Sylvia Plath sinh ngày 27/10/1932 tại Boston, Massachusetts, Mỹ. Lên 8 tuổi mồ côi bố, điều này có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của Plath sau này. Lúc còn nhỏ, bà đã viết một bài thơ tình cảm về mẹ, tuy nhiên bài thơ này ít được biết đến, trong đó, nhà thơ đã miêu tả mẹ mình, bà Aurelia Plath giống như Mary Poppins - nhân vật bí ẩn và huyền diệu trong loạt truyện viết cho trẻ em của nữ văn sỹ người Úc gốc Anh Pamela Lyndon Travers. Plath thường ký ở cuối bức thư gửi cho mẹ viết rằng bà yêu mẹ "hơn bất kỳ ai". Bằng nhiều cách, Plath đã cố gắng giữ lại những gì thuộc về cha mẹ mình. Bà đã giữ lại đàn ong của cha - ông Otto Plath , một giáo sư nghiên cứu về ong tại đại học Boston khi sống ở trang trại cũ ở miền Bắc Devon.
Bài thơ đầu tiên của Plath đã được công bố khi mới lên 8. Bằng tài năng của mình, bà được đánh giá như một nghệ sĩ có tiềm năng chiến thắng tại giải thưởng The Scholastic Art & Writing Awards năm 1947. Bà đã xuất sắc giành được học bổng Fulbright uy tín để có thể theo học tại Đại học Cambridge.
Plath được nhớ tới bởi khả năng đặc biệt của mình trong nghệ thuật, từ thơ ca, hội họa và ngay cả cái chết của bà.
Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, Sylvia đã viết được một khối lượng tác phẩm khổng lồ. Trước khi học Đại học, cô gái trẻ Sylvia đã viết được 50 truyện ngắn và được giới phê bình đánh giá rất cao.
Nổi tiếng với những sáng tác thơ của mình nhưng khi còn sống, bà chỉ cho ra mắt một tập thơ The Colossus (1960). Còn những tập thơ còn lại như Ariel (1965), Crosing the Water (1971), Winter Trees (1972), Collected Poems (Tuyển tập thơ 1981) chỉ được Hughes cho xuất bản sau khi bà qua đời. Bà cũng viết những cuốn sách dành cho trẻ em, bao gồm The Bed Book (1976) và The It- Doesn't-Matter-Suit (1996).
Trong suốt cuộc đời ngắn ngủi vỏn vẹn 30 năm, ngoài những sáng tác thơ, Plath chỉ cho ra đời cuốn tiểu thuyết duy nhất The Bell Jar (tạm dịch Lọ chuông) và đó cũng là tác phẩm thành công nhất của bà. The Bell Jar được xuất bản vào năm 1963 dưới bút danh Victoria Lucas.
Với những đóng góp cho nền thơ ca và là một trong những nhà thơ nữ xuất sắc của Mỹ thế kỷ 20, năm 1982, bà đã được trao giải thưởng danh giá Pulitzer và một điều hiếm thấy trong lịch sử của giải thưởng khi giải thưởng được trao sau khi người nhận giải đã qua đời.
Về đời sống riêng tư, năm 1956, khi Sylvia Plath còn là một cái tên vô danh thì Ted Hughes đã là một nhà thơ nổi tiếng. Họ gặp nhau tại một bữa tiệc chào mừng sự ra đời của tạp chí St. Botolph's Review tại Cambridge. Vốn ngưỡng mộ tài năng và tò mò về con người Ted Hughes, Plath làm mọi cách để thu hút sự chú ý của ông. Và họ đã có một kết thúc đẹp khi cưới nhau sau đó không lâu, có một thời gian hạnh phúc bên 2 đứa con đẹp như thiên thần. Trong khoảng 4 năm đầu của cuộc hôn nhân, Sylvia thực sự là niềm cảm hứng cho những sáng tác của Ted, còn ông chính là chỗ dựa cho bà trong cả cuộc sống riêng lẫn sự nghiệp.
Giông tố chỉ nổi lên từ khoảng năm 1961, khi Plath bắt đầu nghi ngờ sự chung thủy của chồng. Người thứ ba chen vào mối quan hệ đang êm đềm của họ là Assia Wevill, một phụ nữ gốc Đức. Assia và Ted gặp nhau lần đầu tiên khi Assia cùng chồng là nhà thơ David Wevill được Sylvia mời đến nhà chơi. Ted ngay lập tức bị xiêu lòng bởi vẻ đẹp của Assia và phản bội lại Plath.
Đến năm 1963, không chịu đựng nổi thói trăng hoa của chồng, Plath đã quyết định từ giã cuộc đời. Bà mở khí gas và bịt kín mọi lỗ hổng trong nhà bếp để khí độc không ảnh hưởng đến 2 đứa con đang nằm ở phòng bên cạnh.
Năm 2003, cuộc đời bà được dựng thành phim Sylvia với hai diễn viên chính là Gwenyth Paltrow và Daniel Craig. Các tác phẩm của Sylvia Plat đã có ảnh hưởng lớn tới phong trào đòi quyền bình đẳng cho nữ giới.