Nghệ sĩ Văn Hiệp sinh năm 1942 tại Hà Nội. Ông bắt đầu diễn xuất từ trước khi đi học diễn viên với vở "Lỳ và Sáo" ở Nhà hát Lớn Hà Nội khi mới 12 tuổi.
Ông tốt nghiệp khóa diễn viên đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội) cùng lớp với cố NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Trọng Khôi, NSND Doãn Châu.
Sau khi tốt nghiệp, ông được nhận về công tác tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Từ năm 1963 đến 1990, ông công tác tại Nhà hát Kịch Trung ương, sau đó chuyển công tác sang Cục Văn hóa Thông tin.
Trong mấy chục năm làm nghề của mình, nghệ sĩ Văn Hiệp đảm nhận không biết bao nhiêu vai diễn, bao nhiêu số phận trên sân khấu cũng như màn ảnh nhỏ. Nhưng hình ảnh mà khán giả ấn tượng và nhớ tới ông nhất chính là dạng vai nông dân chất phác, hiền lành, thật thà, tốt bụng, dí dỏm trong rất nhiều phim truyền hình.
Đặc biệt là series tiểu phẩm hài về Trưởng thôn Văn Hiệp diễn cùng nghệ sĩ Quang Tèo và Giang Còi trên chương trình Gặp nhau cuối tuần của VTV3. Đây là vai diễn đã làm nên hình tượng nhân vật "trưởng thôn" đặc sắc, riêng biệt của nghệ sĩ Văn Hiệp, không thể trộn lẫn với ai.
Ngay cả khi đã về hưu là năm 2002 nhưng "bác trưởng thôn" Văn Hiệp vẫn miệt mài cống hiến cho nghệ thuật đến tận khi sức cùng lực kiệt. Dù vậy, cho tới trước khi mất, tuy đã 3 lần được làm hồ sơ để trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhưng nghệ sĩ Văn Hiệp vẫn không được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú do thiếu huy chương.
Đúng như vai diễn "trưởng thôn" mà nghệ sĩ Văn Hiệp được yêu mến, ngoài đời, ông cũng sống y chang vậy, chỉ biết miệt mài cống hiến, làm nghề bằng tất cả đam mê, trách nhiệm mà chưa từng đòi hỏi được vinh danh. Cho tới khi qua đời, ông vẫn là một nghệ sĩ không danh hiệu.
Thời điểm đó, NSND Khải Hưng - người từng cộng tác với nghệ sĩ Văn Hiệp trong phim Mặt trời bé con (1985) cho rằng, nghệ sĩ Văn Hiệp dù xuất thân từ Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng không tham gia vở diễn dự hội diễn để có huy chương theo đúng luật, trong khi danh hiệu nghệ sĩ được xét dựa trên huy chương.
Tuy nhiên với những gì mà nghệ sĩ Văn Hiệp đã cống hiến cho nghệ thuật nước nhà, được đông đảo công chúng yêu mến, đón nhận thì theo Khải Hưng, ông xứng đáng là nghệ sĩ của nhân dân Việt Nam.
Đó cũng là lý do mà NSND Khải Hưng quyết định soạn thảo một lá đơn trình lên Chủ tịch nước đề nghị truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp.
Sau đó, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng soạn một lá đơn tương tự trình lên Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, đề nghị đặc cách phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho ông.
Tháng 9/2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho Văn Hiệp vì những đóng góp của ông cho nền nghệ thuật nước nhà.
Vào ngày 10/10/2013, tại trụ sở Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Việt Nam đã diễn ra Lễ truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho cố nghệ sĩ Văn Hiệp.
Không chỉ sự nghiệp nhiều dấu ấn đặc biệt, đời riêng của nghệ sĩ Văn Hiệp cũng vậy. Hơn 20 năm cuối đời, nghệ sĩ Văn Hiệp gần như ở một mình với các con khi vợ ông đi xuất khẩu lao động ở Đức không về. Nhiều người khuyên ông lấy vợ mới nhưng ông vẫn ở vậy, đắp đổi niềm vui từ chính những vai diễn của mình.
Những năm cuối đời, sức khỏe của "trưởng thôn" Văn Hiệp rất yếu, ông gần như ốm đau, bệnh tật liên miên, nhiều lần phải phẫu thuật trong khi điều kiện tài chính khó khăn.
Đạo diễn Khải Hưng từng chia sẻ rằng, NSƯT Văn Hiệp là người chồng, người cha mẫu mực nhưng cuộc đời lại quá khổ. Khi biết mình bị ung thư, ông nằng nặc đòi về nhà và nhất định không bao giờ bước chân đến bệnh viện thêm một lần nào nữa.
Đến tận lúc cận kề cái chết, ông vẫn sợ tốn tiền của các con, sợ các con mất thời gian trông nom, sợ đếm những ngày tháng cuối đời qua ô cửa sổ ở nơi toàn tiếng lách cách kim tiêm và mùi thuốc men.
NSƯT Văn Hiệp qua đời tại nhà riêng vào lúc 5 giờ sáng ngày 9/4/2013 và được đưa đi hỏa táng theo di nguyện tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, tro cốt được an táng tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình. Sự ra đi của ông đã để lại niềm tiếc thương vô hạn với những người ở lại dù đã tròn 10 năm trôi qua.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn