Lê Ngọc Hân sinh ngày 27 tháng 4 năm Canh Dần (1770) tại kinh thành Thăng Long. Bà là công chúa thứ 21 trong số của 23 người con gái của vua Lê Hiển Tông. Mẹ bà là Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, người xã Phù Ninh, tổng Hạ Dương, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội).
Theo lời truyền tụng thì công chúa thông minh từ bé, diện mạo thanh tú, xinh xắn, bản tính thùy mị, dịu dàng. Chưa đầy 10 tuổi, công chúa chẳng những đã giỏi cầm, kỳ, thi, họa mà còn thuộc làu kinh điển, thông thạo âm luật, giỏi thơ văn cả Hán lẫn Nôm. Càng lớn, công chúa càng xinh đẹp, nết na, duyên dáng, đức hạnh, được tiếng thơm khắp hoàng cung.
Bức họa sơn dầu về Ngọc Hân công chúa. |
Năm 1786, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đem quân tiến ra Bắc với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh”, xóa sổ hoàn toàn thế lực các chúa Trịnh. Sau khi vào yết kiến vua Lê, Nguyễn Huệ được vua Lê Hiển Tông phong là Nguyên soái Phù chính dục Vũ uy Quốc Công.
Trước sự suy yếu của triều đình nhà Lê, với sức mạnh của quân Tây Sơn, Bắc Bình Vương lấy làm khó chịu trước tước vị phù phiếm mà vua ban cho. Trước tình hình đó, vua Lê theo lời khuyên của Nguyễn Hữu Chỉnh, gả công chúa Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ để mối quan hệ giữa hai bên bớt căng thẳng. Từ cuộc hôn nhân này, tình cảm giữa Nguyễn Huệ với nhà Lê có sự gắn bó, ràng buộc hơn.
Năm đó công chúa Ngọc Hân vừa tròn 16 tuổi. Lễ cưới được tổ chức linh đình vào ngày 11 tháng 7 năm Bính Ngọ (nhằm ngày 4.8.1786). Nguyễn Huệ đã cử hành nghi lễ rước dâu rất long trọng, cho quân lính đứng xếp hàng hai bên từ cung điện đến tận cửa phủ riêng của mình bên bờ sông Nhị. Chú rể ngồi kiệu rồng vàng ra đón, hết thảy mọi nghi lễ đều đúng lệ. Tiệc rượu linh đình được tổ chức chiêu đãi hoàng tộc và các quan văn võ trong triều. Hôm ấy, trai gái trong kinh thành hay tin rủ nhau đi xem đông như ngày hội. Ai cũng cho là việc hiếm có xưa nay.
Cuộc hôn nhân giữa Nguyễn Huệ – Ngọc Hân, xuất phát ban đầu là ý đồ chính trị. Nhưng qua quá trình sống bên chồng, bà đã chiếm trọn niềm tin, tình yêu của người anh hùng. Với sự dịu dàng trong sáng và cách cư xử nền nếp gia giáo rất đặc trưng của phụ nữ Bắc Hà xưa, Ngọc Hân đã chinh phục hoàn toàn người đàn ông dũng mãnh. Nguyễn Huệ tôn trọng, nâng niu, luôn hỏi ý kiến Ngọc Hân về những ứng xử cần thiết với triều đình nhà Lê.
Có thể nói, Ngọc Hân đã làm tròn sứ mệnh lịch sử: Là gạch nối giữa triều đình nhà Lê với nghĩa quân Tây Sơn.
Tháng 8 năm 1786, Nguyễn Huệ đưa Ngọc Hân về Phú Xuân. Bà ở Hữu cung, cùng Tả cung Hoàng hậu Phạm Thị Liên. Bà thường giảng giải kinh sách cho con em trong hoàng gia, giúp hoàn thiện các nghi lễ trong nội cung.
Với bản tính khiêm nhường, hòa nhã, bà nhanh chóng nhận được sự cảm mến của mọi người. Nguyễn Huệ biết Phú Xuân là nơi xa lạ với Ngọc Hân nên ông luôn yêu thương che chở cho bà.
Với bản tính khiêm nhường, hòa nhã, bà nhanh chóng nhận được sự cảm mến của mọi người. Nguyễn Huệ biết Phú Xuân là nơi xa lạ với Ngọc Hân nên ông luôn yêu thương che chở cho bà.
Năm 1788, Nguyễn Huệ ra bắc lần thứ 2 trị tội Võ Văn Nhậm chuyên quyền. Cùng với đoàn tùy tùng 150 thớt voi, 100 võng cáng là hai chiếc kiệu sơn son thiếp vàng để Ngọc Hân sánh vai cùng Bắc Bình Vương về thăm Thăng Long, Ngọc Hân rạng ngời hạnh phúc.
Năm 1789, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Quang Trung. Năm 1790, Ngọc Hân được phong là Bắc cung Hoàng hậu. Bà sinh hạ hai người con với Nguyễn Huệ là công chúa Nguyễn Thị Ngọc và hoàng tử Nguyễn Quang Đức khỏe mạnh, đáng yêu.
Xinh đẹp, nết na lại có tài, Bắc cung Hoàng hậu được nhà vua tin yêu say đắm. Trong thực tế, Ngọc Hân còn trở thành người cộng sự đắc lực, tin cẩn về lĩnh vực văn hóa, giáo dục của chồng cũng như khuyên giải chồng nhiều việc hệ trọng khác trong triều chính ở Phú Xuân. Một số biểu văn thời Tây Sơn còn ghi lại đã ít nhiều minh chứng cho điều này.
Đền Ghềnh - nơi thờ phụng công chúa Ngọc Hân. |
Tuy vậy, cuộc đời cũng không hẳn đã ưu ái bà, mới 6 năm làm vợ người anh hùng áo vải, năm 1792, hoàng đế Quang Trung băng hà. Cái chết của Quang Trung khiến Ngọc Hân suy sụp. Trong những ngày đau thương, Ngọc Hân dồn hết tình cảm của mình vào khúc ngâm Ai tư vãn.
Ai tư vãn gồm 14 câu thơ theo thể song thất lục bát để bày tỏ nỗi đau khổ cùng cực cũng như nỗi tiếc thương vô hạn người chồng anh hùng mà vắn số.
Trong bài thơ này, hình ảnh Nguyễn Huệ hiện lên không chỉ với tư cách người anh hùng mà trước hết và trên hết là những mối quan hệ riêng, tình vợ chồng. Khi chồng bị bạo bệnh, Ngọc Hân đã hết lòng chăm sóc chồng: “Từ nắng hạ mưa thu trái tiết/Xót mình rồng mỏi mệt chẳng yên/Xiết bao kinh sợ lo phiền/ Miếu thần đã đảo thuốc tiên lại cầu/ Khắp mọi chốn đâu đâu tìm rước/ Phương pháp nào đổi được cùng chăng?”.
Với Ai tư vãn, Ngọc Hân đã đóng góp vào kho tàng văn học chữ Nôm một áng văn đẹp não nùng. Ai tư vãn xứng đáng sánh ngang hàng với khúc ngâm Cung oán, Chinh phụ nổi tiếng trong thành tựu văn học Việt Nam thế kỷ XVIII.
Quang Trung mất, Hoàng chính hậu Phạm Thị Liên cũng qua đời. Ngọc Hân khi đó mới 22 tuổi xin đưa các con ra khỏi cung điện Phú Xuân, sống trong chùa Kim Tiền để thờ chồng nuôi con. Ngày mồng 8 tháng 11 năm Kỷ Mùi (4/12/1799), Hoàng hậu Ngọc Hân qua đời khi mới 29 tuổi.
Tuy nhiên, những bi thương đối với Hoàng hậu Lê Ngọc Hân không dừng lại kể cả khi bà đã mất. Năm 1802, Phú Xuân thất thủ, hai con bà cũng bị hại. Mẹ bà xót thương con cháu mồ hoang không người hương khói đã bất chấp hiểm nguy, nhờ một viên Đô đốc nhà Tây Sơn cũ bí mật đem hài cốt của 3 mẹ con Ngọc Hân xuống thuyền vượt biển về quê ngoại.
Tượng Hoàng hậu Lê Ngọc Hân được thờ kín ở đền Ghềnh. |
Mẹ bà ngầm xây mộ, dựng đền, khắc bia giả, đổi lại tên để làm mất dấu tích. Tuy nhiên đến đời vua Thiệu Trị, sự việc bị phát giác, triều đình phái người trị tội. Miếu thờ bị đập phá, phần mộ 3 mẹ con Ngọc Hân bị quật lên, hài cốt đưa xuống thuyền rồi đem đổ xuống sông Dâu.
Tương truyền, hài cốt Ngọc Hân trôi ra sông Hồng, đến ghềnh ở làng Lâm Hạ, xã Phú Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) thì dừng lại. Người dân rước vào bãi sông chôn kỹ rồi lập đền thờ bên trên. Để che giấu, đền thờ Ngọc Hân được gọi là đến Mẫu, ngày nay đó chính là đền Ghềnh.
Tương truyền, hài cốt Ngọc Hân trôi ra sông Hồng, đến ghềnh ở làng Lâm Hạ, xã Phú Viên, huyện Gia Lâm (Hà Nội) thì dừng lại. Người dân rước vào bãi sông chôn kỹ rồi lập đền thờ bên trên. Để che giấu, đền thờ Ngọc Hân được gọi là đến Mẫu, ngày nay đó chính là đền Ghềnh.