Cuộc đời đau thương của 'thánh nữ hội họa' thế kỷ 20

20:28 | 28/12/2016;
Frida Kahlo là nữ họa sĩ nổi tiếng người Mexico. Cuộc đời bà chịu nhiều sự đau đớn đến mức bằng tài năng của mình, bà đã biến những nỗi đau tột cùng ấy và khát vọng giải thoát thành những kiệt tác hội họa của thế kỷ XX.

Nhắc đến Frida Kahlo, người ta nói nhiều đến những tác phẩm vẽ bằng cả đau đớn về tinh thần và thể xác. Khi mới 18 tuổi, tài năng chớm nở, bà đã phải chịu đựng một tai nạn xe buýt tàn khốc gần như cướp đi sinh mạng. Kể từ đó, cuộc đời bà gắn liền với những ca phẫu thuật liên miên, và cuộc sống trớ trêu cướp đi của bà bản năng thiêng liêng nhất của người phụ nữ là làm mẹ.

Đau đớn đến tột cùng với tất cả những điều đó, Frida ghi chúng lại trong toàn bộ tác phẩm của mình. Frida đặc biệt nổi tiếng với các bức chân dung tự họa, trong đó nổi bật là hình ảnh một phụ nữ trong các tình huống đầy bi kịch, với khuôn mặt chất chứa khổ đau, có hàng lông mày rậm và hàng ria mờ hai bên khóe miệng.

chn-dung-t-ha-1930.jpg
 Một bức chân dung tự họa của Frida Kahlo năm 1930.

Frida Kahlo sinh ngày 6/7/1907 tại vùng Coyoacan, khi ấy vẫn là một thị trấn nhỏ nằm bên rìa Mexico City. Cuộc đời bà từ khi còn nhỏ đã không gặp nhiều may mắn. Mới 6 tuổi, Frida đã bị mắc chứng bại liệt, chân phải của bà teo nhỏ, không cân xứng với chân trái. Vì vậy, sau này bà cố gắng che lấp khiếm khuyết ấy bằng những chiếc váy dài sặc sỡ.

Năm 1922, Frida là một trong 35 cô gái được nhận vào học tại Escuela Nacional Preparatoria, một trong những ngôi trường danh giá nhất Mexico.

Ngày 17/9/1925, một tai nạn thảm khốc xảy ra với Frida. Chiếc xe buýt chở bà va chạm với một chiếc xe điện khiến chiếc xe buýt mất đà và đâm vào đường tàu. Bà dính nhiều thương tích nặng, gồm gãy cột sống, gãy xương đòn, xương sườn, xương chậu. Bà cũng bị 11 vết rạn ở chân phải, bàn chân phải bị dập, xương vai bị trật khớp. Ngoài ra bà còn bị một thanh đường ray xe điện đâm xuyên qua bụng và tử cung. Mọi người đều nghĩ rằng bà sẽ chết, ngay cả bác sĩ phẫu thuật cho Frida cũng nghĩ vậy nhưng điều kỳ diệu là bà vẫn sống sót.

v-tai-nn-the-accident-tranh-v-ch-nm-1926-ngy-17-9-1925-frida-gp-tai-nn-thay-i-c-cuc-i-c-mt-nm-sau-c-v-bc-ha-ny.jpg
 Bức tranh 'Vụ tai nạn', tranh vẽ chì năm 1926 mô tả vụ tai nạn thảm khốc ngày 17/9/1925 làm thay đổi cả cuộc đời của nữ họa sĩ.

Tai nạn khủng khiếp đó tuy không lấy mất mạng sống của Kahlo nhưng khiến cả cuộc đời bà phải chịu đựng những cơn đau thường xuyên tái phát với việc liên tục phải vào viện và trải qua hơn 30 cuộc phẫu thuật khác nhau.

Trong thời gian trị bệnh, Frida đã cố gắng khiến mình bận rộn bằng cách nghiên cứu hội họa. Bà bắt đầu vẽ chân dung mình qua gương. Frida Kahlo tập trung vào việc vẽ từ năm 1926, khi mà sức khỏe của bà được phục hồi một phần kể từ sau vụ tai nạn khiến gần như mọi sinh hoạt chỉ diễn ra trên giường bệnh.

the-bus-1929-frida-v-hi-c-ca-nhng-khonh-khc-cui-cng-trn-chic-xe-bus-trc-khi-tai-nn-khng-khip-xy-ra.jpg
 'Xe buýt' (1929) - Frida vẽ hồi ức của những khoảnh khắc cuối cùng trên chiếc xe buýt trước khi tai nạn khủng khiếp xảy ra.

2 năm sau, Frida gặp họa sĩ người Mexico gốc Tây Ban Nha Diego Rivera, một bậc thầy về nghệ thuật tranh tường, người có những tác phẩm hội họa mà bà rất ngưỡng mộ. Diego đã trở thành người thầy của Frida từ đó. Năm 1929, hai người kết hôn. Lúc này, Diego Rivera đã là một nghệ sĩ tên tuổi còn Frida Kahlo mới là một nghệ sĩ triển vọng. Mặc dù vấp phải sự phản đối dữ dội của người mẹ vì khoảng cách tuổi tác, Frida Kahlo và Diego Rivera vẫn cử hành hôn lễ ở tòa thị chính Coyoacan vào tháng 8/1929. Lúc này, Frida Kahlo 22 tuổi và Diego Rivera 43 tuổi.

Diego Rivera là người đã có nhiều ảnh hưởng về hội họa đến Frida, song cuộc hôn nhân của cặp đôi này lại trải qua nhiều tháng ngày không êm đềm và hạnh phúc. Năm 1949 là thời điểm khó khăn nhất khi dư luận đồn đại Diego có dự định kết hôn với một diễn viên điện ảnh Maria Felix. Mặc dù sau đấy người ta không thấy đám cưới mới của Diego nhưng ai cũng hiểu Frida cũng đã hứng chịu thêm một nỗi đau lớn từ chồng mình.

1.jpg
 Vợ chồng họa sĩ Frida Kahlo và Diego Rivera.

Cuộc sống chịu nhiều bất hạnh nên trong cuộc đời vẽ tranh của mình, rất nhiều tác phẩm của bà là dạng chân dung trong đó biểu hiện nỗi đau của bản thân tác giả. Phần lớn tranh của Frida đều có kích thước khiêm tốn nhưng luôn ẩn chứa cái tôi mạnh mẽ. Những bức tranh nổi bật của Frida thường là tranh chân dung tự họa, tranh vẽ bạn bè và tranh tĩnh vật đầy sinh lực, mang tính tự truyện về một cuộc đời đầy bão giông nhưng cũng đầy sáng tạo cho đến phút cuối. Lý giải việc tại sao bản thân lại thực hiện nhiều chân dung tự họa đến vậy, nữ họa sĩ cho hay: ‘Vì tôi cô đơn. Và vì con người tôi chính là thứ mà tôi thấu hiểu nhất’.

hai-nng-frida-tranh-sn-du-v-nm-1939-lc-kahlo-li-d-vi-ngi-chng-diego-bc-tranh-din-t-ni-tm-v-nhng-trn-tr-au-n-khi-hn-nhn-ca-frida-tan-v-y-l-bc-tranh-kh-ln-u-tin-ca-frida.jpg
 'Hai nàng Frida', tranh sơn dầu vẽ năm 1939, lúc Kahlo li dị với người chồng Diego. Bức tranh diễn tả nội tâm và những trăn trở đau đớn khi hôn nhân của Frida tan vỡ. Đây là bức tranh khổ lớn đầu tiên của Frida.
bc-chn-dung-ni-ting-ca-frida-kahlo-vi-hnh-nh-ngi-chng-trn-trn.jpg
 Bức chân dung nổi tiếng của Frida Kahlo với hình ảnh người chồng trên trán.

Frida Kahlo vang danh toàn cầu với các tác phẩm hội họa mang phong cách phối màu rực rỡ chịu ảnh hưởng đậm nét của văn hóa bản địa Mexico cũng như những ảnh hưởng của châu Âu như chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa tượng trưng và chủ nghĩa siêu thực.

Vào thời kỳ các bậc thầy như Diego Rivera, David Alfaro Siqueiros và Rufino Tamayo được cả thế giới biết đến qua những bức tranh tường hoành tráng thì Kahlo chỉ vẽ những bức sơn dầu khổ nhỏ với các chi tiết được thể hiện tỉ mỉ. Cả cuộc đời bà vẽ được chừng 200 bức như thế, song những tranh khổ nhỏ ấy lại gây tiếng vang lớn lao, nhận được sự ca ngợi của các nhà danh họa của trào lưu siêu thực, tạo được ấn tượng sâu sắc với khán giả. André Breton - Bậc thầy của trào lưu siêu thực trong một lần đến thăm Mexico năm 1938 đã phải thừa nhận, Frida Kahlo là ‘họa sĩ siêu thực tự thành đạt’.

Nữ họa sĩ qua đời ngày 13/7/1954. Cho đến thập niên 1970, tiếng tăm của Frida Kahlo nhanh chóng lan rộng. Bà được công nhận là một trong những họa sĩ xuất chúng nhất của thế kỷ XX. Frida Kahlo là họa sĩ Nam Mỹ đầu tiên có tranh được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp).

frida-kahlo-v-con-kh-nhn-b-ht-sc-cng-chiu.jpg
 Frida Kahlo và con khỉ nhện bà hết sức cưng chiều.
me-and-my-parrots-1941.jpg
 'Tôi và những con vẹt', (1941). Nhiều động vật như vẹt, khỉ, mèo... thường là chủ thể trong các bức họa của Frida. Người ta cho rằng chính vì cô đơn và quá khát khao con trẻ nên Frida chuyển nỗi niềm đó sang yêu quý những động vật cưng.

Kỷ niệm 50 năm ngày mất của Frida Kahlo, năm 2004, nhiều cuộc triển lãm tranh, giới thiệu sách mới viết về bà và các hoạt động khác sôi nổi tại Mexico City, ngay tại ngôi nhà Kahlo đã sinh ra, sáng tác và mất tại đó ở tuổi 47. Năm 1958, ngôi nhà với vườn cây xanh mát này trở thành bảo tàng thu hút hơn 325 nghìn lượt khách/năm như một địa chỉ du lịch nổi tiếng ở Mexico.

Năm 2008, trong gần 3 tháng (từ ngày 20/2 đến 15/5), bảo tàng Mỹ thuật Philadelphia (Mỹ) đã tổ chức một cuộc triển lãm tranh của Frida Kahlo với việc xuất hiện của hơn 40 bức tranh được tập hợp từ hơn 30 bộ sưu tập ở Mỹ, Pháp, Nhật và đặc biệt là ở Mexico, bao gồm các bức tranh chân dung, tranh tĩnh vật, tranh biểu tượng. Trong số đó có nhiều bức chỉ mới lần đầu tiên được trưng bày tại Mỹ. Tại thời điểm đó, đây là một trong những triển lãm được mong đợi nhất nước Mỹ nói riêng và giới nghệ thuật nói chung. Hàng chục nghìn người Mexico đã đứng xếp hàng trong nhiều tiếng đồng hồ chỉ để được xem tranh và những di vật của  nữ họa sĩ nổi tiếng Frida Kahlo.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn