Cuộc đời bi kịch của nữ văn sĩ nổi tiếng nước Anh

11:11 | 04/04/2017;
Virginia Woolf là một nữ văn sĩ nổi tiếng người Anh, được xem là một trong những nhà văn nổi bật nhất của thế kỷ 20. Bằng ngôn từ nhạy bén và sắc sảo, bà đã dành hơn nửa cuộc đời đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ.

Virginia Woolf tên thật là Adeline Virginia Stephen, sinh ngày 25/1/1882 tại thủ đô London, nước Anh. Cha bà là ông Leslie Stephen, một học giả, nhà sử học, nhà văn và phê bình văn học nổi tiếng đồng thời có nhiều đóng góp cho ngành xuất bản của Anh cuối thế kỷ 19. Mẹ bà - Julia Stephen lại là một nhiếp ảnh gia, người mẫu cũng có tiếng không kém. Hai người đều đã từng trải qua một cuộc hôn nhân trước đó nên rất tôn trọng và yêu thương nhau.

Nữ văn sĩ có một gia đình khá phức tạp. Cha mẹ bà đều đã có gia đình và con riêng từ những cuộc hôn nhân trước và tất cả các anh chị em chung nửa dòng máu đều sống dưới cùng một mái nhà. Gia đình bà còn là nơi thường xuyên đón tiếp số lượng lớn bạn bè, khách khứa học giả của bố mẹ bà đến thăm và ở lại nhà.

1.jpg
 Chân dung nữ văn sĩ Virginia Woolf.

Khác với những gia đình trí thức giàu có thời đó, ông Leslie không gửi các con gái tới trường nội trú mà tự dạy học cho các con gái tại nhà. Tuổi thơ của Virginia trôi qua trong ngôi nhà rộng lớn với những cuốn sách của cha. Bên cạnh nền giáo dục chứa đầy những tri thức học giả từ bố mẹ, những vị khách thường xuyên của gia đình đã cung cấp thêm nhiều nguồn thông tin thực tế, các cuộc tranh luận từ khắp nơi đến Virginia. Vì vậy, từ bé, bà không chỉ quen với cuộc sống đầy học thuật mà còn thường đắm mình trong các cuộc tranh luận và nhanh chóng có ý kiến của riêng mình.

Tuổi thơ của bà trôi qua êm đềm thì những biến cố lần lượt xảy ra. Khi nữ văn sĩ mới 13 tuổi, mẹ bà qua đời vì bệnh cúm. Vài tháng sau khi mẹ mất, bà bị chính người anh trai cùng cha khác mẹ cưỡng bức và lạm dụng tình dục. Trong suốt 9 năm sau đó, thần chết lại khiến Virginia phải rời xa cha và người anh trai Thoby. Những lần suy sụp về tinh thần đã để lại di chứng cho Virginia đến hết đời: bà mắc bệnh rối loạn lưỡng cực. Đó là, trong một khoảng thời gian, bà cực kì vui vẻ, cười nói hát ca, mơ mộng ảo tưởng và kể chuyện liên tục với mọi người. Đến khoảng thời gian còn lại, bà trầm cảm, không muốn nói gì và coi bản thân mình đầy tội lỗi, không đáng được sống và có ý định tự tử.

Sau khi trưởng thành, Virginia đi dạy ở trường đại học và viết các bài luận, bài phê bình, được đăng trên nhiều báo. Những trang viết của Virginia Woolf lên tiếng đòi hỏi người cho phụ nữ một không gian riêng - nơi những tiếng ồn lắng xuống, những nhu cầu đời sống không quấy rầy, để họ đủ điều kiện cất lên tiếng nói vốn bị nhấn chìm giữa cuộc đời tẻ nhạt của lựa chọn duy nhất: làm vợ, làm một bà nội trợ.

cn-phng-ca-ring-ta-tp-tiu-lun-v-n-quyn-ca-virginia-woolf.jpg
Với tác phẩm nổi tiếng Căn phòng riêng của ta, bà đã có một trong những phát biểu đầy nữ quyền và đầy nhân quyền đầu tiên trong văn học hiện đại.

Chính Virginia trong tác phẩm nổi tiếng Căn phòng riêng của ta đã phát biểu: ‘Một người phụ nữ nếu muốn viết văn thì phải có tự có tiền riêng và phải có một căn phòng riêng’. Đây là một trong những phát biểu đầy nữ quyền và đầy nhân quyền đầu tiên trong văn học hiện đại.

Năm 1907, sau khi chị gái Vanessa kết hôn, bà chuyển tới sống cùng chị gái tại một căn nhà thuê ở quảng trường Gordon và tham gia vào nhóm Bloomsbury. Đây là môt nhóm trí thức tập trung các nhà văn, nghệ sĩ, nhà hoạt động chính trị có tư tưởng cấp tiến. Họ thường tổ chức các buổi tọa đàm, diễn thuyết ở các quảng trường và đăng tải những bài tham luận trên báo chí.

Nhóm Bloomsbury chủ trương tự do ngôn luận, đòi quyền bình đẳng cho nữ giới ở nhiều lĩnh vực, trong đó có văn chương và chính trị. Từ việc nhẹ nhàng đòi hỏi một chỗ đứng riêng, Virginia đã tiến lên phản công lại nam giới trong cuộc đấu tranh bằng chữ nghĩa.

May mắn lớn nhất cuộc đời Virginia là được gặp gỡ và kết hôn với Leonard Sidney Woolf, một nhà văn, nhà chính trị đồng thời cũng là thành viên trong nhóm Bloomsbury. Những biểu hiện của chứng rối loạn lưỡng cực đã khiến bà nhiều lần có ý định tự tử rồi sau này còn mắc chứng biếng ăn, mất ngủ và nhiều lần phải vào viện vì suy nhược cơ thể nhưng Leonard vẫn kiên trì ở bên cạnh để chăm sóc, bầu bạn với bà. Hai người đã có một cuộc sống vô cùng gắn bó, hạnh phúc. 25 năm sau ngày cưới, nhật kí của Virginia ghi lại rằng: ‘25 năm sau, chuyện yêu nhau của chúng tôi vẫn không thể tách rời. Bạn sẽ luôn cảm thấy niềm hạnh phúc to lớn, khi mãi được thèm muốn với tư cách một người vợ. Và như vậy, cuộc hôn nhân của chúng tôi đã viên mãn’.

2.jpg
 Là một nhà văn tài năng nhưng cuộc đời bà chịu nhiều đau khổ, phải chống chọi với căn bệnh tâm thần cuối cùng bà đã chủ động chọn cái chết để giải thoát cho bản thân.

Trong các tác phẩm nổi tiếng của mình như: Bà Dalloway (1925), Orlando (1928), Căn phòng của riêng ta (1929), Ba đồng ghi nê (1938)… con người Virginia Woolf chứa đầy những mâu thuẫn. Tuy mạnh mẽ, sắc sảo khi cầm bút nhưng trong cuộc sống riêng bà lại không đủ can đảm để vượt qua những nỗi đau, để cuộc đời kết thúc trong bi kịch.

Ngày 28/3/1941, sau những nỗ lực cuối cùng để chống chọi với bệnh tâm thần, Virginia Woolf đã nhét đầy sỏi vào túi áo và trẫm mình xuống sông Ouse gần nhà để tự vẫn. Trước khi chết, nữ văn sĩ để lại thư tuyệt mệnh cho người chồng yêu dấu, bà cho rằng đây là cách tốt nhất để cả hai bớt đau khổ. Trong thư bà viết: ‘Người yêu quý, em cảm thấy rất rõ ràng em lại sắp bị bệnh. Em cảm thấy chúng ta không thể vượt qua những điều kinh hoàng như vậy nữa. Và lần này, em không thể phục hồi. Em bắt đầu nghe thấy những giọng nói, và em không thể tập trung. Vì vậy em sẽ làm điều tốt nhất cho cả hai chúng ta… Em chỉ muốn nói rằng, mọi hạnh phúc em có trên đời, là do có anh... Tâm trí em rời bỏ em, ngoại trừ một điều, anh là điều tốt nhất với em… Em không thể tiếp tục làm hại cuộc đời anh. Chúng ta đang là những người hạnh phúc nhất trên cuộc đời này’.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn