Cuộc dạo chơi đầy cảm xúc trên con đường dưới biển

19:00 | 24/10/2019;
Ở đảo Điệp Sơn (thôn Điệp Sơn, xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) có một con đường dài khoảng 800m, chỗ rộng nhất khoảng 8m nhưng chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống.

Ba hòn đảo có tên dân dã là hòn Bịp (do trước đây có nhiều chim Bìm bịp), hòn Quạ (nhiều Quạ sinh sống), hòn Ó (chim Ó biển làm tổ trên các đỉnh núi) được lập thành một đảo, gọi là đảo Điệp Sơn. Nếu nhìn từ xa, ta sẽ thấy đảo Điệp Sơn có hình dáng như tượng Phật nằm trên mặt biển, nửa chìm nửa nổi. Do đó, nó còn có tên gọi khác là đảo Phật Nằm.

Con đường dài khoảng 800m ở đảo Điệp Sơn xuất hiện khi thủy triều xuống

 

Từ thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh) ra đảo Điệp Sơn bằng tàu đò phải mất 1h, nhưng đi bằng ca nô chỉ mất khoảng 10 phút. Điệp Sơn có gần 100 hộ với khoảng 800 nhân khẩu. Người dân ở đây mưu sinh chính bằng nghề đánh bắt hải sản, bẫy cua, bắt sò, bắt ốc nhỏ lẻ ở các vùng ven đảo sinh sống qua ngày. Hải sản đánh bắt được chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình; bán cho khách du lịch, doanh nghiệp du lịch ở đảo và người dân trong đất liền.

Du khách trải nghiệm con đường dưới biển ở đảo Điệp Sơn với nhiều cảm giác thú vị bất ngờ. 

 

Đảo Điệp Sơn có một con đường giữa biển dài 400m, đi bộ được quanh năm và một con đường độc đáo khác cũng nằm giữa biển nhưng chỉ xuất hiện khi thủy triều xuống. Con đường này dài khoảng 800m, chỗ rộng nhất khoảng 8m. Khi thủy triều hạ, xuất hiện con đường và hình thành 2 dòng hải lưu với một bên nước nóng - ấm và một bên nước lạnh - mát, một bên nông và một bên sâu.

Du khách cũng có thể thuê lều nghỉ ban ngày giữa thiên nhiên, tận hưởng cảm giác mới mẻ

 

Con đường với những nét độc đáo, lạ kỳ khiến du khách đến đây luôn thích thú, bất ngờ và muốn ở lại thật lâu để trải nghiệm. Khi thủy triều chưa làm lộ rõ hình hài, du khách cuốc bộ trên con đường đầy nước, sụt sùi giữa làn cát, đùa giỡn với những bầy cá con, mang đến cảm giác thật lạ lẫm, thú vị như được chinh phục, hài lòng với thử thách “đi trên mặt biển nước”.

Trên đảo Điệp Sơn có rất nhiều món hải sản tươi ngon nhưng giá khá đắt

 

Được biết, khi người dân đến đây lập nghiệp đã thấy con đường này. Hàng trăm năm qua, nằm giữa biển nhưng con đường không hề thay đổi vị trí, kích thước, dù trải qua bao phong ba bão tố. Có điều, chẳng ai nghĩ đến việc phát triển du lịch. Cách đây khoảng 5 năm, trong một lần tình cờ tới đây, chủ của một doanh nghiệp kinh doanh du lịch thấy tiềm năng để biến thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn nên bắt đầu khai thác. Cũng từ đó, nhiều hộ gia đình ở đảo Điệp Sơn bắt đầu kinh doanh du lịch, phát triển kinh tế gia đình.

Dọc theo bờ biển, nhiều hộ gia đình xây dựng những căn chòi có gác để cho du khách thuê nghỉ qua đêm, dạng homestay. Họ còn nấu ăn phục vụ du khách. Nhiều du khách nghỉ qua đêm ở đây cho biết, không có hotel, motel nhưng thật tuyệt vời khi sống cùng nhà dân ở đây. Họ được trải nghiệm cuộc sống miền biển, cô lập trong những ánh đèn nhoáng trong đêm từ đất liền chiếu sáng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Mẫn - Trưởng thôn Điệp Sơn, những năm gần đây, du khách kéo về Điệp Sơn ngày một đông, có ngày hơn 1.000 khách, nhờ vậy người dân trên đảo bán hải sản sau đánh bắt với giá cao. Mỗi người, ngày ít cũng kiếm được 400.000 đồng, ngày nhiều thì cả triệu đồng. Không chỉ vậy, việc du khách đến đảo cũng mang đến cho người dân có tư duy tốt, tầm nhìn xa hơn. Ngày càng có nhiều người dân tham gia làm dịch vụ du lịch, giải quyết việc làm cho hầu hết người lao động trên đảo.

Những căn chòi nằm sát biển dành cho du khách muốn nghỉ qua đêm

 

“Do phát triển du lịch nên trong thời gian qua, thôn Điệp Sơn “thay da đổi thịt” trông thấy, đời sống người dân được nâng lên rất nhiều. Tôi tin rằng, du lịch ở Điệp Sơn sẽ phát triển ổn định và ngày càng bền vững. Tôi rất vui khi nhiều du khách bảo rằng, con đường dưới biển ở Điệp Sơn có không gian vô cùng hữu tình và hết sức tuyệt vời. Ai đến đây cũng lưu lại những bức ảnh kỷ niệm đáng nhớ”, ông Mẫn chia sẻ.

Vì điều kiện còn khá hạn chế nên đồ ăn ở đảo Điệp Sơn khá đắt. Nếu đi tự túc, du khách nên mang đồ từ nhà đi và thuê dụng cụ nướng của người dân trên đảo. Nếu tài chính rủng rỉnh, du khách có thể đặt trước các bữa ăn từ các hộ dân hoặc nhà hàng trên đảo. Tuy nhiên, giá cả ở đây khá cao so với mặt bằng chung, món rẻ nhất cũng 150.000 đồng, nhưng bù lại, hải sản tươi ngon miễn chê.

Nếu du khách ở lại qua đêm ở đảo Điệp Sơn, giá thuê chòi là 400.000 đồng, thuê lều là 200.000 đồng. Du khách cũng cần chú ý, Điệp Sơn chưa có điện lưới, tất cả phụ thuộc vào máy phát điện nhưng chỉ được sử dụng 3h mỗi ngày, từ 18h - 21h.

Chi phí cho chuyến đi: Vé máy bay khứ hồi Hà Nội - TP. Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) khoảng 3 triệu đồng; TP.HCM - TP.Cam Ranh khoảng 1,8 triệu đồng. Từ sân bay Cam Ranh đến thị trấn Vạn Giã khoảng 100km về phía bắc, do đó du khách có thể đi tuyến xe buýt, xe taxi hoặc xe khách để di chuyển. Vé xe khứ hồi Hà Nội - Vạn Giã khoảng 1,3 triệu đồng; TP.HCM - Vạn Giã khoảng 400.000 đồng. Từ cảng cá Vạn Giã ra đảo Điệp Sơn giá đi ca nô là 200.000 đồng/lượt khứ hồi, giá đi tàu đò khoảng 50.000 đồng/lượt khứ hồi.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn