ly hôn đều phải tôn trọng và chấp hành phán quyết của tòa án. Việc giao con cho ai nuôi, Hội đồng xét xử đã cân nhắc quyền lợi tốt nhất về mọi mặt cho trẻ. Việc giao con cho người này trực tiếp nuôi không làm mất đi quyền thăm nom, chăm sóc của người còn lại. Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 thì việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được quy định như sau:
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, sau khi bản án ly hôn có hiệu lực pháp luật, nếu một trong các bên không chấp hành phán quyết của tòa thì bên còn lại làm đơn yêu cầu thi hành án gửi đến Cục/Chi cục Thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án để yêu cầu giao trẻ.
Trong thời hạn 10 ngày tự nguyện thi hành án kể từ ngày bên phải thi hành án nhận được Quyết định thi hành án mà không tự nguyện thì cơ quan Thi hành án dân sự sẽ tiến hành xác minh điều kiện thi hành án và cưỡng chế buộc thi hành án giao trẻ cho người trực tiếp nuôi dưỡng. Nếu người phải thi hành án chống đối, không tự nguyện giao trẻ thì cơ quan Thi hành án tiến hành xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 165 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Sau đó, cơ quan Thi hành án dân sự có thể chuyển hồ sơ qua cơ quan Công an có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "không chấp hành án" theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ở khía cạnh khác, nếu xét thấy một trong các bên không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì bên còn lại vẫn có quyền khởi kiện để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Việc này được quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân gia đình năm 2014.
Như vậy, các điều khoản pháp luật đã quy định rõ. Tuy nhiên, hoàn cảnh thực tế thì thiên hình vạn trạng, dẫn tới nhiều bi kịch gia đình, trẻ bị ngăn cấm không được gặp mẹ (hoặc cha).
Theo luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn Luật sư TPHCM), trường hợp của chị Cấn Thị Thùy Dương (SN 1980, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật, cơ quan Thi hành án đã có Quyết định thi hành án.
Chị Dương cần làm đơn đề nghị chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án quyết định cưỡng chế thi hành bản án. Ông Đ.T.K. (SN 1980, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) có điều kiện mà không chấp hành bản án của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật, mà còn vi phạm, là có dấu hiệu của tội "không chấp hành án" theo quy định của Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Chị Dương có thể làm đơn gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra tố giác hành vi không chấp hành án của ông Đ.T.K.
Về trường hợp của chị Trần Ngọc Thủy (SN 1989, Hà Nội), luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, chị Thủy cần làm đơn yêu cầu cơ quan Thi hành án huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, cho thi hành án đối với Quyết định công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận của các đương sự của tòa án.
Sau khi có quyết định thi hành án mà ông N.Đ.V. (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) không tự nguyện thi hành theo đúng nội dung Quyết định thi hành án, chấp hành viên được phân công tổ chức thi hành án sẽ quyết định cưỡng chế thi hành.
Tương tự trường hợp của chị Cấn Thị Thùy Dương, nếu ông N.Đ.V có điều kiện mà không chấp hành quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật mà còn vi phạm, chị Thủy nên làm đơn gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra tố giác hành vi không chấp hành án của ông N.Đ.V.
Bài sau: Tổ chức xã hội gánh trách nhiệm kết nối
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn